Tài chính

ACB kinh doanh vàng ra sao trước khi trúng đấu thầu?

26/04/2024, 09:54

Từng lỗ đến 1.700 tỷ đồng do kinh doanh vàng, ACB vẫn tiếp tục đầu tư vào mảng kinh doanh này khi đấu thầu thành công 1.400 lượng vàng miếng.

Vẫn là "cuộc chơi" của số ít

Sáng 25/4, phiên đấu thầu vàng thứ 2 đã bị hủy do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Đây là phiên đấu thầu vàng thứ 2 bị hủy. Trước đó, ngày 22/4, do không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã hủy phiên đấu thầu vàng.

Tuy nhiên, vào chiều 23/4, NHNN cho biết đã có 2 doanh nghiệp trúng thầu với tổng khối lượng là 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, còn giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.

ACB kinh doanh vàng ra sao trước khi trúng đấu thầu?- Ảnh 1.

ACB trúng thầu 1.400 lượng với giá 81,32 triệu đồng/lượng.

Được biết, 2 đơn vị trúng thầu là Công ty SJC và Ngân hàng ACB. Trong đó, Công ty SJC trúng thầu 2.000 lượng, giá 81,33 triệu đồng/lượng. Còn ACB trúng thầu 1.400 lượng với giá 81,32 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý, phiên đấu thầu ngày 23/4 "ế" tới 13.400 lượng vàng, mặc dù có 11 đơn vị tham gia bao gồm 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp: ACB, MSB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, VPBank, HDBank và Công ty SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý.

Nhìn chung, nhiều ngân hàng cũng cho biết không tham gia đấu thầu vàng bởi biên lợi nhuận thấp. Dù vậy, ACB vẫn là ngân hàng TMCP duy nhất trúng thầu bất chấp tình hình kinh doanh mảng này không mấy thuận lợi.

Từng lỗ 1.700 tỷ đồng do kinh doanh vàng

Năm 2023, ACB có thu nhập lãi thuần đạt 24.960 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2022. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng ghi nhận 16.044 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 17,2%.

Tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào doanh thu là 24%. Trong đó, dịch vụ mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư đóng góp lớn vào tăng trưởng thu nhập của ACB.

Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh chuyển từ lỗ sang lãi hơn 168 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi đột biến 2.647 tỷ đồng, trong khi năm trước chỉ thu được gần 21 tỷ đồng.

Tổng tài sản của ACB cũng tăng 18% so với số đầu năm 2023, lên mức 718.794 tỷ đồng. Quy mô tín dụng đạt gần 488.000 tỷ đồng, tăng 18%. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng nợ xấu của ACB ghi nhận 5.887 tỷ đồng, tăng 93% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,74% đầu năm lên 1,22%.

ACB kinh doanh vàng ra sao trước khi trúng đấu thầu?- Ảnh 2.

Mảng kinh doanh vàng của ACB chỉ thu về 14,9 tỷ đồng trong năm 2023.

Mặc dù các chỉ số đều tăng trong năm 2023, song mảng kinh doanh vàng của ACB lại đi lùi với chỉ 14,9 tỷ đồng thu nhập, giảm 45,6%.

Trước đây, ACB từng là ngân hàng TMCP có tiếng đối với mảng kinh doanh vàng. Tuy nhiên, đến năm 2012, ngân hàng bất ngờ báo lỗ 1.700 tỷ đồng từ kinh doanh vàng. Khi đó, nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ là do ngân hàng phải chuyển đổi vàng ra tiền đồng để kinh doanh và bị tất toán đóng trạng thái.

Từ đó đến nay, mảng hoạt động kinh doanh vàng của ACB cũng không còn trở lại được thời hoàng kim khi ngân hàng này đã từng có thời điểm lãi hơn 2.381 tỷ đồng.

Năm 2013, kinh doanh vàng mang về cho ACB là 49,6 tỷ đồng. Con số này giảm nhẹ trong năm 2014 và sụt giảm mạnh xuống còn hơn 1 tỷ đồng vào năm 2015.

Năm 2016, ACB thu về 39,6 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng nhưng rồi lại sụt xuống mức thấp vào năm 2017 và năm 2018.

5 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh vàng của ACB dần ổn định với mức thu nhập đỉnh gần 74 tỷ đồng năm 2020. Chỉ riêng trong năm 2023 khoản thu nhập này trở về mức thấp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.