Xã hội

Ai còn muốn du lịch đến Việt Nam?

04/03/2022, 06:30

Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn góp ý về dự thảo phương án mở cửa lại du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Theo văn bản này, Bộ Y tế đề nghị trong vòng 24 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, khách không rời nơi lưu trú và xét nghiệm SARS-CoV-2.

Thậm chí, Bộ này còn cẩn thận tới mức khuyến cáo trong ngày thứ hai và thứ ba khách muốn rời khỏi nơi cư trú thì cũng phải có xét nghiệm âm tính (test nhanh hoặc làm PCR).

img

Cần có những chính sách phù hợp để thu hút khách quốc tế đến du lịch tại Việt Nam

Quy định với khách dưới 12 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 thì còn nghiêm ngặt hơn: Từ ngày thứ hai đến ngày thứ bảy muốn ra khỏi khách sạn, homestay, mời xét nghiệm hàng ngày.

Quy định này thực ra không có gì đáng nói nếu nó được đề xuất thực hiện vào… năm ngoái.

Nhưng thực sự là một đề xuất trớ trêu khi nhìn vào thực tế hiện nay. Khi một ngày cả nước có hơn 100 nghìn ca nhiễm mới.

Khi người nhiễm Covid-19 còn phải rời nhà đi xin giấy xác nhận F0 tại trung tâm y tế, khi nhiều F0 lo sợ không khai báo, khi có đơn vị thậm chí mắt nhắm mắt mở cho F0 đi làm bởi cả công ty không còn ai chưa nhiễm. F1 thì thật khó kiểm soát.

Trong khi đó, khách quốc tế vào Việt Nam dù đã xét nghiệm âm tính mới được lên máy bay lại bị yêu cầu ở trong khu lưu trú cả 7 ngày trời, muốn ra ngoài thì phải xét nghiệm.

Một lãnh đạo công ty lữ hành đề nghị giấu tên không giấu được bức xúc. Vị này phân tích: “Chỉ có thể hiểu quy định kỳ lạ này của Bộ Y tế là muốn an toàn tuyệt đối cho du khách, không muốn du khách lây nhiễm từ các nguồn khác khi rời khách sạn”.

Nếu vậy nên đổi thành cảnh báo: “Khách muốn rời nơi lưu trú cần xét nghiệm khi quay trở lại”.

Tất nhiên cách nói hài hước này còn hàm ý “mở cửa du lịch như vậy thì đừng mong có khách”.

Chính phủ đã chỉ đạo mở cửa du lịch từ ngày 15/3, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các ban ngành, các hãng hàng không, công ty lữ hành đã nỗ lực để sớm có thể khôi phục lại vị thế của ngành du lịch, để có thể thu về nguồn ngoại tệ quý báu cho phục hồi kinh tế, nhưng như vậy là chưa đủ. Rất cần quan điểm ứng phó với dịch bệnh thống nhất từ các Bộ, ngành.

Nếu cứ Bộ mở, Bộ đóng như vậy sẽ rất khó để hy vọng cứ “hai tuần thu về một tỷ đô” như kỳ vọng của nhiều người làm du lịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.