Cuối tuần qua, nhiều nhân viên đường sắt phục vụ trên các đoàn tàu được phen “hoảng hốt” vì dịch Covid-19. Đó là do các khách du lịch người Anh và cả khách Việt đi chung chuyến bay VN0054 với “bệnh nhân 17” từ London (Anh) đến Hà Nội và từ đây lại đi đến các tỉnh trên các đoàn tàu của đường sắt VN.
Trong số các khách này chỉ có 2 vợ chồng du khách người Anh đi tàu SP3 xuất phát Hà Nội ngày 4/3 đi Lào Cai là dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy vậy, ngoài nữ nhân viên phụ trách toa tàu có 2 du khách này phải đi cách ly tập trung, ngành Đường sắt đã cho gần 70 nhân viên đường sắt trên tàu, dưới ga tạm ngừng việc, tự cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Tự cách ly tại nhà, đồng nghĩa với việc người thân, gia đình cũng ảnh hưởng, phải hạn chế tiếp xúc, ra ngoài, nhất là thu nhập những nhân viên này sẽ bị giảm theo.
Theo một trưởng tàu khách, lương của những nhân viên trên tàu được trả theo chuyến, nghĩa là một lượt tàu đi và một lượt tàu về. Càng nhiều tàu, tàu càng đông khách, các tổ tàu sẽ được đi nhiều chuyến, thu nhập mới tăng được và ngược lại.
Tuy nhiên, hơn một tháng nay, quá vắng khách vì dịch Covid-19, ngành Đường sắt phải bãi bỏ, dừng nhiều tàu, kể cả tàu Thống Nhất và địa phương. Nhân viên phục vụ trên tàu đã phải nghỉ luân phiên, kéo dài thời gian giãn cách đi tàu để tổ tàu nào cũng được bố trí đi số chuyến tối thiểu, đảm bảo vẫn có lương, dù thấp. Lương đã thấp, giờ những nhân viên đường sắt bị cách ly lại không được đi tàu, nghỉ chuyến nào không có tiền chuyến ấy.
Thực tế này không phải đến bây giờ, khi ngành Đường sắt thực hiện cách ly đồng nghiệp, các nhân viên đi tàu mới biết. Họ đã hình dung ra nguy cơ bị lây nhiễm, cách ly ngay từ khi bùng phát dịch vào đầu tháng 2.
“Làm nghề phục vụ trên tàu nhiều nguy cơ, vì tiếp xúc với nhiều người, cả khách Việt và khách nước ngoài. Thời gian tiếp xúc trong không gian toa tàu hạn chế, lại đóng kín. Nhưng nếu tất cả đều ngại, đều sợ, không đi thì lấy ai phục vụ trên tàu?”, một nhân viên phụ trách toa xe tàu Thống Nhất tâm sự.
Lại nhớ chuyến gặp gỡ với tổ tàu hàng liên vận Việt - Trung mới đây tại ga Lào Cai, những người phải đi tàu liên tục trong 14 ngày để vận chuyển hàng hóa qua biên giới, sau đó lại tiếp tục cách ly 14 ngày. Một lái tàu tâm sự: “Ngành Đường sắt có hỗ trợ thêm cho chúng tôi, nên cũng có thêm thu nhập, nhưng số hỗ trợ đó chỉ trong thời gian có dịch nên cũng không được bao nhiêu, không lâu dài. Chúng tôi xung phong đi tàu vì nếu không đi thì hàng hóa ách tắc, ngành cũng không có doanh thu, thu nhập người lao động càng bị ảnh hưởng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận