Thị trường

An Giang "đổi phận" cho trái xoài sau ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn

23/02/2022, 14:00

Ngành Nông nghiệp An Giang đã đưa xoài lên sàn thương mại điện tử và mời doanh nghiệp đến ký hợp đồng mua xoài cho nông dân.

Phải chuyển đổi và đa dạng

Sáng 23/2, ông Nguyễn Văn Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở NN&PTNT) tỉnh An Giang cho biết, việc ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn những ngày qua đã gây ít nhiều khó khăn cho việc tiêu thụ, xuất khẩu xoài, cũng như nhiều loại trái cây khác của tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Hiền thông tin thêm, để giảm thiểu việc ùn tắc hàng hóa ở các cửa khẩu (trong đó có cửa khẩu Lạng Sơn), ngành nông nghiệp tỉnh đã tăng cường các giải pháp tiêu thụ xuất khẩu xoài theo con đường chính ngạch thông qua việc cấp mã số vùng trồng.

img

Trái xoài đang rớt giá mạnh.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động thực hiện kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng cây ăn trái, định hướng phát triển vùng sản xuất theo yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp.

An Giang hiện đã cấp 139 mã số xoài/150 mã số cây ăn trái tiêu thụ các thị trường Trung Quốc và các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Úc, EU, Hàn Quốc…

Đó là giảm diện tích sản xuất xoài tượng xanh (xoài ba màu), chuyển đổi giống sang các loại cây ăn trái khác như xoài keo, xoài Thái, cát Hòa Lộc, cát chu, nhãn, na Thái… nhằm ít bị phụ thuộc, ảnh hưởng thị trường Trung Quốc. Từ đó đa dạng mở rộng thị trường trường tiêu thụ, hướng đến tiêu thụ xuất khẩu chính ngạch.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn nông dân, thúc đẩy sản xuất an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn được chứng nhận, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt sản phẩm xoài đến nay đã chứng nhận 793 ha đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap… góp phần đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

“Hiện chúng tôi đã phối hợp với Sở Công thương, Sở TT-TT đưa trái xoài lên sàn thương mại điện tử, đồng thời mời gọi doanh nghiệp đến ký hợp đồng thu mua xoài cho nông dân và đã gắn kết tiêu thụ với 14 doanh nghiệp tham gia tiêu thụ xoài của tỉnh An Giang”, ông Hiền khẳng định.

img

Xoài giảm giá khiến nhiều nông dân ngao ngán.

Cũng theo ông Hiền, ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái năm 2022; Kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025 nhằm định hướng sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái của tỉnh.

Xoài đang giảm giá vì ảnh hưởng ùn tắc cửa khẩu

“Năm nay dịch bệnh nên sản lượng thua xa năm rồi lại gặp mất giá. Hiện tại giá thị trường xoài Đài Loan loại 1 có giá 8.000 đồng/kg. Loại 2 có giá 4.000 đồng/kg. Loại 3 có giá 500 đồng/kg (có thể không thu mua).

Vườn tôi thương lái vào mua lai rai lúc trước Tết, nhưng đến thời điểm này giá xuống đột biến nên chưa thấy thương lái vào thu mua”, ông Nguyễn Văn Hùm (64 tuổi, ngụ xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang – hiện đang canh tác 10 công đất trồng xoài Đài Loan) nói vậy.

Trước đó, một số cửa khẩu tại Lạng Sơn đang ùn ứ xe container do các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt của phía Trung Quốc nhiều ngày qua. Điều này dẫn đến hàng loạt nông sản (trong đó có xoài Đài Loan) ở An Giang giảm giá mạnh.

Ông Hùm cho biết thêm, giá xoài Đài Loan rất bấp bênh không ổn định do việc cửa khẩu ở Lạng Sơn không mở cửa, chỉ có tiêu thụ nội địa. Vì vậy, không riêng vườn của gia đình ông mà tất cả các vườn khác của người dân đều lỗ nặng.

“Giá xoài đã giảm sâu, năng suất thấp nhưng thuốc, phân bón lại cao, khi nông dân bán các sản phẩm ra thì đa phần chịu lỗ. Kiểu này chắc vài năm nữa tôi đi Bình Dương "bán nước tương" hoặc bỏ vườn”, ông Hùm than thở.

Ông Lê Văn Vũ (chủ vựa xoài An Giang và Đồng Tháp) cho biết, hiện vựa thu mua xoài tại vườn, loại 1 có giá 8.000-9.000 đồng/kg, loại 2 có giá 4.000 đồng/kg, loại 3 có giá 500-1.000 đồng/kg.

“Việc giá xoài giảm mạnh do các nông sản bị kẹt ở các cửa khẩu Lạng Sơn quá nhiều. Nhiều container mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chuối tại cửa khẩu này được phía Trung Quốc cho qua nhỏ giọt.

img

Hiện vựa mua xoài loại 1 tại vườn từ 8.000-9.000 đồng/kg.

Ví dụ: 100 xe họ chỉ cho qua 20 xe nên xảy ra việc ùn ứ, chí phí vận chuyển sẽ đội lên cao (nhà xe do nằm lâu thì buộc phải tăng giá - PV). Ngoài ra, trái cây không phải như lúa gạo để lâu dài, buộc lòng chúng tôi phải quay về bán nội địa. Khi bán nội địa thì giá sẽ rẻ nên vựa sẽ lỗ thê thảm”, ông Vũ chia sẻ.

Cũng theo ông Vũ, đối với mặt hàng xoài Đài Loan giá đang giảm sâu nên nhiều vựa không dám thu mua mạnh.

img

Xoài Đài Loan giá đang giảm sâu nên nhiều vựa không dám thu mua mạnh.

Nhưng thật sự nguyên nhân gốc rễ là do những hạn chế, yếu kém của nền sản xuất hàng hóa manh mún, chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ logistics, sản xuất chưa gắn với chế biến, xúc tiến thương mại còn nhiểu hạn chế.

Phần lớn trái cây xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc phụ thuộc các chợ, không hợp đồng kinh tế hoặc không đầy đủ các chứng từ thương mại; khối lượng hàng hóa ít, giá trị thấp; thanh toán tiền mặt, hàng đổi hàng; giao hàng qua cửa khẩu phụ, lối mở, rất manh mún…

“Chúng tôi mong mỏi Nhà nước đừng hở chút giải cứu hãy tìm những gì căn cơ nhất để giúp người nông dân ổn định. Việc bắt nông dân vào VietGap với giá thu mua 10.000 đồng/kg, xoài nông dân không theo VietGap cũng 10.000 đồng/kg.

Vậy vào VietGap có ý nghĩa gì? Trong khi vào đó, nông dân bị khống chế các loại thuốc không được sử dụng, những loại thuốc nhà nước cấm thì không được xịt trên cây xoài mà buộc phải mua thuốc theo quy định của họ với giá thành khác. Vì vậy nông dân không mặn mà vào chỗ này”, ông Nguyễn Thanh Xuân (63 tuổi, ngụ ấp Tấn Quế, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - hiện đang canh tác 2 ha xoài Đài Loan) ngao ngán.

img

Giá xăng dầu tăng cao, nhiều nhà xe ở miền Tây muốn tăng giá vé 20%

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.