Xã hội

Ân tình lính biên phòng cứu ngư dân, đảm bảo an toàn trên biển

29/10/2022, 06:00

Mưu sinh trên biển cả mênh mông, mỗi khi gặp sự cố, các ngư dân Quảng Ninh thường được những người lính biên phòng giúp đỡ, cứu nạn kịp thời.

Cứu ngư dân như cứu người thân của mình

14h ngày 16/10, Đồn Biên phòng Thanh Lân, huyện Cô Tô, Quảng Ninh nhận được tin báo của ngư dân tại khu vực vùng biển Mã Cháu phát hiện tàu cá biển kiểm soát HP-90068-TS bị đắm. Chủ tàu là anh Trần Văn Vương (SN 1982, trú tại thôn 4, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, Quảng Ninh), trên tàu có 3 thuyền viên.

Ngay lập tức, Đồn Biên phòng Thanh Lân điều động 1 tổ công tác gồm 6 cán bộ, chiến sĩ tổ chức di chuyển đến vị trí tàu đắm để cứu nạn. Sau nhiều nỗ lực, tổ công tác đã cứu hộ thành công 3 thuyền viên trên tàu và đưa vào bờ an toàn.

img

Đồn Biên phòng Thanh Lân, huyện Cô Tô cứu nạn thành công cho 3 ngư dân bị đắm tàu

Khoảng 6h40 ngày 28/4/2022, Trạm Kiểm soát biên phòng Hạ Mai, thuộc Đồn Biên phòng Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn đã nhận được tin báo của ngư dân Hà Văn Sinh (SN 1974) về việc cháu nhỏ tên Hà Linh Đan chưa đầy một tuổi bị rơi xuống biển chưa rõ từ bao giờ.

Trạm Kiểm soát biên phòng Hạ Mai đã lập tức triển khai lực lượng, phương tiện tham gia hỗ trợ gia đình tìm kiếm và đã phát hiện, cứu vớt được cháu bé đưa vào bờ để sơ cứu kịp thời.

Đến khoảng 7h25 cùng ngày, cháu bé đã có dấu hiệu hồi tỉnh trở lại và được đơn vị bố trí 1 xuồng cùng 4 cán bộ, chiến sỹ biên phòng hỗ trợ đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, TP Cẩm Phả để tiếp tục cấp cứu, điều trị.

Ông Hà Văn Sinh là ông nội của bé Hà Linh Đan, xúc động, cho biết: "Cháu nội tôi phúc lớn, mạng lớn quá. Các chú bộ đội biên phòng như là người sinh ra cháu lần thứ 2".

img

Bé Hà Linh Đan được Trạm Kiểm soát Biên phòng Hạ Mai cứu vớt khi bị rơi xuống biển

Tỉnh Quảng Ninh có luồng đường thủy nội địa quốc gia gồm 18 tuyến với tổng chiều dài 523,9 km và 18 tuyến luồng đường thủy nội địa địa phương.

Vùng sông, biển Quảng Ninh hiện có hàng ngàn phương tiện của ngư dân khai thác, nuôi trồng thủy sản và làm dịch vụ của ngư dân trên vùng sông, biển.

"Do vậy, vấn đề đảm bảo an toàn cho phương tiện của ngư dân trên các tuyến đường thủy luôn đặt ra những yêu cầu rất cao đối với lực lượng chức năng, trong đó có Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh", Trung tá Lê Văn Chiểu, Chính trị viên Hải đội 2 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

img

Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo ATGT cho ngư dân làm ăn tên vùng biển.

Theo Trung tá Chiểu, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực cứu hộ, cứu nạn trên sông, biển địa bàn biên giới tại địa phương. Đơn vị thường xuyên xây dựng các phương án, kế hoạch chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động cứu giúp ngư dân, phương tiện vận tải trên sông, biển.

Do chuẩn bị tốt phương tiện, lực lượng và bằng tinh thần "cứu ngư dân như cứu người thân của mình", bình quân mỗi năm, những người lính quân hàm xanh đã tham gia cứu hộ, cứu nạn thành công hàng chục vụ phương tiện với hàng chục ngư dân gặp nạn trên biển.

Nhân rộng những mô hình cảng, bến an toàn

Làm nhiệm vụ trên địa bàn vùng biển tỉnh Quảng Ninh dài trên 250km với hàng ngàn hòn đảo lớn, nhỏ, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo ATGT trên tuyến đường thủy.

"Chúng tôi tuyên truyền để bà con ngư dân có những kỹ năng cơ bản đề phòng bất trắc, rủi ro trong khi làm ăn, sinh sống trên sông, biển. Đặc biệt, bà con phải chấp hành nghiêm quy định về điều khiển phương tiện, trang bị hệ thống cứu hộ, cứu nạn và tuân thủ nghiêm ngặt các thông tin, thông báo của cơ quan chức năng về phòng, chống mưa, bão… Nhờ đó, nhiều năm nay, trên địa bàn đơn vị phụ trách không xảy ra vụ việc nghiêm trọng", Trung tá Lê Quang Chiểu nói.

img

Hải đội 2 Biên phòng tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân trên địa bàn đơn vị phụ trách.

Một trong những giải pháp tuyên truyền, đảm bảo an toàn cho ngư dân ở đây là từ các mô hình cảng, bến an toàn gắn với đảm bảo an ninh trật tự.

Như trên khu vực biển quanh đảo Thanh Lân có khoảng trên 200 phương tiện hoạt động kinh doanh dịch vụ, đánh bắt thủy sản, mỗi phương tiện có khoảng 10-20 thuyền viên, địa bàn đánh bắt giáp đường phân định vịnh Bắc Bộ.

Hơn chục năm trước, khi chưa có mô hình Bến bãi an toàn và Tổ tự quản an ninh trật tự thì hoạt động tại cảng cá Chiến Thắng khá lộn xộn. Các phương tiện neo, đậu tùy tiện; tình trạng tranh mua, tranh bán hải sản cũng diễn ra nguy cơ mất an ninh trật tự…

img

Các phương tiện ở cảng cá Chiến Thắng, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô neo đậu thành từng cụm đảm bảo ATGT.

Trước thực trạng này, Đồn Biên phòng Thanh Lân đã chủ động tham mưu cho cấp trên và chính quyền địa phương thành lập các Tổ tự quản an ninh trật tự tại cảng cá này.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn chục Tổ tự quản (mỗi tổ từ 5 - 20 phương tiện) đã được thành lập, phối hợp duy trì các biện pháp đảm bảo ATGT, an ninh trật tự. Kể từ đó, tàu thuyền ra vào neo đậu trật tự, ngăn nắp hơn, các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại cảng cũng không còn lộn xộn.

Từ mô hình của Đồn Biên phòng Thanh Lân, nhiều đơn vị trên tuyến biển đã trao đổi kinh nghiệm để vận dụng phù hợp với thực tiễn tại cảng, bến ở địa phương.

Trung tá Lô Văn Cường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh Lân cho biết: Điều đáng quý của các thành viên ở các tổ tự quản là đã chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm quý trong khi đi biển, hỗ trợ nhau các thiết bị đảm bảo an toàn mỗi khi phương tiện xảy ra sự cố. Đặc biệt mỗi khi nhận được tin báo có phương tiện gặp nạn, các tổ thành viên khác đã chủ động tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn kịp thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.