Y tế

Ba đậu trị viêm niêm mạc dạ dày

16/07/2019, 06:11

Ở Việt Nam, cây ba đậu mọc hoang hoặc được trồng tại nhiều tỉnh miền Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên.

img
Cây ba đậu

Ba đậu là cây gỗ cao 3-6m; lá mọc so le, mép khía răng; hoa mọc thành chùm ở đầu cành, hoa đực ở phía ngọn, hoa cái ở phía gốc; quả nang nhẵn màu vàng nhạt. Ở Việt Nam, cây ba đậu mọc hoang hoặc được trồng tại nhiều tỉnh miền Bắc, nhất là các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên.

Hạt ba đậu có vỏ cứng màu vàng nâu xám; dùng hạt đã ép bỏ hết dầu, sao vàng (ba đậu sương) chữa hàn tích đình trệ, bụng đầy trướng, táo bón, đại tiện bí kết (tắc nghẽn ruột) ho nhiều đờm loãng, đau tức ngực, bạch hầu và sốt rét. Rễ ba đậu dùng trị thấp khớp dạng thống phong, bọc máu, đòn ngã, rắn cắn. Lá ba đậu dùng bên ngoài khi bị phát cước hoặc làm thuốc sát trùng.

Trị nọc độc rắn cắn: Rễ ba đậu 30g, ngâm trong một lít rượu, lấy nước đắp ngoài. Dùng lá khô tán bột 0,5g uống với nước mát, ngày một lần.

Trị táo bón do tỳ hàn, thực tích: Ba đậu sương, can khương, đại hoàng lượng bằng nhau, tán bột luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 0,6 - 1g với nước sôi nguội.

Trị viêm niêm mạc dạ dày, đau bụng: Ba đậu sương 1g, cát cánh 3g, bối mẫu 3g, tất cả tán bột trộn đều. Mỗi lần uống 0,2g với nước ấm. Hoặc có thể dùng ba đậu sương 0,5g, nhục quế 3g, trầm hương 2g, đinh hương 3g, tất cả tán nhỏ trộn đều; mỗi lần dùng 0,5g - 1g với nước sôi ấm.

Lưu ý phụ nữ có thai không dùng ba đậu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.