Cách đây 1 năm, vì lo lắng chuyện mang thai ngoài ý muốn nên chị N.T.H (41 tuổi, Hà Nội) đã quyết định tiêm thuốc tránh thai. Sau tiêm 6 tháng, chị H thấy biểu hiện giảm ham muốn rõ rệt, không còn hứng thú suy nghĩ về "chuyện chăn gối". Biểu hiện này đã kéo dài hơn 1 năm, không tự thuyên giảm, khiến vợ chồng chị H thường xuyên cãi vã, bất hòa trong cuộc sống.
Lo lắng nên chị H quyết định đi khám để tìm hiểu nguyên nhân. Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy chị H bị giảm nồng độ estrogen và testosterone, tăng prolactin. Việc thay đổi những chỉ số này dẫn đến tăng ức chế, giảm kích thích tình dục, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt, chán ăn, mệt mỏi, căng thẳng bực bội khó chịu. Chị H được chẩn đoán bị suy giảm ham muốn tình dục sau tiêm thuốc tránh thai. Chị H cũng được chỉ định thực hiện các siêu âm, xét nghiệm cần thiết để loại trừ một số nguy cơ và tư vấn điều trị bằng liệu pháp nội tiết kết hợp thay đổi lối sống sinh hoạt. Sau điều trị, chị H lấy lại được cảm hứng khi yêu.
Chia sẻ thêm về tác dụng phụ của thuốc tránh thai, Ths.BSNT Phạm Minh Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội cho biết, thuốc tránh thai nội tiết tố kết hợp hấp thụ qua đường uống, qua âm đạo và qua da có thể làm giảm sản xuất testosterone, từ đó làm giảm ham muốn tình dục.
Tác dụng phụ của các biện pháp tránh thai nội tiết tố có thể dẫn đến những ảnh hưởng nhất định lên chức năng tình dục của phụ nữ như: khô âm đạo, giảm bôi trơn, các triệu chứng sàn chậu như giao hợp đau tiểu không tự chủ, đau tiền đình và viêm bàng quang kẽ. Bên cạnh đó, thuốc tránh thai kết hợp cũng có liên quan đến những thay đổi về mặt giải phẫu dài hạn và ngắn hạn, chẳng hạn như teo âm hộ và giảm độ dày của môi bé và vùng âm đạo.
Ngoài ra, thuốc tránh thai loại này ảnh hưởng đến ức chế rụng trứng và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, làm giảm ham muốn tình dục và tần suất quan hệ tình dục. Thời gian sử dụng thuốc càng dài, sử dụng thuốc tránh thai ở độ tuổi càng trẻ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tình dục của phụ nữ nhiều hơn.
BS. Minh Ngọc khuyến cáo: "Nếu bệnh nhân có dấu hiệu suy giảm ham muốn, rối loạn chức năng tình dục thời gian kéo dài từ 3 đến 6 tháng và không tự cải thiện, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị".
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giảm ham muốn tình dục, nhưng có thể chia thành các nhóm như: Nhóm nội tiết (Suy giảm nội tiết sinh dục nữ, giảm estrogen, giảm testosterone do mãn kinh, sau phẫu thuật cắt buồng trứng); nhóm nguyên nhân y tế (sử dụng một số loại thuốc như thuốc tránh thai nội tiết tố kết hợp, thuốc kháng androgen, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, sau hóa trị, xạ trị vùng chậu); nhóm bệnh mãn tính (bệnh tuyến yên, tuyến giáp, đái tháo đường, bệnh thần kinh đa xơ cứng, tổn thương tủy sống, bệnh tim mạch, bệnh tâm thần); nhóm tâm lý – xã hội (yếu tố tâm lý lo lắng, trầm cảm, lo âu, áp lực công việc, stress, trục trặc mối quan hệ, đối tác không có kinh nghiệm, đối tác mắc bệnh lây qua đường tình dục).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận