Thế giới giao thông

Bài học từ vụ hãng bay Malaysia chết yểu sau 10 tháng

29/10/2023, 08:57

MYAirline, một hãng hàng không giá rẻ của Malaysia mới ra mắt, đột ngột thông báo dừng bay dù đã bán hết vé.

Theo các chuyên gia, sự việc này đặt ra nhiều vấn đề và là bài học cho các nhà quản lý hàng không không chỉ ở Malaysia mà còn ở khu vực Đông Nam Á.

Đình chỉ hãng bay, bắt người sáng lập

MYAirline bắt đầu hoạt động vào ngày 1/12/2022, vận chuyển gần 2 triệu hành khách trên 9 tuyến nội địa và hai tuyến quốc tế. Tính đến nay, hãng chiếm khoảng 10% thị phần nội địa Malaysia.

Bài học từ vụ hãng bay Malaysia chết yểu sau 10 tháng - Ảnh 1.

Quầy vé của hãng MYAirline đóng cửa, hàng trăm hành khách chờ đợi trong vô vọng. Ảnh: X/chocdean.

MYAirline có 9 máy bay cũ, từng cam kết bổ sung thêm ít nhất 100 máy bay mới và chuẩn bị niêm yết đại chúng. Song, chính tham vọng này lại khiến hãng bay non trẻ của Malaysia chật vật.

MYAirline đột ngột thông báo dừng hoạt động vào lúc 5h30 sáng ngày 12/10, chỉ 45 phút trước khi chuyến bay đầu tiên trong 40 chuyến dự kiến cất cánh trong ngày khởi hành. Hàng trăm hành khách đến nhà ga số 2 sân bay quốc tế Kualau Lumpur tá hỏa phát hiện quầy check-in của hãng đóng cửa, không có nhân viên làm việc.

Sau thông báo của hãng, Chính phủ Malaysia bàng hoàng, khẳng định không hề được thông báo trước.

Khoảng 125.000 hành khách khác đã đặt vé máy bay của hãng này cho lịch trình sắp tới với tổng giá trị ước tính 20 triệu ringgit (khoảng 4,2 triệu USD) không biết có thể đòi bồi thường ở đâu.

Vài ngày sau vụ đóng cửa chớp nhoáng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Anthony Loke cho biết, Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia (CAAM) thông báo tạm thời đình chỉ giấy phép hoạt động của MYAirline dù mới gia hạn cho hãng này thêm hai năm nữa.

Ông Anthony Loke nhấn mạnh, tuy bị đình chỉ hoạt động nhưng MYAirline phải chịu trách nhiệm đối với những hành khách và nhân viên bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, người sáng lập hãng hàng không MYAirline cùng vợ và con cũng đã bị bắt.

Ông Ramli Mohamed Yoosuf, Giám đốc Cục Điều tra tội phạm thương mại Malaysia cho biết, nhà sáng lập hãng hàng không giá rẻ Malaysia MYAirline Allan Goh Hwan Hua, cùng vợ 55 tuổi và con trai 26 tuổi đã bị bắt vì bị nghi vi phạm trong lĩnh vực tài chính.

Chuyện sớm muộn sẽ xảy ra

Với hành khách, sự ra đi của hãng bay giá rẻ Malaysia chỉ sau 10 tháng hoạt động là vô cùng bất ngờ, nhưng với những người thường xuyên theo dõi ngành hàng không thì đây là chuyện sớm muộn xảy ra.

Việc có thêm nhiều hãng hàng không sẽ tốt cho người tiêu dùng và làm hài lòng các chính trị gia vì người dân có thể tiếp cận dịch vụ hàng không với giá vé thấp. Nhưng để có một ngành công nghiệp bền vững lại là việc khác.

Chuyên gia Sobie

Hãng bay này trước đó đã gặp các vấn đề tài chính trong nhiều tháng, khiến các nhà cung cấp và nhân viên lo ngại. MYAirline đã chậm trả lương, phí sân bay và nhiều khoản khác. Trong những tháng qua, hãng cũng cố gắng thu hút các nhà đầu tư mới nhưng nỗ lực cuối cùng vào ngày 11/10 đã thất bại.

Trước vấn đề này, chuyên gia Brendan Sobie, người sáng lập công ty phân tích và tư vấn hàng không độc lập Sobie Aviation (có trụ sở tại Singapore) đặt câu hỏi: "Không hiểu tại sao các cơ quan quản lý lại không nhận ra MYAirline đang gặp khó khăn về tài chính?".

Tại Malaysia, Ủy ban Hàng không Malaysia (Mavcom) – cơ quan quản lý các vấn đề kinh tế và đảm bảo các hãng hàng không có đủ năng lực tài chính. Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia (CAAM) chịu trách nhiệm đảm bảo hãng hàng không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, bao gồm cả an toàn.

Chuyên gia Sobie cho rằng, việc một hãng hàng không (nhất là một hãng bay mới thành lập) phải ngừng hoạt động không phải là điều quá lạ, chính việc các cơ quan quản lý không nắm rõ các vấn đề tài chính của hãng mới là điều bất thường.

Ngay sau thông báo của MYAirline, Chính phủ Malaysia bày tỏ thất vọng. Bộ trưởng Giao thông vận tải Anthony Loke đánh giá MYAirline vô trách nhiệm và nhận định "Mavcom đã hoàn toàn mất cảnh giác".

Sai lầm trong kế hoạch kinh doanh

Lật lại khoảng thời gian hãng bay giá rẻ này mới thành lập, khi cấp cho MYAirline giấy phép hoạt động dịch vụ hàng không vào tháng 11/2022, Mavcom kết luận hãng này có đủ vốn, cổ đông vững mạnh và chiến lược kinh doanh khả thi.

Bài học từ vụ hãng bay Malaysia chết yểu sau 10 tháng - Ảnh 3.

Máy bay của hãng hàng không MYAirline. Ảnh: The Star/Asia News Network.

Song, câu hỏi đặt ra là liệu MYAirline có thực sự đáp ứng được những yêu cầu này hay không và trước khi ra mắt, đã có nhiều nhà quan sát trong ngành cho rằng kế hoạch kinh doanh của hãng là không thực tế.

Chuyên gia chuyên gia Brendan Sobie chỉ ra lỗ hổng lớn nhất trong kế hoạch kinh doanh của MYAirline chính là họ cho rằng hãng bay đối thủ Air Asia đã suy yếu hậu đại dịch và để lại khoảng trống trên thị trường.

"Air Asia, hãng bay chiếm hơn 50% thị phần nội địa Malaysia, có thể không mạnh về mặt tài chính như trước đại dịch, nhưng vẫn khả năng chống chọi. Air Asia đã giảm giá vé trên tất cả các tuyến của MYAirline.

Air Asia đã không thu được lợi nhuận trên tất cả 11 đường bay mà cả MYAirline cũng khai thác nhưng hãng được bù đắp chéo nhờ lợi nhuận trên các đường bay khác. MYAirline rơi xuống hố sâu thua lỗ vì giá vé máy bay quá thấp, không đủ để trang trải chi phí. Khoản vốn ban đầu mà MYAirline nghĩ đủ cho ít nhất một năm, cuối cùng đã cạn kiệt chỉ sau 6 tháng", vị chuyên gia phân tích.

Trong vài tháng qua, hoạt động nội địa của MYAirline gặp khó khăn và hãng cố chuyển hướng sang thị trường quốc tế.

MYAirline đã cắt hai trong số 9 tuyến nội địa vào đầu tháng 10 và đang nỗ lực triển khai một số tuyến quốc tế theo lịch trình mới, bao gồm Chiang Mai, Đà Nẵng, TP.HCM, Medan và Phuket. Hãng cũng đang nghiên cứu triển khai các chuyến bay thuê tới Bangladesh, Trung Quốc và Ả Rập Xê Út.

Việc chuyển hướng đòi hỏi phải đầu tư đáng kể nhưng hãng đã hết thời gian. Trong suốt nhiều tháng, MYAirline cũng không đảm bảo được slot tại một số sân bay quốc tế mà họ nhắm đến.

Ngay cả khi MYAirline có được vốn để thực hiện kế hoạch kinh doanh mới thì đó vẫn sẽ là một cuộc chiến khó khăn do cuộc cạnh tranh hàng không khốc liệt ở Malaysia và khu vực.

Cuối cùng, thị trường Malaysia đơn giản là không đủ cho ba đối thủ cạnh tranh lớn. Ngoài Tập đoàn Air Asia, Tập đoàn Malaysia Airlines và Batik Air Malaysia (trước đây gọi là Malindo Air) đã tồn tại khá vững chắc, không còn nhiều cơ hội cho những người mới tham gia.

Bài học cho các nhà quản lý

Chuyên gia Brendan Sobie cho rằng, Malaysia nên xem xét lại chính sách đối với các hãng hàng không mới thành lập để đảm bảo tất cả các hãng hàng không mới đều phải đủ năng lực tài chính và có cơ hội sống sót cao. Ngoài ra, các nhà quản lý cần xem xét lại các yêu cầu duy trì giấy phép để đảm bảo hãng có đủ vốn để tiếp tục hoạt động. Tối thiểu, các hãng hàng không phải nộp báo cáo tài chính hàng quý và họp định kỳ với cơ quan chức năng.

"Không thể chấp nhận việc một hãng hàng không tiếp tục hoạt động trong nhiều tháng dù về cơ bản đã hết vốn mà chỉ dựa vào doanh thu từ việc đặt vé của các chuyến bay sắp tới để trả lương hiện tại hoặc quá hạn và các hóa đơn khác", ông Sobie nói.

Chuyên gia Singapore còn cho rằng, đây không chỉ là khuyến cáo với các nhà quản lý ở Malaysia mà còn ở một số quốc gia Đông Nam Á khác, những quốc gia trong nhiều năm qua đã phải chịu những thất bại tương tự của các hãng hàng không.

Hãng hàng không khởi nghiệp Aysian, Rayani Air, đã ngừng hoạt động vào năm 2016 chỉ sau 5 tháng, mặc dù việc rút lui đột ngột của hãng này ít gây ảnh hưởng hơn vì hãng chỉ khai thác hai máy bay.

"Việc phê duyệt cho những hãng bay yếu không chỉ khiến hành khách gặp rủi ro bị huỷ chuyến bất ngờ mà còn có thể gây thiệt hại cho ngành du lịch của một quốc gia", ông Sobie cảnh báo.



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.