Theo Luật truyền nhiễm, F0 cần phải cách ly
Hiện nay, Covid-19 vẫn thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A, do vậy theo Luật truyền nhiễm, người mắc bệnh cần phải cách ly. Ngoài quy định của Luật, thì việc không cách ly sẽ làm dịch Covid-19 lây lan rất nhanh.
Số ca nhiễm tăng nhanh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập, du lịch và y tế; tác động xấu lên sức khỏe người già và trẻ em; tạo cơ hội phát sinh các biến chủng mới.
Trong khi đó, do miễn dịch có được do nhiễm bệnh sẽ giảm dần, người mắc rồi vẫn có thể mắc lại nên lợi ích do miễn dịch từ nhiễm bệnh không đáng kể.
Xu hướng “nới lỏng để F0 đi làm” bù thiếu hụt nhân sự chưa thật sự phù hợp?
Khi số ca nhiễm gia tăng, dù cho phép F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ đi làm, tất yếu sẽ ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khi bệnh lây lan nhiều sẽ chắc chắn làm tăng số trẻ em bị nhiễm nên hoạt động học tập của các em sẽ bị gián đoạn và điều này gây tổn hao thêm do một số người lao động do phải bỏ công chăm sóc trẻ.
Khi số ca F0 tăng nhanh ở cộng đồng và nhất là nếu Việt Nam có chính sách không cách ly F0 thì các du khách quốc tế, chuyên gia và người lao động nước ngoài cũng e ngại đến Việt Nam nên du lịch và các hoạt động đầu tư bị ảnh hưởng.
Và tất yếu khi số ca mắc tăng thì chi phí y tế sẽ tăng từ chi phí xét nghiệm, thuốc và các chi phí điều trị khác, nhân lực y tế theo dõi, chăm sóc cho người bệnh Covid-19 trong giai đoạn cấp tính và người bệnh hậu Covid-19.
Dù với đa số mọi người sau khi tiêm chủng sẽ chỉ mắc bệnh nhẹ nhưng chắc chắn sẽ có người bị tiến triển nặng, đặc biệt là người già, người có bệnh nền và trẻ em chưa được tiêm vaccine.
Ngoài ra, cứ mỗi trường hợp nhiễm trùng sẽ khiến cho nhiều tỉ con virus được sinh sản và cứ mỗi lần virus sinh sản là một khả năng xuất hiện biến chủng mới.
Do đó khi số ca lây nhiễm gia tăng nguy cơ xuất hiện biến chủng sẽ gia tăng và có khả năng biến chủng mới sẽ gây bệnh nặng hơn và lây lan nhiều hơn.
Không riêng Việt Nam, việc cách ly F0 được thực hiện trên hầu hết các quốc gia trên thế giới để ngăn chặn tối đa sự lây lan của dịch bệnh.
Ở Anh Quốc từ ngày 24/2/2022 dù theo luật không bắt buộc F0 phải cách ly nhưng chính phủ vẫn khuyên người dân phải tự cách ly và người lao động vẫn được nghỉ làm có hưởng lương để thực hiện tự cách ly.
Chỉ nên cho phép F1 đi làm
Vì vậy việc cho F0 đi làm để có thêm lực lượng lao động là giải pháp gây nguy hiểm về mặt dịch tễ và còn làm tổn thương nền kinh tế nhiều hơn. Như vậy, làm cách nào để duy trì được lực lượng?
Đó là thực hiện tốt việc cách ly F0 (dù F0 có phải là người lao động hay không) để giảm số ca mắc mới; cho phép F1 được đi làm.
Theo tôi, trước đây, quy định cách ly F1 được đặt ra khi Việt Nam vẫn phải truy vết các ca nghi nhiễm. Tuy nhiên, khi thay đổi tư duy sang thích ứng, việc cách ly F1 không hiệu quả và ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất lao động của xã hội.
Đặc biệt, hiện nay tỉ lệ tiêm chủng đạt gần như 100% đối với người trên 18 tuổi, vì vậy khả năng lây nhiễm của F1 cũng rất thấp, tỉ lệ chuyển biến nặng và tử vong cũng thấp. Đối với lực lượng lao động trẻ tuổi, đã được tiêm đầy đủ vaccine, sẽ ít khả năng bị lây nhiễm và cũng ít lây cho người khác hơn.
Trong khi đó, việc khuyến khích hay cho phép F0 đi làm là chưa hợp lý. Bởi chưa nói đến việc kiểm soát F0 đi làm chỉ chủ yếu dựa vào ý thức cá nhân mà việc khuyến khích này dễ bị lạm dụng.
Người lao động muốn đi làm để có thu nhập, hoặc cơ quan “cố tình” khuyến khích F0 đi làm…. như vậy sự lây lan trong cộng đồng càng lớn, càng gây tổn hại sức lao động, ảnh hưởng kinh tế xã hội.
Việc đặt bài toán “nới lỏng để F0 đi làm” bù thiếu hụt nhân sự chưa thật sự phù hợp, bởi nếu không lây lan thì không thiếu hụt nhân lực.
Việc nới lỏng F0 để Covid-19 lây lan càng làm cho vấn đề thiếu hụt càng khó giải quyết.
“Sống chung và thích ứng an toàn với dịch Covid-19” không đồng nghĩa với việc làm tùy tiện.
Việc tùy tiện thay đổi quy định của Luật không chỉ gây tác hại như nói ở trên mà còn tạo tiền lệ ảnh hưởng xấu đến tinh thần thượng tôn pháp luật.
PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y dược TP.HCM
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận