Vận tải

Bao giờ buýt TP.HCM mới giải cứu được ùn tắc giao thông?

28/02/2023, 17:30

TP.HCM kỳ vọng vận tải hành khách công cộng sẽ kéo giảm xe cá nhân, ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thực tế sản lượng xe buýt ngày càng giảm.

TP.HCM đang nỗ lực thay đổi hình ảnh xe buýt, thu hút người dân lựa chọn phương tiện công cộng nhằm giảm ùn tắc giao thông, hạn chế xe cá nhân.

Thế nhưng với gần 13 triệu cư dân TP.HCM vẫn đang đi chuyển mỗi ngày, tại sao nhiều người quay lưng với xe buýt?

img

Năm 2022 sản lượng hành khách xe buýt trợ giá chỉ đạt 80,2 triệu, trong khi năm 2018 đạt 215 triệu khách.

Muôn thủa kẹt xe, tắc đường…

Hàng ngày đi làm bằng xe máy anh Nguyễn Minh Nhật ở TP. Thủ Đức chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc dùng xe buýt làm phương tiện di chuyển hàng ngày dù nhà tôi cách chỗ làm chừng 14km. Xe buýt không đáp ứng được tiêu chí đúng giờ, phải đi nhiều chặng, dễ kẹt xe không phải là lựa chọn tốt trong điều kiện hạ tầng giao thông như hiện nay”.

Theo anh Nhật, không phải ai cũng quay lưng với xe buýt, rất nhiều người muốn sử dụng xe buýt di chuyển hàng ngày thế nhưng do điều kiện xe buýt không đáp ứng được. “Xe buýt hiện nay chỉ phù hợp để phục vụ học sinh, sinh viên, những người ở gần đầu bến và cuối bến có tuyến xe buýt đi qua”, anh Nhật nói.

Bà Nguyễn Thị Quyên, 54 tuổi thường xuyên đi xe ôm công nghệ cũng cho biết: “Đi khám bệnh hay đi đâu tôi chủ yếu đặt xe công nghệ vì nhanh và đón tận nơi, trả tận nhà, điều mà xe buýt không làm được. Nếu đi xe buýt thì phải đi bộ từ trạm về nhà cách 400m, đường đông và không có vỉa hè để đi bộ”.

Trong số đó vẫn còn có những người thích đi xe buýt, tuy nhiên số này không phải là nhiều. Sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại đã 6 năm nay, bà Nguyễn Thị Lành, quận Tân Phú chia sẻ: “Xe buýt là phương tiện công cộng quá tốt, đi lại rất thuận tiện và an toàn. Thỉnh thoảng có vài "hạt sạn" nhưng cơ bản là tốt. Có lần tôi đi xe buýt ấn tượng nhất là tuyến số 18 có tiếp viên rất dễ thương đã hát để tặng hành khách”.

imgXe buýt giữa vòng vây xe máy vào giờ cao điểm. Ảnh Minh Quân

Đầu tư xe buýt cỡ nhỏ vào hẻm

Lý giải sản lượng xe buýt giảm, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, trong những năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó là xe cá nhân, xe máy chiếm tỉ trọng lớn, nhiều tuyến đường ùn tắc, kẹt xe gây khó khăn cho hoạt động của xe buýt.

Một trong những giải pháp thu hút người dân đi xe buýt, mới đây Trung tâm đã sửa chữa, thay mới nhiều trạm xe buýt. Trong năm 2022, đơn vị sơn sửa 470/710 trạm xe buýt; 1.901/3.075 trụ dừng xe buýt. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai sơn sửa, duy tu 849 vạch dừng xe buýt, 240 trạm xe buýt, sửa 1.174 trụ dừng xe buýt. Đồng thời bổ sung, sửa chữa 14 nhà vệ sinh tại 13 bến xe buýt.

Trung tâm cũng sẽ tập trung triển khai nâng cấp hệ thống quản lý giám sát hoạt động xe buýt, tích hợp với tuyến tàu điện ngầm dự kiến năm 2024 đi vào vận hành. Tổ chức các tuyến xe buýt gom tại các khu dân cư, khu công nghiệp, kết nối tới nhà ga của các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.

TS. Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia giao thông đô thị nhìn nhận, lý do xe buýt giảm là do xe cá nhân, xe công nghệ nhiều. Giá xe công nghệ vừa rẻ và nhanh chóng. Nếu muốn giảm xe cá nhân, phát triển xe buýt, cần sử dụng xe buýt mini 7 chỗ để chạy ngõ hẻm. Ngoài ra, TP cũng cần đầu tư các tuyến metro kết nối, lúc đó xe cá nhân sẽ giảm được 2/3.

“Hiện nay chỉ dùng xe buýt to chạy đường lớn, mỗi xe vài khách thì càng chạy càng lỗ, thành phố sẽ phải bù lỗ trợ giá mãi cho xe buýt mà người dân vẫn không đi”, ông Hòa nói.

img

Xe buýt 152 (KDC Trung Sơn - Tân Sơn Nhất) mỗi chuyến xe chỉ vài hành khách đi xe buýt. Ảnh: Đỗ Loan

Đừng đổ dồn gánh nặng cho xe buýt!

TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, nguyên nhân người dân không muốn đi xe buýt là do thời gian di chuyển xe buýt không đáp ứng được tiêu chí đúng giờ, không thuận tiện. Giao thông đô thị ngày càng ùn tắc, nếu chỉ dựa vào xe buýt để kéo giảm ùn tắc hạn chế xe cá nhân là chúng ta đổ dồn gánh nặng cho xe buýt.

Theo TS. Tuấn, những mục tiêu quy hoạch giao thông đô thị của TP vẫn đang nằm trên giấy, bài toán giao thông vẫn đang bế tắc nghiêm trọng, không thể để mãi như vậy nếu không có những tác động thay đổi. Người tham gia giao thông đang mất rất nhiều thời gian đi lại mỗi ngày, thiệt hại về kinh tế, tác động môi trường...

“Con đường duy nhất hướng đến các mục tiêu phát triển giao thông công cộng là hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị để hỗ trợ hệ thống xe buýt đồng thời tái cấu trúc lại xe buýt. Mạng lưới tuyến metro hoạt động sẽ đảm bảo tính đúng giờ, chi phí thấp, dễ dàng tiếp cận, từ đó thực hiện tốt hạn chế xe cá nhân. Còn nếu chỉ làm nửa vời chắc chắn sẽ không thành công và bài toán giao thông đô thị vẫn bế tắc”, ông Tuấn nói.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc xe buýt không còn chiếm vị thế như trước đây là quy luật tất yếu. Dựa trên mặt lợi ích đối với người sử dụng, xe buýt không còn đáp ứng được nhu cầu về thời gian và sự cơ động đối với người dân đô thị.

"Trước đây khi có ít lựa chọn, xe công nghệ chưa có, người dân mặc định sẽ chọn xe buýt. Nhưng hiện nay xe công nghệ nhiều, vừa tiện vừa nhanh, xe buýt không còn được ưu tiên. Thời điểm hoàng kim của xe buýt đã không còn. Chúng ta cần thừa nhận và chấp nhận các loại hình vận tải mới đem lại nhiều tiện ích hơn”, ông Nguyên chia sẻ.

Theo ông Nguyên, xe buýt hiện nay chủ yếu là xe cỡ lớn, trong khi hạ tầng của TP.HCM chưa phát triển tương xứng. TP.HCM hiện chỉ có 1/3 là đường lớn, 2/3 còn lại là đường nhỏ, ngõ hẻm không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Thống kê của Sở GTVT TP.HCM, trên địa bàn TP có 128 tuyến xe buýt (91 tuyến trợ giá và 37 tuyến không trợ giá), đối với buýt trợ giá, mỗi ngày có 206.000 lượt hành khách, tuyến có hành khách cao nhất là tuyến số 150 (bến xe Chợ Lớn - ngã 3 Tân Vạn) có 11.000 hành khách/ngày. Buýt không trợ giá là 14.000 khách/ngày. Sản lượng xe buýt năm sau giảm so với năm trước.

Cụ thể năm 2018, sản lượng xe buýt đạt 215 triệu khách; năm 2019 giảm 186 triệu khách; năm 2020 xuống còn 106 triệu khách; năm 2021 có 45 triệu khách; năm 2022 là 80,2 triệu khách. Như vậy, số liệu này cho thấy sản lượng xe buýt đang chạm đáy của sự xuống dốc. Nếu không có những quyết sách, chính sách của Nhà nước tác động mạnh mẽ để vực dậy hệ thống xe buýt thì xe buýt sẽ chết yểu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.