25.820 tỷ trái phiếu đáo hạn trong tháng 9
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect, từ đầu tháng 8 cho đến ngày 24/8/2023, có 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công.
Tổng giá trị phát hành đạt khoảng 12.770 tỷ đồng. Số này giảm tới 58,5% so với tháng 7 (khoảng 30.735 tỷ đồng).
Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành đạt 100.997 tỷ đồng, giảm 54,75% so với cùng kỳ.
Hoạt động mua lại trước hạn trong tháng 8 cũng đã bị chững lại với tổng giá trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được mua lại là khoảng 7.246 tỷ đồng. Trong khi ở tháng 7, con số này lên tới 27.182 tỷ đồng (giảm khoảng 20.000 tỷ).
Điểm sáng duy nhất của thị trường chứng khoán là tình hình gia hạn trái phiếu. Theo VnDirect, tính đến ngày 23/8 đã có 44 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với tổng giá trị hơn 58.803 tỷ đồng.
Theo VnDirect, tháng 9 vẫn là một tháng thử thách của toàn thị trường khi áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn lớn, với khoảng 25.820 tỷ đồng.
Doanh nghiệp bất động sản loay hoay xoay vốn
Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành giảm. Thị trường bất động sản ảm đạm. Lãi suất mua nhà cao, thả nổi 12 - 13.5%/năm. Những điều này đang khiến cho doanh nghiệp bất động sản đau đầu.
Theo kết quả khảo sát 500 doanh nghiệp bất động sản của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), 70% doanh nghiệp cho biết, các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy tác động tới doanh nghiệp.
Phó chủ tịch VARS Nguyễn Chí Thanh cho hay, hiện nay, doanh nghiệp bất động sản huy động vốn từ 3 nguồn chính: ứng tiền từ khách hàng, phát hành trái phiếu và vốn tín dụng ngân hàng.
Trong khi đó, dòng tiền từ các kênh này đều đang "trục trặc". Thị trường trái phiếu đã có một số tín hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa giải quyết được nỗi lo áp lực đáo hạn tới năm 2026.
Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi... nhưng doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng vẫn "khó gặp nhau".
Ông Đính cho rằng, tới đây, thị trường bất động sản cần có thêm cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ sản phẩm tài chính khác như: quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận