Giao thông làm cầu nối phát triển Tây Nguyên
Ngày 29/2, tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, Chính phủ tổ chức hội nghị phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên.
Vùng Tây Nguyên với 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông, luôn được Đảng, Nhà nước xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước.
Đến nay, vùng Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287.000 tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002.
GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, tốc độ tăng GRDP và của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Tây Nguyên đều cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/người/năm, gấp 10,6 lần năm 2002.
Tại khu vực Tây Nguyên hiện nay được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT xây dựng kế hoạch đến năm 2030 sẽ phải đầu tư 8 tuyến cao tốc, với chiều dài 830 km. Để hoàn thành khối lượng công việc hết sức lớn trong giai đoạn này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có tư duy mới, cách làm mới, quyết tâm cao, sự nỗ lực lớn trong triển khai thực hiện.
Ngoài ra, nhiều dự án giao thông khác được ưu tiên như các cảng hàng không, quy hoạch đường sắt tuyến qua địa bàn Tây Nguyên và hạ tầng logictics.
Củng cố thế trận lòng dân, đảm bảo an ninh trật tự
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên vẫn chưa tương xứng vai trò, vị trí và tiềm năng, lợi thế của vùng. Do đó, để phát triển bền vững Tây Nguyên, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, củng cố thế trận an ninh quốc phòng.
Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt về mọi mặt cho Tây Nguyên.
"Đề nghị các bộ, ban, ngành và địa phương thống nhất hành động, thực hiện các quan điểm chỉ đạo. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp mới, đột phá để thực hiện các mục tiêu trong đề án", Đại tướng Tô Lâm nói.
Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh tinh thần 5 quyết liệt, gồm: Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; quyết liệt hoàn thiện, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Tây Nguyên; quyết liệt thúc đẩy điểm đột phá, đánh thức, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy giá trị văn hóa lịch sử con người vùng đất Tây Nguyên, nâng cao đời sống các đồng bào dân tộc Tây Nguyên, không để ai bị bỏ lại phía sau; quyết liệt giải quyết từ sớm, từ xa, từ cơ sở các yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ; quyết liệt củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm, phát huy tiềm năng lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh và tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; Triển khai hiệu quả các giải pháp giữ vững an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ; Phát huy tổng lực sức mạnh để thực hiện đề án, tận dụng các lợi thế để biến thành cơ hội phát triển, tự lực, tự cường.
Đồng thời, đề nghị các tỉnh lân cận phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Tây Nguyên trong tổ chức thực hiện, tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch, hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận