Người dân có thể tự tính được giá đất
Ngày 17/8, trao đổi tại giao ban báo chí, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự án Luật Đất đai sửa đổi đang được xây dựng để trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 tới đây có nhiều điểm rất mới. Sau 5 năm nữa, sẽ tính phương án bỏ khung giá, xác định giá đất theo thị trường, thu giá trị gia tăng từ việc chuyển nhượng đất.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Cụ thể, mọi hoạt động kinh doanh bất động sản sẽ phải được giao dịch trên sàn giao dịch. Người mua bán đất phải giao dịch qua tài khoản ngân hàng, phải đăng ký ở văn phòng đăng ký đất đai. Các dữ liệu được nhập hàng ngày từ đó có căn cứ, công thức tính bảng giá đất và người dân có thể tự tính giá đất qua các dữ liệu được công khai trên bản đồ địa chính.
Xác định giá đất thị trường bằng cách nào? Bộ trưởng Hà lý giải dùng phương pháp đưa tất cả giá đất giao dịch phổ biến trong thời điểm bình thường thành giá trị trung bình. Cái này nhiều nước đã làm. Để áp dụng được thì phải công khai, minh bạch, mọi thứ giao dịch trên sàn phải thực. Người không công khai, không đăng ký thì không được thừa nhận quyền sử dụng đất. Người không cung cấp thông tin thực phải xử lý theo quy định pháp luật. Khi đầy đủ dữ liệu thực chỉ cần dùng máy tính, tính theo công thức là ra thông tin giá đất.
Bộ trưởng Tài nguyên môi trường cho biết: Dữ liệu đất đai đã thiết kế và đến năm 2025 phải hoàn thành xong. Bao gồm các cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai về diện tích, loại tài nguyên, vị trí địa lý, kinh tế (giá đất). Các dữ liệu được kết nối với hệ thống dữ liệu dân số, thuế. Người dân sẽ có thông tin quy hoạch đất đai quốc gia, tỉnh, huyện… Đây là lần đầu tiên chúng ta làm việc này. Thông qua cơ sở dữ liệu về đất đai chúng ta phải nắm được ở mảnh đất này có những biến động gì. Hệ thống hiện đang thí điểm tại 32 tỉnh và đang kết nối với Bộ Công an vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu thuế…
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều, sửa đổi bổ sung 152 điều, thêm 37 điều và bỏ 8 điều.
Về bố cục cơ bản sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành. Bổ sung 1 chương về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành 2 chương.
Nhà trong hẻm ra mặt tiền, khi bán phải nộp chênh lệch địa tô
Đặc biệt, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định thu chênh lệch địa tô về ngân sách. Nhà trong hẻm nếu ra mặt tiền, khi bán sẽ phải nộp thuế cho nhà nước từ phần giá chênh lệch trước và sau khi có dự án mở đường đi qua.
Nhà nước sẽ kiểm soát tình trạng đầu cơ đất đai thông qua công cụ tài chính, thu thuế tăng thêm với các dự án không đưa đất vào sử dụng. Người nộp thuế sử dụng đất cũng phải nộp cao dần nếu thực tế diễn biến thị trường, giá trị mảnh đất sử dụng càng cao thì mức thuế cao theo.
Theo Bộ trưởng Hà, Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ có các quy định để đất dự án được Nhà nước giao phải sử dụng hiệu quả theo tiến độ dự án khi đấu thầu, đấu giá. Người sở hữu đất không đưa đất vào sử dụng sẽ bị phạt, áp thuế tăng thêm.
Với đất nông nghiệp có thể mở rộng đối tượng chuyển nhượng nhưng phải là đối tượng trực tiếp tham gia sản xuất. Người có nhiều nhà phải nộp thuế cao hơn người ít nhà, đánh thuế rất cao nếu để lãng phí đất.
"Chính sách không hạn chế người có nhiều nhà đất mà hạn chế người mua đầu cơ để không, không sử dụng. Giá đất trước quy hoạch, sau quy hoạch phải được làm rõ... chênh lệch địa tô phải nộp cho nhà nước. Khi có giao dịch bán, phải thu chênh lệch địa tô", ông Hà nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc sửa Luật Đất đai liên quan khoảng 20 luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, quy hoạch, Luật thuế... nên công việc rất nhiều, rất mới, ban soạn thảo sẽ nỗ lực hết sức, làm hết trách nhiệm vì cái chung và rất cần sự hỗ trợ của các bộ ngành khác.
"Sửa đổi Luật Đất đai để tạo động lực đưa nước ta thành nước phát triển có thu nhập cao, sửa luật vì sự phát triển bền vững, vì sự công bằng trong sử dụng đất đai của người dân, dự kiến năm 2025 sẽ xong", ông Hà kỳ vọng.
Một số điểm mới trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
- Bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ công dân với đất đai, bao gồm quyền tiếp cận đất đai, thông tin đất đai, quyền tham gia giám sát việc quản lý, sử dụng đất và các nghĩa vụ của công dân với đất đai.
- Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc rà soát, xử lý, công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi, chuyển mục đích với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm trên trang thông tin điện tử của UBND và Bộ Tài nguyên và môi trường.
- Thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định điều kiện để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; quy định tiêu chí, điều kiện, phương thức chọn lựa nhà đầu tư để đấu thầu dự án có sử dụng đất.
- Cụ thể hóa các trường hợp thuê đất gồm cho thuê 1 lần và cho thuế trả tiền hàng năm.
- Cụ thể hóa các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia; Đa dạng các hình thức bồi thường về đất khi bị thu hồi.
- Xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, Bỏ quy định khung giá đất của Chính phủ.
- Quy định về trường hợp cần thiết, tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng để thực hiện trước khi thực hiện dự án đầu tư.
- Xây dựng cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả từ nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, có chính sách điều tiết chênh lệch địa to, xử lý tình trạng đầu cơ; Quy định về việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, ga đường sắt, đất để xây dựng công trình giáo dục y tế văn hóa… để thúc đẩy thu hút đầu tư thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm…
...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận