Liên tiếp những ngày qua, PV Báo Giao thông nhận được phản ánh của người dân về việc nhà thầu bơm cát thi công tuyến tránh thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) làm tràn cát ra mặt ruộng dẫn đến người dân phải bỏ canh tác vì đất bị lẫn tạp chất.
Có mặt tại hiện trường, PV ghi nhận khoảng 10.000m2 đất sản xuất lúa của gia đình ông Bùi Hữu Thưởng (79 tuổi, ngụ ấp 3, xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đang trong tình trạng không thể canh tác do cát tràn trên mặt ruộng.
Ông Thưởng cho biết, đất sản xuất lúa của gia đình nằm ở ấp 3, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), cạnh phần đất thi công tuyến tránh thành phố Cao Lãnh.
Khoảng cuối tháng 10/2023, nhà thầu bơm cát trong lúc xả nước, cát tràn vào phần đất ruộng của ông nên hiện nay trên mặt ruộng lẫn lộn sình bùn, cát và tạp chất.
"Để chuẩn bị cho vụ đông xuân 2023 - 2024, trước khi mùa nước lên, tôi đã thuê nhân công xịt thuốc cỏ và xới đất. Dự kiến đến ngày 23/11/2023 xuống giống vụ đông xuân.
Tuy nhiên, hiện nay, với tình trạng cát, tạp chất tràn đầy trên mặt ruộng và cát tràn đường mương dẫn nước đã gây trở ngại cho việc chuẩn bị xuống giống", ông Thưởng nói.
Bà Nguyễn Thị Kiêm (68 tuổi, vợ ông Thưởng) cho biết, tình trạng nhà thầu bơm cát làm tràn cát lên mặt ruộng của gia đình không phải mới diễn ra.
Khi đó, đơn vị thi công công trình chưa đặt lại ống bọng đường nước do không có nước tưới tiêu để phục vụ sản xuất, gia đình đã phải bỏ đất không canh tác vụ lúa hè thu năm 2023.
Trước tình trạng này, gia đình đã nhiều lần báo đến UBND xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp (chủ đầu tư) nhưng đến nay chưa được giải quyết hay bồi thường thiệt hại.
Toàn bộ kinh tế của gia đình chỉ nhờ vào việc canh tác trên mảnh ruộng để có thu nhập. Nếu tiếp tục tình trạng không thể canh tác được thì gia đình bị thiệt hại nhiều, gặp không ít khó khăn.
"Bây giờ chuyện cũng đã xảy ra rồi, gia đình chỉ mong muốn nhận bồi thường 80 triệu đồng cho những vụ lúa vừa qua không thể canh tác.
Đồng thời, đề nghị nhà thầu thi công hoàn trả mặt ruộng như cũ và xử lý lại đường nước tưới của gia đình vào tháng 3/2024", bà Kiêm đề nghị.
Theo tìm hiểu của PV, vụ việc cát tràn ra đồng diễn ra tại gói thầu số 11 do Công ty CP Công trình 207 thi công và Công ty Hoàng Gia Phát Long An phụ trách việc bơm cát.
Anh Nguyễn Duy Tân, Công ty Hoàng Gia Phát Long An (nhà thầu bơm cát) cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc cát bơm tràn ra ruộng của hộ ông Bùi Hữu Thưởng và bà Nguyễn Thị Kiêm là do vị trí bơm cát tại gói thầu này gặp khó khăn.
Để rút xả nước sau khi cát đã được bơm lên công trình, nhà thầu có xin phép một hộ dân gần đó và đã được đồng ý. Lúc này đang là mùa lũ, nhà thầu xả nước vào hố của hộ dân đã hỏi và không hay biết nước được xả sau đó tràn ra ruộng của ông Thưởng và bà Kiêm.
Đến lúc nước lũ rút, nhà thầu mới phát hiện và có đến gia đình ông Thưởng và bà Kiêm để tìm hướng khắc phục sự cố dẫn đến không thể canh tác lúa từ vụ hè thu năm 2023 đến nay.
Anh Tôn Văn Bỉ, cán bộ kỹ thuật, Công ty CP Công trình 207 (nhà thầu thi công) cho biết, trước sự cố tràn cát ra ruộng của hộ dân khi bơm cát thi công tuyến tránh thành phố Cao Lãnh, nhà thầu đã nắm và có đề xuất hai phương án hỗ trợ hộ ông Thưởng và bà Kiêm.
Cụ thể, phương án 1, nhà thầu thi công sẽ bồi thường thiệt hại do không sản xuất với giá trị là 50 triệu đồng. Đồng thời, khắc phục lại mặt bằng phần diện tích ruộng bị ảnh hưởng để hoàn trả lại cho gia đình vào đầu năm 2024.
Còn phương án 2 là nhà thầu thi công sẽ bồi thường thiệt hại do không sản xuất với giá trị là 80 triệu đồng. Đồng thời, trong thời gian gia đình không sản xuất, nhà thầu sẽ cải tạo phần đất trên để canh tác đến hết năm 2024.
Đến đầu năm 2025, nhà thầu sẽ cải tạo đất, mời đơn vị chuyên gia sản xuất nông nghiệp kiểm tra, đánh giá chất lượng phần đất sản xuất để bàn giao lại cho gia đình.
"Riêng phương án của gia đình đề xuất, nhà thầu thi công sẽ bàn bạc kỹ lại với nhà thầu bơm cát để có hướng xử lý cụ thể, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên", anh Bỉ nói.
Mặt đường rộng 11m, vận tốc 80km/h. Ngoài phần đường, dự án còn xây cầu, cống, nhánh ra các điểm giao cắt.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng, khởi công trở lại vào ngày 27/7/2022 và dự kiến đưa vào sử dụng trong quý III năm 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận