Ba lần xây cầu Cái Răng
Từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng nếu đi thuyền sẽ mất khoảng 30 phút trên sông Cần Thơ. Du khách sẽ lần lượt đi dưới bốn cây cầu Quang Trung, Hưng Lợi, Trần Hoàng Na và Cái Răng.
Trong bốn cây cầu này, Cái Răng là cây cầu đầu tiên vượt sông Cần Thơ được xây dựng. Sau này, do đầu tư thêm các tuyến tránh, đoạn đường có chiếc cầu này thường được gọi là đường 3/2.
Cầu Cái Răng không chỉ nối hai quận trung tâm thành phố mà còn là cửa ngõ quan trọng của thủ phủ miền Tây. Hơn trăm năm trước, cầu Cái Răng lần đầu xây dựng bởi người Pháp, được làm bằng sắt, dài 195m, gồm nhiều nhịp.
Trong hai cuộc kháng chiến, cầu Cái Răng nhiều lần bị đánh sập. Trong những lần phục hồi, các kỹ sư người Pháp đã thiết kế nhịp giữa có thể quay ngang để thuyền, tàu lớn có thể qua lại dễ dàng.
Sau năm 1975, cầu Cái Răng được xây mới bằng bê tông cốt thép bên cạnh cây cầu sắt và đưa vào sử dụng năm 1982. Lần này, cầu được xây dài 126m, rộng 9m, phần cao nhất của cầu là 9,36m, được chia làm 9 nhịp.
Từ năm 2009 - 2011, cầu Cái Răng lần thứ ba được xây dựng, thuộc hạng mục của dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 của Bộ GTVT.
Cầu Cái Răng hiện tại nằm trên quốc lộ 1, mỗi ngày "cõng" hàng chục ngàn phương tiện qua lại.
Ông Châu Anh (45 tuổi, ngụ quận Cái Răng) cho biết, cầu Cái Răng cũ vẫn còn vết tích hai bên bờ sông nhưng phải chờ thời điểm nước rút cạn mới có thể thấy: "Gia đình tôi là dân cố cựu nơi đây. Cha mẹ tôi là những người đã đi qua cả ba cây cầu Cái Răng, chứng kiến thăng trầm của vùng đất này".
Nếu cầu Cái Răng hiện hữu được xây dựng trong giai đoạn 2009 - 2011 thì trước đó, cầu Quang Trung (cách bến Ninh Kiều gần 2km) được khởi công từ năm 1995 và đưa vào sử dụng năm 2010.
Cầu Quang Trung thời điểm đó chỉ rộng 11m với hai làn xe. Ban đầu, cầu có vai trò kết nối cảng Cái Cui với trung tâm Cần Thơ. Khi cầu Cần Thơ và quốc lộ Nam Sông Hậu thông xe, cầu Quang Trung trở thành cửa ngõ phía Nam, "gánh" lưu lượng xe lớn và trở nên quá tải.
"Cầu Quang Trung lúc đầu chỉ có hai làn xe, mỗi khi qua được cầu tôi đều thở phào nhẹ nhõm. Năm 2015, một người bạn của tôi lúc đưa con đi học đã gặp tai nạn trên cây cầu này và qua đời", ông Đoàn Bình Đại, ngụ quận Cái Răng nhớ lại.
Không để cửa ngõ phía Nam thành phố tắc nghẽn, cuối năm 2017, Cần Thơ khởi công xây đơn nguyên 2 cầu Quang Trung với kinh phí 220 tỷ đồng từ vốn vay ODA. Ngày cuối cùng của năm 2020, đơn nguyên 2 cầu Quang Trung thông xe và vài tháng sau hai đơn nguyên cũng hợp nhất, đồng bộ như hiện nay.
Bốn năm qua, cửa ngõ phía Nam Cần Thơ không còn cảnh ùn ứ vào giờ cao điểm. Khu dân cư Hưng Phú, phía bờ Cái Răng cũng dần sầm uất.
Điểm nhấn kiến trúc trên sông Cần Thơ
Sau cầu Cái Răng và Quang Trung, cầu Hưng Lợi được xây dựng trong giai đoạn 2005 - 2010. Công trình cầu Hưng Lợi cách cầu Cái Răng hơn 5km, nằm trong dự án xây dựng quốc lộ Nam Sông Hậu dài 162km, đi qua Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Năm 2010, cầu Hưng Lợi thông xe, cùng thời điểm đó cầu Cần Thơ vượt sông Hậu cũng hoàn thành. Những cây cầu này đã mở rộng cửa ngõ từ Cần Thơ đi quốc lộ 1 và tiểu vùng Nam Sông Hậu, thêm hướng phát triển kinh tế cho thành phố và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
"Quá nửa đời tôi khi qua sông phải lụy phà, đò. Những cây cầu lớn, nhỏ ở Cần Thơ khoảng hai chục năm nay mới được xây dựng nhiều. Ở đâu có cầu, xóa được bến đò, bến phà là ở đó phát triển", ông Nguyễn Thành Tài (75 tuổi) sống gần cầu Hưng Lợi nói.
Trong bốn cây cầu vượt sông Cần Thơ và nối Ninh Kiều và Cái Răng, cầu Trần Hoàng Na đang chuẩn bị thông xe chính thức là cây cầu đang có nhiều cái nhất. Ngoài "trẻ tuổi" nhất, cầu còn có kiến trúc đẹp mắt và vốn đầu tư khủng nhất.
Cầu Trần Hoàng Na có vốn đầu tư hơn 791 tỷ đồng, từ vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Khởi công hồi tháng 9/2020, cầu dự kiến hoàn thành tháng 7/2022. Nhiều lần lỡ hẹn và được gia hạn, ngày 30/12/2023, cầu thông xe kỹ thuật và đang hoàn thiện những hạng mục còn lại.
Ông Hoàng Hữu Sơn, Giám đốc điều hành dự án cầu Trần Hoàng Na (thuộc liên danh nhà thầu Cienco 1) cho biết, những ngày cuối năm, hàng trăm công nhân đã tăng ca đến khuya để kịp cho người dân thông xe trước tết Giáp Thìn 2024.
Cầu Trần Hoàng Na là cầu đầu tiên của thành phố lấy ý kiến về phương án kiến trúc, vừa đảm bảo chức năng giao thông thủy bộ, vừa mang kiến trúc cảnh quan đặc trưng vùng sông nước. Đây sẽ là công trình có kiến trúc đẹp nhất trên sông Cần Thơ.
"Cầu Trần Hoàng Na có 38 dây cáp treo màu cam nổi bật giữa sông dài, trời rộng. Dây cáp dài nhất là 34m, các dây cáp này không chỉ làm đẹp cho công trình mà còn chịu lực một phần cho cầu", đại diện đơn vị giám sát dự án cho biết.
Trên sông Cần Thơ dài 16km, ngoài bốn cây cầu trên còn có cầu Vàm Xáng và Tây Đô đều nằm trên địa bàn huyện Phong Điền. Trong đó, cầu Vàm Xáng khánh thành tháng 5/2022 sau hai năm thi công. Cầu có tổng kinh phí 450 tỷ đồng, nối đường Nguyễn Văn Cừ nối dài ra quốc lộ 61C.
Trong khi đó, cầu Tây Đô đã thông xe đơn nguyên 1 hồi đầu năm 2023 và đang nước rút để kịp đồng bộ hai đơn nguyên trước tết Giáp Thìn 2024. Cầu có tổng vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng, điểm đầu cầu giao với đường tỉnh 923, điểm cuối giao với đường tỉnh 926.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận