Vận tải

Buýt nhanh BRT số 1 TP.HCM khi nào hoàn thành?

16/06/2022, 19:40

Nhà tài trợ đồng thuận với phương án điều chỉnh, dự án sẽ đấu thầu xây lắp vào tháng 9/2022 và đưa vào khai thác tháng 6/2023.

Dự án tuyến buýt nhanh BRT số 1 TP.HCM khởi động từ năm 2014, tuy nhiên liên tục phải điều chỉnh về kỹ thuật, giảm vốn vay và xin lùi thời gian, tạm hoãn... Đến nay dự án đã khởi động lại, hiện chủ đầu tư đang thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự kiến tháng 6/2023 sẽ đưa vào khai thác.

Hoàn thành giữa năm 2023

Dự án này xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 dài 26km chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, có điểm đầu từ vòng xoay An Lạc đến cầu Rạch Chiếc.

Tổng vốn đầu tư 143 triệu USD, trong đó hơn 121,2 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

img

TP.HCM nghiên cứu sử dụng xe buýt điện thay cho loại hình CNG tuyến buýt nhanh BRT

Thế nhưng dự án được Sở GTVT TP đề xuất tạm hoãn cuối năm 2021 là vì dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến giao thông công cộng.

Sau khi Sở GTVT TP kiến nghị tạm hoãn, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đề xuất UBND TP tiếp tục triển khai và thay thế bằng tuyến xe buýt xanh chất lượng cao có làn ưu tiên, nhằm tranh thủ nguồn vốn đã được tài trợ.

Dự án được thực hiện trên cơ sở có điều chỉnh, bổ sung nhằm tranh thủ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Thụy Sĩ.

Phương án điều chỉnh là chưa thực hiện ngay dự án tuyến BRT số 1, mà thay thế bằng tuyến xe buýt xanh chất lượng cao có làn ưu tiên. Giải pháp điều chỉnh thay vì tạm hoãn dự án nhằm tránh các hệ lụy, như nhà tài trợ chấm dứt nguồn vốn viện trợ, rủi ro bị khiếu nại vì dừng hợp đồng với nhà thầu đang triển khai...

Như vậy, hướng tuyến xe buýt xanh chất lượng cao cũng dài 26km từ An Lạc đến nhà ga Rạch Chiếc và có kết nối vào trạm trung chuyển Bến Thành, bến xe Chợ Lớn. Trên hành lang tuyến buýt, cơ quan chức năng sẽ ưu tiên hạ tầng, tổ chức giao thông để đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, tiện nghi...

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, trường hợp nhà tài trợ đồng thuận với phương án điều chỉnh, dự án sẽ tiến hành đấu thầu xây lắp vào tháng 9/2022 và đưa vào khai thác tháng 6/2023.

“Để loại hình tuyến buýt xanh chất lượng cao với làn đường ưu tiên đạt hiệu quả, thành phố phải phát triển thành mạng lưới trong thời gian sớm nhất và vận hành đồng bộ với hệ thống metro, các tuyến xe buýt truyền thống sau khi tái cấu trúc hệ thống xe buýt thành phố”, ông Phúc nói.

Nghiên cứu thay xe buýt CNG bằng xe điện

Tại hội thảo mới đây, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết theo quy hoạch TP sẽ có 6 tuyến BRT với tổng chiều dài khoảng 100km và BRT số 1 là tuyến đầu tiên được triển khai. Dự kiến đến năm 2025, TP sẽ mở rộng mạng lưới xe buýt lên 260 tuyến, với 3.000 xe.

Theo ông Lâm, ban đầu, tuyến BRT số 1 được sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG). 10 năm qua, TP phát triển xe buýt khí nén thiên nhiên (CNG) chiếm khoảng 20% trên tổng số xe đang hoạt động.

TP cũng xây dựng đề án phát triển giao thông công cộng từ nay đến năm 2030, trong đó có mục tiêu phát triển bền vững, văn minh, ưu tiên hướng tới sử dụng xe năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Do đó, việc lựa chọn phương tiện cho tuyến BRT nói riêng cũng như xe buýt của TP nói chung trong thời gian tới là rất cần thiết.

Ông Shige Sakaki, chuyên gia điều phối chương trình giao thông tại Việt Nam (Ngân hàng Thế giới) cho biết dự án BRT số 1 lúc đầu dự kiến sử dụng xe buýt CNG để hoạt động trên tuyến. Tuy nhiên, hiện tại xe buýt điện đang là phương án rất khả thi.

Theo ông Shige Sakaki, xe buýt điện là phương tiện rất hấp dẫn với người dân và phương án này cũng có thể sử dụng cho tuyến buýt nhanh BRT. Hiện nhiều thành phố trên thế giới đang thí điểm hoặc đã đưa vào sử dụng xe buýt điện.

PGS Phạm Như Mai, nguyên trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông - ĐH Bách Khoa TP.HCM cho rằng, sử dụng xe buýt dùng khí nén CNG đã lỗi thời từ nhiều năm trước, giờ không còn ai sử dụng loại hình xe buýt này nữa.

Thành phố nên sử dụng xe buýt điện là hợp với xu thế hiện nay mà các nước trên thế giới đã dùng từ nhiều năm trước. Xe buýt điện không ô nhiễm môi trường, sạch sẽ, không có tiếng ồn sẽ thu hút người dân đi xe buýt hơn.

Trong khi đó, PGS.TS Xã hội học Nguyễn Minh Hòa đặt câu hỏi, liệu thay bằng xe điện khách sẽ đông hơn xe buýt thường. Vấn đề đặt ra là hạ tầng kết nối của xe buýt, luồng tuyến hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người dân, tài xế không phóng nhanh vượt ẩu, trễ giờ, thái độ phục vụ tốt mới thực sự thu hút người dân đi xe buýt. Nếu không có những điều kiện này, xe buýt điện vẫn ế khách như thường.

Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM có mục tiêu chính là xây dựng tuyến BRT số 1 trên trục chính đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, với điểm đầu ở vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) đến nhà ga Rạch Chiếc (TP.Thủ Đức) với chiều dài 26km. Giai đoạn đầu tuyến có 42 xe, vận tốc thiết kế 60km/h. Dự báo năm đầu tiên đưa vào khai thác BRT số 1 có 25.960 lượt khách/ngày.

Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới 121,2 triệu USD và vốn đối ứng trong nước gần 423 tỉ đồng. Cùng với đó, dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM với 10,5 triệu USD từ vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Sĩ cũng được triển khai nhằm cải thiện hiệu quả giao thông công cộng dọc hành lang tuyến BRT...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.