Ca sĩ Long Nhật
Từng đi diễn ở nhiều sân khấu lớn nhỏ, từ Nhà hát Lớn đến phòng trà, Đài truyền hình, hội chợ... nhưng với ca sĩ Long Nhật, những câu chuyện đi diễn ở các tỉnh luôn có nhiều kỷ niệm ấm áp.
Có sân khấu để hát cho khán giả nghe là sướng lắm rồi!
Đi diễn nhiều ở các sân khấu hội chợ miền quê, anh thấy... ngại không?
Tôi đã đứng ở nhiều sân khấu lớn nhỏ, hội chợ, thậm chí sân khấu “chuồng gà” cũng có. Đi diễn tỉnh vui lắm! Tôi hay đi diễn ở miền Tây Nam Bộ. Bà con mang gà, bánh trái, trái cây… vào sân khấu tìm mình để tặng. Họ chân thành, mộc mạc, có sao nói vậy.
Có lần tôi đi diễn ở Vĩnh Long, một khán giả lớn tuổi chạy vào hậu trường tìm tôi và thốt lên: “Con ngồi đây mà má tìm nãy giờ”. Khi tôi hỏi “Má đi một mình hả” thì người đó bảo “Tao đi với ba mày, ba mày với anh chị em mày đứng ở ngoài đó”.
Họ nói chuyện như thể tôi là một người thân trong nhà của họ. Tôi đi diễn ở Huế, thậm chí không dám đi chợ vì họ toàn chỉ tặng mà không lấy tiền. Họ nói tôi lâu lâu mới về nên tặng, khi nào mua lần sau hãy trả tiền.
Vừa rồi, nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng đi hát ở các sân khấu hội chợ, lô tô còn xuống bán vé giúp đoàn lô tô. Có người cười chị, nói chị hết thời. Tôi hỏi, chị ấy chỉ cười: “Ai nói gì thì cứ nói. Mình còn sân khấu biểu diễn và được các khán giả yêu thương là mừng lắm rồi. Lúc nào có sân khấu lớn thì mình diễn, còn hàng đêm đi diễn sân khấu nhỏ, hát cho bà con nghe”.
Tôi là người không bao giờ phân biệt hay thiên vị khán giả ở các thành phố lớn hay nông thôn. Khán giả ở các thành phố như Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội… có thể bỏ tiền triệu để mua vé, còn ở nông thôn, họ chỉ có thể mua vé vài chục ngàn đồng. Tuy nhiên, sự xúc động của khán giả với tôi thì họ bằng nhau.
Dường như không phải ca sĩ nào cũng chạy được các show tỉnh lẻ. Có một luật ngầm nào đó?
Đúng rồi! Không phải ai cũng đi diễn ở tỉnh, hát hội chợ được đâu. Nhiều ca sĩ hát hội chợ cũng không xong vì không có giọng. Ngay những người học nhạc, chuyên môn quá, hát ở sân khấu hội chợ người ta lại không nghe. Khán giả ở đấy khác! Diễn ở đó cần nhiều thứ, từ vũ đoàn, vũ đạo, âm nhạc phải dễ nghe dễ hiểu.
Sân khấu hội chợ có đặc thù là một đêm chỉ có một “ngôi sao”. Hôm nay có thể là Long Nhật thì ngày mai là Ngọc Sơn. Vì chỉ duy nhất một ngôi sao nên cần có các bạn trẻ mới ra một chương trình âm nhạc. Các bạn trẻ cũng lớn lên từ sân khấu này.
Hát tỉnh, phải là tên tuổi bán vé. Đừng ai nói mình tài giỏi, đặt vấn đề bán vé mới biết người nào được khán giả yêu thương thực sự. Có nhiều tên tuổi lớn vẫn diễn hội chợ hàng đêm đó. Anh Hoài Linh, rồi Trường Giang… vẫn đi diễn hội chợ, mà cát-xê rất cao. Không đi tỉnh thì sân khấu lớn ở đâu mà diễn mỗi đêm? Những người đi diễn hội chợ thậm chí còn có show đều như vắt chanh.
Ngay như NSND Lệ Thủy vẫn đi hát hội chợ, sân khấu ngoài trời, hát cả trong các đoàn lô tô. Tôi biết một đoàn hát ở miền Tây, cuối năm không có tiền trả lương cho các nghệ sĩ trong đoàn nên họ lên năn nỉ cô Lệ Thủy giúp đoàn để anh em có tiền ăn Tết. Cô Lệ Thủy đã cho họ về chuẩn bị sân khấu, quảng bá… và nói cô sẽ xuống hát cho họ 1 tuần hoặc 10 ngày, để đoàn có tiền xây lại căn nhà chung cho khang trang, trả lương anh em. Bởi, cô biết chắc nếu cô về sẽ có mấy ngàn người đến xem.
Nhờ chữ sến mới có ngày hôm nay
Gần đây trên mạng xã hội có một cuộc tranh luận không đáng xảy ra khi có nhiều ý kiến phân biệt ca sĩ hội chợ khác với ca sĩ chính thống hát sân khấu lớn?
Đừng ai phân biệt ca sĩ hội chợ hay chính thống làm gì, vì nếu phân biệt, bà con nghèo lấy gì xem và ai hát cho họ nghe. Sứ mạng của nghệ sĩ là phải phục vụ, cống hiến. Bà con thương thì tại sao không hát? Họ ở vùng sâu vùng xa, họ không đến thì mình phải đến với họ. Kể cả sân khấu “chuồng gà” cũng được, bà con đến đông thì mình hát. Họ không chê mình thì thôi, hà cớ gì mình chê sân khấu và chê người ta.
Cũng có nhiều người chê cười ca sĩ hát đám cưới, vì chê nên không hát, nhưng anh Đàm Vĩnh Hưng vẫn đi hát và 1 show cả mấy trăm triệu đó thôi. Nói chung, mỗi người mỗi lộc. Mình hát làm công việc lương thiện thì làm sao phải xấu hổ.
Có sân khấu để hát cho khán giả nghe là sướng lắm rồi. Làm nghề hát thì phải hát, đâu phải ngày nào cũng có chương trình lớn trên truyền hình hay những chương trình ở sân khấu lớn. Mà nếu có, những bà con nghèo, ở xa lấy đâu ra điều kiện để đến những sân khấu đó. Mình phải phục vụ tất cả các khán giả chứ!
Mỗi người một dòng nhạc, mỗi người một sân chơi. Loài hoa nào cứ tự tỏa hương hoa đó. Có những dòng nhạc chỉ phù hợp ở những nơi như thế. Cũng có những dòng nhạc có thể hát ở mọi nơi như nhạc trữ tình, quê hương, nên ca sĩ vừa có thể hát ở hội chợ, cũng có thể hát trên các sân khấu lớn. Ngược lại, có những loại nhạc chỉ hát được ở nhà hát mà không ra biểu diễn ngoài trời được.
Anh thuộc trường phái nhạc trữ tình quê hương, nên hẳn dễ dàng hơn trong việc đi hát phục vụ bà con tỉnh lẻ?
Thực ra, bản thân tôi ngày trước hay bị chê sến. Ngày xưa, tôi ra Hà Nội thi một cuộc thi âm nhạc, trong hội đồng có người nói tôi hát sến quá. Nhưng năm đó, có 3 đợt bình chọn sau khi thí sinh biểu diễn, tôi được giải nhất trong cả ba đợt.
Tôi vẫn hay nói, ai sợ sến, chê nhạc sến thì mặc kệ, tôi xin nhận từ sến về làm bảo vật. Ai sang trọng cứ sang trọng, ai thích sự bác học thì cứ bác học, còn muốn ngọt ngào sến chảy nước thì tìm Long Nhật. Đâu phải ai cũng sến được đâu, cũng nhờ từ sến đó mà tôi mới có ngày hôm nay.
Nhưng trong ảnh hưởng của đại dịch, dù sến được yêu thích như anh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều?
30 năm đi hát, lần đầu tiên tôi được ăn Tết dài đến thế, gần hết tháng Giêng thế này. Tổn thất về tiền bạc là một con số rất lớn. Mọi năm dịp Tết và tháng Giêng có rất nhiều show, chưa kể giá cát-xê đi diễn đợt này cũng thường được trả gấp đôi, thậm chí gấp ba. Nhiều đoàn hát chỉ cần làm 3 buổi Tết là nuôi quân được 1 năm.
Ví dụ tôi đi hát bình thường khoảng 30 triệu đồng, nhưng dịp Tết có thể tới 60 - 100 triệu đồng. Nếu diễn Giao thừa ở các tỉnh xa, có thể phải 200 triệu đồng tôi mới diễn. Bởi, đó là thời gian tôi dành cho gia đình.
Nếu không vướng dịch, đáng lý dịp Tết và tháng Giêng này tôi chạy show khá nhiều, từ diễn kịch tới lịch đi hát ở Lâm Đồng, Đà Lạt, Đồng Nai, Bến Tre, Mỹ Tho… diễn hội xuân ở các sân khấu ngoài trời. Nhưng năm nay, không còn show nào cả.
Anh làm gì khi phải nghỉ dài như thế?
Thực ra mất cái nọ thì được cái kia. Năm nay, tôi được dành thời gian ở bên gia đình nhiều hơn. Cả nhà quây quần ấm áp, đoàn viên. Tôi đưa bà xã và các con về quê nội ở Huế ăn Tết tới Rằm tháng Giêng và vừa mới về lại Sài Gòn.
May mắn vì Huế không phải vùng dịch nên chúng tôi còn có thể đi thăm thú được nhiều danh lam thắng cảnh. Chỉ tiếc là cả nhà chúng tôi định đi Nha Trang nhưng vướng dịch nên lại không đi được.
Cảm ơn anh!
Ca sỹ Long Nhật, tên thật là Đinh Long Nhật, sinh năm 1967 tại Huế. Tên tuổi anh gắn liền với hàng loạt ca khúc đình đám như: Mấy nhịp cầu tre, Tóc em đuôi gà, Ở hai đầu nỗi nhớ, Tình ca mùa xuân… Anh được khán giả nhớ nhiều với những album nổi tiếng: Xin làm người hát rong, Thu vắng, Nỗi niềm…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận