Nhiều đổi mới về công nghệ
Báo cáo của Đoàn giám sát về năng lượng vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá về tổng thể, công nghệ khai thác dầu khí được đánh giá là tiên tiến. Việt Nam đã xây dựng được tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ công nghệ dầu khí từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác, chế biến và dịch vụ dầu khí. Các khâu trong ngành dầu khí chủ yếu sử dụng công nghệ các nước tiên tiến, được đánh giá khá hiện đại.
Với khâu thượng nguồn và trung nguồn dầu khí, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá PVN trong liên doanh với các đối tác nước ngoài đã áp dụng các công nghệ tiên tiến thế giới, đảm bảo khai thác dầu khí và vận chuyển đường ống với hiệu suất cao. Hệ số thu hồi dầu tại các mỏ được tăng thêm thông qua các cải tiến và quản lý hiệu quả.
"Các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn được đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiệu quả trong sản xuất các sản phẩm xăng dầu phục vụ nhu cầu trong nước", báo cáo nêu.
Theo đoàn giám sát, lĩnh vực thăm dò có truyền thống lâu đời, từ lâu đã có mức độ tích hợp dữ liệu cao, sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến, cả trong thu thập, xử lý và minh giải tài liệu. Liên doanh Vietsovpetro (VSP) đã thành lập Trung tâm dữ liệu hiện đại phục vụ sản xuất điều hành.
Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) đã chủ động nghiên cứu và ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ trong các hoạt động thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu số với các chủ đề như: Trí tuệ nhân tạo (AI); Học máy (machine learning); Internet vạn vật (IoT); lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (Big Data); điện toán đám mây (Cloud Computing); quản lý và chuyển giao giải pháp công nghệ cho các ban, đơn vị.
Việt Nam đã bước đầu tự chủ nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý, minh giải đặc biệt như: phân tích AVO, thuộc tính địa chấn, dựng ảnh tán xạ, tự động nhận biết đứt gãy…
Về trung nguồn, lĩnh vực này Việt Nam cũng như thế giới có hạn chế nhất định trong ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 so với lĩnh vực thượng nguồn, chủ yếu ở bước cảm biến hóa và tích hợp, số liệu còn rời rạc.
Về hạ nguồn, đoàn giám sát cho rằng, tại các nhà máy chế biến dầu khí, số liệu đã được thu thập, tổng hợp và có phân tích tương đối cập nhật so với những công nghệ hiện có trên thế giới. Hiện nay các nhà máy thuộc lĩnh vực chế biến dầu khí mới được xây dựng với các công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới.
Chủ động mua bản quyền công nghệ, tự chế tạo nhiều thiết bị
Theo đoàn giám sát, PVN cũng đã nghiên cứu, chủ động mua bản quyền sở hữu công nghệ trong việc chế tạo giàn khoan tự nâng có thể khoan ở độ sâu 90m; nghiên cứu sâu về địa vật lý và địa chất để tìm kiếm các mỏ mới, áp dụng các biện pháp thu hồi dầu tăng cường (EOR) tiên tiến nhằm tận thu các mỏ đang có sản lượng đi xuống, tích lũy số liệu về đo đạc gió từ các giàn khoan, tàu biển của ngành dầu khí, làm cơ sở tham gia đánh giá tiềm năng điện gió ngoài khơi, nghiên cứu thu giữ, sử dụng và chôn lấp khí CO2; nghiên cứu sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, đoàn giám sát cũng ghi nhận việc Việt Nam tự chế tạo rất nhiều cấu kiện cho các dự án trên biển. Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ và Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trúng thầu chế tạo 2 trạm biến áp ngoài biển lắp đặt tại dự án điện gió ở Đài Loan, trong liên danh với Semco Maritime của Đan Mạch.
Cùng với đó, đoàn giám sát cũng đánh giá cao việc PVN xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đào tạo cho đội ngũ cán bộ chiến lược, kế cận lãnh đạo của Tập đoàn. Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý, quản trị dành cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, lãnh đạo chủ chốt của PVN.
"Triển khai nhiều khóa đào tạo nội bộ (cán bộ giảng dạy là cán bộ của Công ty mẹ - Tập đoàn) về kỹ thuật dầu khí chuyên sâu. Đại học Dầu khí và Cao đẳng Dầu khí hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo cho cả trong ngành và ngoài ngành", theo báo cáo giám sát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận