Anh Nguyễn H., ngụ phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết, thấy người quen kêu gọi “giải cứu” cam sành giúp nông dân Vĩnh Long, nên anh đặt mua 400kg cam với giá 6.000 đồng/kg. Khi cam giao đến nơi, anh mở ra thấy toàn là cam “dạt” (loại thương lái không mua - PV). Cam bị chai sần, khô nước.
Cam chất lượng thấp mà anh H. mua phải.
Cũng theo anh H., anh mua cam tặng cho các bếp ăn từ thiện, bệnh viện để làm nước giải khát cho người nghèo, bệnh nhân. Mua phải cam loại bỏ đi này, anh H. chưa biết xử lý ra sao…
Cam bị chai sần, hầu như không có nước.
Theo tìm hiểu của PV, người bán hàng này (tên M.T.) đã bán được hàng tấn cam. Loại cam người này nhập giá chỉ 1.000 đồng/kg - thậm chí cho không, chi phí chở về hàng tấn với giá chỉ khoảng 200.000 đồng/chuyến, rồi bán với giá 6.000 đồng, có thể thu lợi hơn 4 triệu đồng/tấn.
Ông Nguyễn Tấn Phương, Giám đốc HTX Cam sành Phương Thúy Trà Ôn (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, hiện tại giá cam tại vườn giảm sâu, chỉ 3.000-6.000 đồng/kg (tùy loại). Mỗi ngày HTX chỉ mua và xuất bán khoảng 20 tấn trái.
Để không ảnh hưởng đến tuổi thọ và phát triển của cây cam sành, nông dân chấp nhận thua lỗ, sẵn sàng thu hoạch.
“Mấy ngày qua, một số trang tin phản ánh tình trạng giá cam sành chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg đã gây không ít ảnh hưởng trong việc kinh doanh của HTX”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, giá 1.000 đồng nếu có chỉ là cam chai sần, dạt ra như loại mà anh H. mua phải.
Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn thừa nhận, với mức giá hiện tại, người trồng cam không có lợi nhuận. Khó khăn chủ yếu là các hộ mới trồng lần đầu, thời gian trồng khoảng 2 năm (cây đang cho vụ trái đầu tiên).
Theo số liệu điều tra của Phòng NN- PTNT huyện Trà Ôn, toàn huyện hiện có trên 45 cơ sở, HTX thu mua cam sành với sản lượng trên 300 tấn/ngày. Sản lượng thu mua này chỉ bằng khoảng 30% so với điểm trước đây. Từ nay đến hết tháng 3/2023, uớc sản lượng cam sành toàn huyện thu hoạch khoảng 60.000 tấn.
Cam sành chuẩn bị xuất bán.
Trước sản lượng cam sành tồn đọng nhiều mỗi ngày, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản lượng cam sành đang còn tồn đọng và sắp thu hoạch. Đồng thời, hỗ trợ đưa sản phẩm cam sành để bán trên các sàn thương mại điện tử của Sở NN&PTNT và các Sở.
Tuy nhiên, mọi người cũng nên cẩn thận tình trạng một số cá nhân lợi dụng việc này để trục lợi, bán cam chất lượng thấp mang danh “giải cứu”.
Một tài khoản Facebook khác rao bán cam "giải cứu", giao tận nhà chỉ 4.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, so với quy hoạch được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt, diện tích cam sành 17.000 héc-ta hiện tại, đã vượt hơn trên 30% (tỉnh quy hoạch diện tích trồng cam đến năm 2025 là 12.000 héc-ta).
Một số vùng không thích nghi như Long Hồ, Mang Thít, Bình Minh hiện cũng vẫn có nông dân thuê đất trồng cam, điều này dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu” như hiện tại đã xảy ra…
Cam sành được đưa đi tiêu thụ.
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đưa ra khuyến cáo, người dân có cam tới đợt thu hoạch thì không nên treo lại vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, tuổi thọ của cây và gây tồn động sản lượng cục bộ, làm ảnh hưởng đến giá cả đầu ra sản phẩm cam sành.
Đồng thời, tham gia vào các tổ hợp tác, HTX cam sành và áp dụng các quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất tốt để kết nối tìm đầu ra ổn định.
Bên cạnh đó, cần thực hiện mã số vùng trồng để kết nối cung cầu; tăng cường sử dụng phân hữu cơ để giảm lượng phân bón hoá học nhằm giảm chi phí sản xuất, giúp cây phát triển bền vững và trái cam đạt chất lượng cao.
Nhận định từ các ngành chức năng, việc giá cam sành chạm đáy như hiện nay chỉ mang tính cục bộ. Dự báo, giá cam sành sẽ dần ổn định trở lại trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận