Hai lần rớt giá thê thảm trong một năm
Giá cam sành tại Vĩnh Long - địa phương có diện tích trồng cam lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long đang dao động từ 2.000-2.500 đồng/kg, trong khi đó, chi phí sản xuất từ 8.000 đồng/kg.
Cam sành đang vào mùa thu hoạch rộ ở Vĩnh Long nhưng nhà vườn ở đây đang buồn rầu vì thương lái không mặn mà, giá lại chạm đáy.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) nhìn 6 công (6.000m2) đang quá lứa thu hoạch rầu rĩ nói: "Cam đẹp mới có giá 2.500 đồng/kg, nhưng cam nhà tôi đã quá lứa, vàng ruộm, thương lái chỉ trả 2.000 đồng/kg mà còn chê lên chê xuống không muốn mua".
Ở thời điểm khi còn hơn hai tháng nữa là tết Nguyên đán, nhiều nhà vườn lo mất Tết vì ôm khoản lỗ khá lớn khi cả năm đầu tư vào vườn cam.
Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) buồn bã cho biết, vụ cam đợt này ông ước thu chừng 40 tấn. Thương lái mới vào xem cam và trả 2.500 đồng/kg. Với giá này, ông cầm chắc lỗ từ 40-50 triệu đồng/công.
Đáng ngại hơn, ông buộc phải bán vì nếu neo lại, cam chín quá, giá sẽ còn giảm và ảnh hưởng đến sản lượng vụ sau.
Với giá cam sành chạm đáy, các tiểu thương mua bán cam cho rằng do đang vào vụ thuận. Hơn nữa loại trái cây này chỉ tiêu thụ trong nước, nguồn cung đang vượt cầu. Các tiểu thương cũng dự đoán giá cam khó khởi sắc vì nhu cầu thị trường các tỉnh phía Bắc thường giảm mạnh vào cuối năm.
Hồi đầu năm 2023, giá cam sành ở Vĩnh Long cũng đã lâm vào cảnh như hiện tại khi có thời điểm chỉ còn 1.500 - 4.000 đồng/kg.
Tìm đường xuất chính ngạch sang Trung Quốc
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long, 5 năm trở lại đây, diện tích trồng cam sành liên tục tăng nhanh, hiện đã gấp đôi so với quy hoạch đến năm 2020.
Lý giải nguyên nhân nông dân đổ xô trồng cam sành, ngành nông nghiệp Vĩnh Long cho rằng vì lợi nhuận từ cây trồng này quá hấp dẫn. Đặc biệt những năm 2015 - 2020 luôn ở mức cao, nhất là trong mùa nghịch, giá cam có thể đạt 13.000 -18.000 đồng/kg.
Chưa dừng lại, khi nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tốt năng suất cam còn không ngừng tăng, từ 36,6 tấn/ha (năm 2019) lên hơn 44 tấn/ha (năm 2023). Thậm chí có một số vườn còn đạt năng suất 100 tấn/ha. Thực tế này đưa sản lượng cam sành của tỉnh vượt 900.000 tấn/năm.
Với diện tích 18.000ha, năng suất trung bình 70 tấn/ha, để trái quanh năm, Vĩnh Long sẽ tung ra thị trường khoảng 3.000 tấn cam/ngày, rất khó tiêu thụ.
Một lãnh đạo Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho rằng về lâu dài cần có những nghiên cứu, đầu tư dự án chế biến sản phẩm từ cam sành để tạo ra các sản phẩm có giá trị.
Còn trước mắt, cần hỗ trợ cho các vùng trồng cam sành trong tỉnh xúc tiến thương mại, tìm đầu ra ở các thị trường miền Trung, miền Bắc và kể cả những nước lân cận. Đặc biệt, Sở kiến nghị Bộ NN&PTNT có những bước đàm phán để có thể xuất khẩu cam sành Vĩnh Long chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Theo vị lãnh đạo này, sản lượng cam sành tăng vọt thì chi phí đầu tư cũng tăng theo. Trong đó có nhiều nguyên do như giá thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tăng. Ngay cả chi phí nhân công và các chi phí liên quan cũng tăng theo.
Với giá thành sản xuất 8.000 đồng/kg, mỗi ha cam, nông dân phải rót vào 350 triệu đồng. Trường hợp nông dân thuê đất để trồng thì phải cộng thêm 50 - 80 triệu đồng/ha/năm.
Với thực trạng diện tích cam sành tăng, giá giảm sâu, Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho rằng cần phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trồng theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn.
Đồng thời chú trọng công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị trái cam sành. Đối với nông dân có ý định chuyển đổi trồng cam phải nghiên cứu điều kiện thực tế. Khi muốn trồng cam trên đất ruộng phải tập trung vào các vùng có điều kiện, không trồng tràn lan. Được như vậy, cơ quan chuyên ngành mới quản lý và kịp thời hỗ trợ nông dân khi cần thiết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận