Khách than phát sinh chi phí, thiếu hấp dẫn
Sáng 21/11, PV Báo Giao thông có mặt tại trạm canh gác kiểm soát phương tiện trước khu vực nút giao đường Hoàng Sa đi điểm tham quan Cây Đa di sản trên bán đảo Sơn Trà, ghi nhận tình trạng khách tham quan khá thưa thớt. Cung đường từ trạm gác lên đỉnh Bàn Cờ, đi Cây Đa di sản rất vắng xe cộ qua lại, lác đác vài xe máy của người dân trồng rừng lên bán đảo. Điều này khác xa trước đây, thường mỗi ngày có hàng trăm lượt xe các loại lên xuống khu vực này.
Michael - một du khách Đức phóng chiếc xe tay ga hướng lên bán đảo nhưng vấp phải gác chắn. Nhân viên trạm gác giải thích quy định của thành phố cấm xe tay ga lên bán đảo. Muốn đi tiếp phải sử dụng xe số hoặc đi xe trung chuyển. Tại trạm gác, có bãi đỗ xe và xe trung chuyển trực sẵn để đưa du khách lên tham quan bán đảo.
Một sơ đồ tuyến xe trung chuyển chạy tham quan bán đảo Sơn Trà được dựng sẵn với 3 tuyến. Tại vị trí Michael đang đứng, nếu đi xe trung chuyển chỉ có thể đi điểm tham quan Cây Đa di sản rồi quay trở lại bãi đỗ xe. Muốn tham quan điểm khác, phải về bãi xe Lê Đức Thọ dưới chân bán đảo để chọn tuyến. “Đường đèo dốc rừng núi phải đi kiểu du lịch phượt mới đúng chất. Tôi đến đây không phải để ngồi xe khách. Tự do không tồn tại khi du lịch theo tour”, Michael lắc đầu và quay xe về thành phố.
Tìm hiểu của PV, để lên bán đảo Sơn Trà bằng xe trung chuyển có 3 tuyến đường gồm: Từ nút giao đường Hoàng Sa đi điểm tham quan Cây Đa di sản dài 9km với 4 khung giờ xuất phát. Mỗi chuyến đi mất 60 phút với giá vé 45.000 đồng/ lượt khách. Trong đó, 30 phút di chuyển trên xe, 30 phút tham quan.
Tuyến thứ 2 từ đường Yết Kiêu đi đỉnh Bàn Cờ - Bãi Bắc dài 35km bắt đầu từ bãi xe Lê Đức Thọ - Nhà Vọng Cảnh - sân bay trực thăng - đỉnh Bàn Cờ - Cây Đa di sản - chùa Linh Ứng - bãi đỗ xe Lê Đức Thọ với 4 khung giờ xuất phát, tổng thời gian đi và tham quan các điểm trong 180 phút, giá vé 60.000 đồng/ lượt khách.
Tuyến thứ 3 từ đường Yết Kiêu đi suối Ôm dài 32km, bắt đầu từ bãi xe Lê Đức Thọ - điểm ngắm Voọc - ngã ba Tiên Sa về hướng Nhà Vọng Cảnh - bãi xe Lê Đức Thọ. Hành trình đi và tham quan trong 130 phút với 2 khung giờ xuất phát. Giá vé 80.000 đồng/ lượt khách.
Nhiều du khách lên bán đảo Sơn Trà cho biết, việc đi xe trung chuyển khiến họ bó chân, phải theo đoàn nên không hấp dẫn. “Tôi muốn ngắm voọc Chà Vá chân nâu nhiều hơn là các điểm khác, nhưng khung giờ không cho phép, phải đi theo đoàn. Như vậy không thoải mái và không đáp ứng nhu cầu tham quan theo sở thích riêng của du khách”, du khách Phan Tuân (TP HCM chia sẻ).
Hướng tới “xe buýt con thoi”
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Ban Quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng cho biết, trong thời gian thí điểm (từ 15/11/2019 - 15/2/2020), thành phố có chủ trương cho thuê xe của các đơn vị vận tải để làm xe trung chuyển. Mức phí đi xe trung chuyển sẽ do BQL thu, nộp về ngân sách để chi trả tiền thuê xe.
“Từ ngày 15/11 đến nay, BQL chưa tiếp nhận phản ánh của khách về việc không hài lòng khung giờ trung chuyển, tham quan. Thời gian tới, BQL hướng đến xe trung chuyển theo dạng “xe buýt con thoi” để du khách thuận tiện, chủ động hơn trong việc chọn điểm dừng chân và thời gian vui chơi, dã ngoại tại các điểm đến”, ông Vũ cho biết.
Ông Vũ cho biết thêm, từ ngày 15/11 đến nay, xe trung chuyển phục vụ có 129 khách (39 lượt khách quốc tế và 90 lượt khách nội địa) với 35 lượt xe. “Trong thời gian thí điểm, trước ngày 30 hàng tháng, BQL sẽ có báo cáo đánh giá tình hình thí điểm gửi Sở Du lịch báo cáo UBND thành phố có chỉ đạo kịp thời”, ông Vũ thông tin.Cùng với việc bố trí xe trung chuyển đưa du khách lên tham quan bán đảo Sơn Trà để cấm xe tay ga, cấm ô tô trên 24 chỗ lên bán đảo, Đà Nẵng thực hiện thí điểm cấp phát thẻ cho người lên bán đảo. Việc cấp phát thẻ này cũng được thực hiện thí điểm cùng thời gian với thí điểm xe trung chuyển.
Cấp 2 loại thẻ cho người lên bán đảo Sơn Trà
Trong thời gian thí điểm, Đà Nẵng sẽ cấp phát 2 loại thẻ cho người lên bán đảo Sơn Trà. Cụ thể:
Thẻ vàng: Dành cho các hộ dân có hoạt động sản xuất trồng rừng, sinh viên thực tập, nghiên cứu sinh, người thực hiện các hoạt động nghiên cứu dài ngày… được Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn duyệt danh sách và gửi Ban quản lý thực hiện cấp thẻ.
Các đơn vị có trụ sở đóng trên bán đảo gửi danh sách để BQL thực hiện cấp thẻ. Bên cạnh đó, các hội, nhóm nhiếp ảnh, hội xe đạp thể thao Đà Nẵng được Ban quản lý cấp thẻ vàng để qua trạm canh gác vào khung giờ sớm hơn 7h30 (là giờ bắt đầu tham quan theo quy định) để chụp hình, tập luyện.
Thẻ xanh: Cấp cho các đoàn nghiên cứu, tham quan học tập, khách có công việc cần trao đổi với các đơn vị trên địa bàn bán đảo, thẻ có giá trị trong ngày.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận