Thời sự Quốc tế

Cận cảnh FBI phân tích mảnh vỡ khí cầu Trung Quốc

Ngày 9/2, cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) công bố một loạt hình ảnh cho thấy các đặc vụ liên bang phân tích mảnh vỡ khí cầu Trung Quốc.

Chưa tiếp cận được bộ phận đặt thiết bị điện tử của khí cầu

Hiện nay, các đặc vụ FBI đã có mặt tại Myrtle Beach, bang South Carolina để giám sát quá trình thu thập mảnh vỡ khí cầu Trung Quốc. Trong một bức ảnh do FBI đăng tải, các đặc vụ theo dõi sát sao quá trình mảnh vỡ khí cầu được trục vớt lên tàu của Bộ Quốc phòng Mỹ ở vùng biển ngoài khơi bang South Carolina.

Trong bức ảnh khác, các đặc vụ Mỹ xử lý mảnh vỡ khí cầu sau khi vận chuyển các mảnh vỡ thu thập được tới Phòng thí nghiệm FBI tại thành phố Quantico để phân tích thêm.

Ngày 9/2, các quan chức cấp cao thuộc FBI cho biết các lực lượng Mỹ mới thu thập được rất ít mảnh vỡ khí cầu Trung Quốc và FBI vẫn chưa tiếp cận được với bộ phận đặt thiết bị điện tử của khí cầu.

img

Đặc vụ FBI xử lý mảnh vỡ khí cầu Trung Quốc tại Phòng thí nghiệm FBI tại thành phố Quantico. Ảnh - AP

Các đặc vụ FBI đã bắt đầu quá trình phân tích các mảnh vỡ thu thập được, bắt đầu từ công đoạn làm sạch, loại bỏ nước biển và muối.

Trước đó, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay khí cầu được trang bị ăng ten có khả năng thu thập tín hiệu liên lạc và các thông tin tình báo khác. Khí cầu cũng gắn nhiều tấm quang năng có khả năng cung cấp năng lượng cho nhiều cảm biến dữ liệu hoạt động.

Mỹ sẽ nhắm vào các thực thể Trung Quốc liên quan tới khí cầu

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 9/2, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ cân nhắc thực hiện hành động nhắm vào các thực thể liên quan tới quân đội Trung Quốc hỗ trợ cho hành trình của khí cầu đi vào không phận Mỹ tuần trước.

Theo quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington cho rằng nhà sản xuất khí cầu Trung Quốc có “quan hệ trực tiếp” với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Nhà sản xuất này quảng bá sản phẩm khí cầu trên trang web, đăng tải video các hành trình trước đây cho thấy dường như khí cầu đã bay qua không phận Mỹ và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu chi tiết danh tính công ty Trung Quốc.

Về phần mình, một số quan chức FBI cho hay cơ quan này chưa thể xác minh địa điểm sản xuất một số thành phần của khí cầu.

img

Thợ lặn thuộc Hải quân Mỹ trục vớt mảnh vỡ khí cầu ngoài khơi bang South Carolina. Ảnh - AP

Đồng quan điểm với quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho hay Washington sẽ cân nhắc biện pháp đáp trả nhưng Chính phủ Mỹ chưa nêu cụ thể các biện pháp đang được xem xét.

Bà Jean-Pierre cũng cho biết Mỹ sẽ cân nhắc các biện pháp quy mô lớn hơn nhằm làm rõ hoạt động do thám của Trung Quốc tiềm ẩn mối đe dọa với an ninh quốc gia của Mỹ, đồng minh và đối tác.

Sự việc khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Mỹ đã khiến quan hệ giữa 2 cường quốc càng trở nên căng thẳng. Ngày 6/2, Mỹ gửi thông báo về sự việc tới 150 nhà ngoại giao quốc tế tại Washington cũng như gửi thông tin tới các phái đoàn ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới để chia sẻ thông tin với nước sở tại. Các quan chức Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đã triển khai khí cầu do thám tại hơn 40 quốc gia trên khắp 5 châu lục.

Phản hồi trước thông tin trên, ngày 9/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng khí cầu của Bắc Kinh đi lạc vào không phận Mỹ nằm trong đội khí cầu do thám hoạt động trên toàn cầu của Bắc Kinh.

Bà Mao cũng cho rằng cáo buộc của Mỹ là một phần trong “cuộc chiến truyền thông của Mỹ nhắm vào Trung Quốc”. Trung Quốc luôn khẳng định khí cầu nước này đi lạc vào không phận Mỹ là khí cầu dân sự được dùng trong nghiên cứu khí tượng và khoa học.

Một số hình ảnh FBI xử lý mảnh vỡ khí cầu Trung Quốc:

img

Đặc vụ FBI chụp ảnh mảnh vỡ khí cầu. Ảnh - AP

img

Đặc vụ FBI giám sát quá trình thu thập mảnh vỡ khí cầu. Ảnh - AP

img

Đặc vụ FBI có mặt tại Myrtle Beach, bang South Carolina để phân tích mảnh vỡ khí cầu Trung Quốc. Ảnh - AP

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.