Mở rộng cấp mã ID quản lý tiêm chủng cho trẻ từ tháng 6/2017 |
Tiêm chủng vaccine được xác định là một biện pháp phòng bệnh dịch hiệu quả, tuy nhiên, với các quản lý tiêm chủng như hiện nay, nhiều trẻ bỏ lỡ tiêm chủng chỉ vì sổ tiêm chủng thất lạc, cha mẹ không nhớ mũi nào đã tiêm cho con... Với những lý do này mà nhiều bệnh dịch lại tái bùng phát, khi có cơ hội.
Do vậy, theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cần phải quản lý được tình hình tiêm chủng ở trẻ. Nếu mỗi trẻ có mã ID tiêm chủng thì việc này sẽ tiện hơn rất nhiều, trẻ có thể tiêm chủng ở bất cứ đâu và các phòng tiêm chủng đều theo dõi được. Các bước triển khai việc này đã được Bộ Y tế đưa vào dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng. Và bước đầu đã được thí điểm thực hiện tại Bắc Ninh và tiếp đến là Hà Nội, Đà Nẵng.
Phần mềm tiêm chủng sẽ quản lý rõ ràng và chi tiết từng đối tượng tiêm chủng, như mỗi trẻ sẽ có mã số riêng (số ID) để theo dõi lịch sử tiêm chủng suốt đời với các thông tin về quá trình tiêm chủng, địa điểm, thời gian và tên cán bộ phụ trách tiêm…
Cũng theo ông Phu, khó khăn hiện nay là còn vướng việc kết nối phần mềm quản lý tiêm chủng chung với các tổ chức tiêm phòng dịch vụ.
Theo thông tư của Bộ Y tế, lộ trình đến ngày 31/12/2018, cơ sở tiêm chủng phải hoàn thiện thí điểm phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng do Bộ Y tế cung cấp. Bắt đầu từ ngày 1/1/2019, cơ sở tiêm chủng phải triển khai chính thức phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng trên toàn quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận