Cát về công trường nhanh hơn
Hai trong số 7 mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp nâng công suất đều thuộc huyện Hồng Ngự.
Mỏ thứ nhất nằm ở thị trấn Thường Thới Tiền, diện tích 11,74ha, trữ lượng cát được phép khai thác tối đa là 862.000m3, do Công ty CP Hải Đăng trực tiếp khai thác.
Mỏ thứ hai do Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) trực tiếp khai thác ở xã Phú Thuận B, có diện tích hơn 29ha và công suất khai thác hơn 1,4 triệu m3/năm.
Anh Lâm Văn Xuân, cán bộ điều hành mỏ cát, Công ty CP Hải Đăng cho biết, công nhân làm việc tại mỏ cát bắt đầu từ 7h. Tùy vào tình hình thực tế, việc khai thác cát có thể kết thúc lúc 13h hoặc 14h.
"Theo quy định, mỏ cát bắt đầu làm việc lúc 7h đến 17h mỗi ngày, không khai thác vào ban đêm. Tuy nhiên, với trữ lượng được cấp, công nhân làm xong việc sớm hơn", anh Xuân nói.
Dù nói "tăng công suất" nhưng thực ra cũng chỉ tăng 20%, từ mức khai thác 2.400m3/ngày lên 2.880m3/ngày. Cho nên, theo anh Xuân, cũng chỉ cần 2 xáng cạp với 10 công nhân đã đủ đáp ứng lượng cát được khai thác đưa về công trường theo quy định.
Còn tại mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp giao cho CC1 trực tiếp khai thác, anh Huỳnh Công Huy, giám đốc mỏ cho biết, mỏ cát được nâng công suất từ 3.900m3/ngày lên 4.690m3/ngày, cao hơn mỏ của Hải Đăng.
Anh Huy cho biết, với việc mỏ cát được nâng công suất, công nhân có nhiều việc để làm hơn. Nếu như trước đây công nhân bắt đầu khai thác lúc 7h sáng và xong việc lúc 13h hoặc 14h chiều, thì giờ đây thời gian làm việc kéo dài thêm 2 tiếng và có khi kết thúc công việc lúc 17h.
Hai tháng nữa khai thác xong trữ lượng được cấp trong năm
Ở mỏ cát mà CC1 khai thác, anh Huy cho biết, kể từ đầu tháng 2/2024 đến nay, tổng trữ lượng đã được khai thác phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là 733.000m3.
"Tại mỏ cát, nhà thầu bố trí ba xáng cạp cùng 15 công nhân làm việc. Mỗi ngày công ty điều phối 8 chiếc sà lan chở cát về công trường", anh Huy chia sẻ.
Ở mỏ của Công ty CP Hải Đăng, bắt đầu khai thác đầu tháng 12/2023 và đến nay đã khai thác được gần 665.000m3.
"Trung bình mỗi sà lan mất từ 3 - 4 ngày để chở cát từ mỏ cát về công trường. Do vậy, mỗi ngày, nhà thầu cần từ 5 - 6 chiếc sà lan là đủ trữ lượng được phép khai thác theo quy định", anh Xuân nói.
Dù vậy, công ty đã bố trí 106 sà lan ứng trực, nhằm đảm bảo cho việc vận chuyển thông suốt, cát được đưa về phục vụ thi công cao tốc liên tục.
"Với số lượng cát còn lại tại mỏ, dự kiến khoảng hai tháng nữa chúng tôi sẽ khai thác hết trữ lượng được phép khai thác trong năm nay", anh Xuân cho biết.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, những mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp cấp theo cơ chế đặc thù đã nâng công suất, khi nhà thầu khai thác hết trữ lượng được cấp trong năm sớm hơn thời gian quy định, phải thực hiện các bước tiếp theo để đóng cửa mỏ để bảo đảm an toàn cho môi trường.
Nhà thầu có thể tiếp tục được khai thác ở những mỏ khác để bảo đảm việc cung cấp cát cho công trường được liên tục.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đến nay đã thi công đạt khoảng 40% tiến độ. Các nhà thầu đặt mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành gia tải nền đường suốt tuyến và hoàn thành các cầu trên tuyến, hướng tới mục tiêu đưa dự án về đích cuối năm 2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận