Du lịch

Chợ tình Khâu Vai đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Tối 26/4, tại sân khấu Mê cung đá xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, đã diễn ra lễ khai mạc và đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tối 26/4, tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã diễn ra chương trình khai mạc và lễ đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Chợ Phong Lưu Khâu Vai và lễ cầu an của người Giáy, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang năm 2022.

img

Lễ đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Chợ Phong lưu Khâu Vai và lễ cầu an của người Giáy, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang năm 2022.

Chợ tình Khâu Vai dựa theo sự tích về mối tình giữa chàng trai người dân tộc Nùng và cô gái người Giáy yêu nhau nhưng không đến được với nhau. Sau nhiều biến cố, chàng trai và cô gái chia tay nhau đúng ngày 27/3 âm lịch nên người dân trong vùng lấy ngày đó làm ngày họp chợ.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: "Hà Giang tổ chức lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai và đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia để tiếp tục quảng bá hình ảnh của Hà Giang với nhân dân, du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế; để du khách hiểu thêm về mảnh đất và con người Hà Giang.

img

Một thí sinh tham gia Hội thi Người đẹp miền Cao nguyên đá năm 2022

Bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang thông tin thêm với PV Báo Giao thông: "Lễ cầu duyên, cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho tình yêu đôi lứa cầu cho gia đình hạnh phúc, và cầu cho điều may mắn đến với làng bản và sự đoàn kết giữa các dân tộc với nhau. Và đặc biệt hơn nữa, điểm nhấn lễ hội này là các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống mỗi điểm đến du lịch.

Đặc biệt là khu vực mê cung đá sẽ diễn ra hoạt động hát giao duyên của dân tộc Mường và dân tộc Giáy. Trong đó có các giá trị văn hóa phi vật thể như múa trống, múa khăn, múa nón, và trình diễn múa kiếm của đồng bào dân tộc Giáy, đây là một trong những di sản phi vật thể được công nhận di sản phi vật thể quốc gia. Và hơn nữa bên cạnh đó, các làn điệu dân ca, dân vũ và các trò chơi dân gian sẽ được diễn ra để du khách cũng được trải nghiệm theo người dân tại bản địa, địa phương".

Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống được tổ chức tại khu vực Mê cung đá và trung tâm xã Khâu Vai như trình diễn thổi khèn Mông của xã Sủng Trà và thị trấn Mèo Vạc; hát dân ca dân tộc Nùng, dân ca dân tộc Giáy; múa trống đồng, múa kéo nhị của dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc; múa nón, múa khăn của dân tộc Giáy thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà; múa kiếm của dân tộc Giáy xã Nậm Ban; múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô, xã Xín Cái; điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc; Múa trống của dân tộc Giáy thôn Nà Trào, xã Tát Ngà; Hát đối giao duyên qua ống dây của dân tộc Mông các xã: Lũng Pù, Giàng Chu Phìn; Múa, thổi khèn đơn, khèn đôi của dân tộc Mông xã Sủng Trà...

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, du khách có thể tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, ẩm thực của địa phương ngay tại các địa điểm tổ chức lễ hội và tham gia chuỗi hoạt động tham quan, trải nghiệm, như khám phá thung lũng hoa Tam giác mạch, hoa Sao nhái tại Mê cung đá (xã Lũng Pù, Khâu Vai); Khám phá chinh phục tuyến đi bộ Vách đá thần Mã Pì Lèng; tham quan, chụp ảnh Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 ngắm hẻm vực Tu Sản, Mã Pì Lèng; tham quan, chụp ảnh cầu tình yêu tại Mê cung đá, xã Khâu Vai…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.