Theo hãng tin CNN, múa rồng đã xuất hiện trong các nghi lễ tại Trung Quốc từ thời nhà Hán (202 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên). Trong khi đó, múa rồng lửa bắt đầu xuất hiện trong các ghi chép vào thời nhà Thanh (1644-1911). Một số nhà sử học còn cho rằng múa rồng lửa xuất hiện sớm hơn vào thời nhà Minh (1368-1644).
Theo ông Kwok Kam Chau, Giáo sư tại Đại học Baptist Hong Kong, những điệu múa này mang ý nghĩa ăn mừng dịp lễ hội và xua đuổi dịch bệnh.
Bài viết giới thiệu một số điệu múa rồng nổi bật tại các địa phương ở Trung Quốc vào dịp Tết nguyên đán hàng năm.
Múa rồng lửa làng Puzhai, huyện Phong Thuận, tỉnh Quảng Đông
Làng Puzhai, huyện Phong Thuận, tỉnh Quảng Đông đã tổ chức múa rồng lửa vào dịp lễ hội đèn lồng (tết Nguyên tiêu) vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm từ thời nhà Thanh.
Vào buổi lễ, người dân địa phương đốt pháo, nhóm nam giới để trần chạy vào sân bãi trong làng rồi cùng hợp sức nâng lên con rồng dài hơn 30m. Thân rồng được trang trí bằng rất nhiều pháo hoa nên khi đốt lên, mình rồng nhiều màu sắc phát sáng lấp lánh.
Lễ hội lên đến đỉnh điểm khi một cụ bô lão trong làng đốt cháy pháo hoa được gắn dọc thân rồng, khiến con rồng trở nên rực rỡ sống động như thật.
Tập tục có lịch sử nhiều thế kỷ này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Trung Quốc vào năm 2008.
Múa rồng lửa sắt Tương Tây, tỉnh Hồ Nam
Múa rồng lửa sắt đã được trình diễn tại các khu vực ở khu tự trị dân tộc Miêu Tương Tây, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc vào dịp lễ hội đèn lồng trong nhiều thế kỷ. Điệu múa được trình diễn để cầu chúc mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong năm mới.
Điệu múa bắt đầu bằng màn trình diễn trống, cồng chiêng, đốt pháo trong tiếng reo hò rộn rã của người xem. Kế tiếp, pháo hoa được bắn ra từ những ống tre và rơi xuống nhóm hàng chục nghệ sĩ múa rồng đang biểu diễn cuồng nhiệt bên dưới. Điệu múa tiếp diễn cho tới khi con rồng được đốt trụi chỉ còn trơ khung kim loại.
Từng đứng trước nguy cơ thất truyền, điệu múa rồng lửa sắt tại Tương Tây, Hồ Nam đã được bảo tồn nhờ những người dân địa phương đầy nhiệt huyết không ngừng quảng bá về điệu múa qua việc chia sẻ những hình ảnh, video quay lại các màn trình diễn ngoạn mục trên mạng xã hội.
Điệu múa rồng lửa sắt tại Tương Tây được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc vào năm 2018.
Múa rồng lửa tại thị trấn Huanglongxi, Tứ Xuyên
Thị trấn Huanglongxi, tỉnh tứ Xuyên còn lưu giữ được rất nhiều công trình kiến trúc cổ đại từ thời nhà Thanh (1644-1912). Bên cạnh đó, thị trấn cổ này cũng nổi tiếng với rất nhiều ngôi chùa, khiến nơi đây trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách vào dịp tết Nguyên đán.
Mỗi năm, thị trấn Huanglongxi tổ chức hội chợ tết Nguyên đán kéo dài nhiều ngày, bao gồm tiết mục biểu diễn múa rồng lửa vào mỗi ngày trong 5 ngày đầu và ngày 15 tháng Giêng.
Không có sự xuất hiện của bánh pháo như lễ hội múa rồng lửa tại các địa phương khác nhưng màn biểu diễn tại thị trấn Huanglongxi vẫn rất rực rỡ khi sắt nóng chảy được tung lên không trung. Sắt được nung nóng thành chất lỏng, một người thợ sẽ mặc áo làm bằng da cừu và đội muc rộng vành, dùng muôi gỗ to, múc sắt tung lên trời tạo thành những tia sáng lấp lánh.
Trong màn mưa sắt lấp lánh này, sẽ có những nghệ nhân biểu diễn rồng lửa đuổi theo đèn lồng, tạo nên màn trình diễn đặc sắc.
Điệu múa rồng lửa Đồng Lương, Trùng Khánh
Được biết đến với tên gọi quê hương của rồng lửa, quận Đồng Lương hiện trình diễn điệu múa trên đường phố tại nhiều khu vực ở thành phố Trùng Khánh.
Cảnh tượng không thể quên trong màn hình diễn này là vô vàn hoa lửa được bắn lên cao, làm rực sáng bầu trời đêm trong lúc con rồng lửa chuyển động uy nghi.
Năm nay, vào mỗi đêm từ ngày 10-17/2 (tức từ mồng 1-8 tết Nguyên đán), múa rồng lửa sẽ được trình diễn tại công viên Qicaimeng, thành phố Trùng Khánh bên cạnh rất nhiều hoạt động trưng bày ánh sáng và hội chợ khác.
Múa rồng huyện Đại Phương, tỉnh Quý Châu
Huyện Đại Phương, tỉnh Quý Châu bắt đầu tổ chức lễ hội đèn lồng rồng vào ngày mồng 9 tháng Giêng hàng năm. Màn trình diễn múa rồng tại địa phương này bao gồm mô hình rồng nhiều màu sắc được thắp sáng bởi những chiếc đèn lồng gắn bên trong thân rồng.
Các bánh pháo được đốt cháy đặt trên mặt đất dọc theo lộ trình diễu hành của các nghệ sĩ múa rồng quanh sân bãi trống của huyện Đại Phương, tạo nên màn trình diễn rực rỡ sắc màu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận