Chuyện dọc đường

Chống dịch, TP.HCM đừng để "chặt ngoài, lỏng trong"

18/08/2021, 13:07

Sau 3 tháng thực hiện giãn cách, TP.HCM có lẽ cần người dân hỗ trợ giám sát vi phạm nhiều hơn, nhưng bằng cách nào?

Ra đường TP.HCM những ngày này thấy chốt phòng chống Covid-19 vẫn rất dầy. Quận, huyện, phường, xã, khu phố…, ở đâu cũng chốt. Đi không giấy tờ, không rõ mục đích thiết yếu bị phạt 2 triệu như chơi.

Nhưng đó là “mặt tiền”. Bên trong chưa hẳn.

img

Người dân TP.HCM vẫn ra đường rất đông

4-5 giờ chiều, cái nắng Sài Gòn đã bớt thiêu đốt. Ở một góc hẻm trên đường Phan Văn Trị (P.11, Bình Thạnh), lác đác thấy vài cái thau inox sáng choang để trên vỉa hè. Đến xem, bên trong là vài con tôm càng xanh, vài con cá ướp đá. Một kiểu bán hàng rong thời Covid.

Hình ảnh đó có thể bắt gặp ở các xóm lao động khu Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Q.11, Q.6… và khá phổ biến ở ngoại thành.

Anh L.V.T., công an viên ở Hóc Môn đang trực chốt ở xã Xuân Thới Thượng cho biết, sáng sáng người ta buôn bán đầy đường, rau cải, gà vịt đủ cả. Hỏi thì một người dân phân trần: “Siêu thị, Bách Hóa bán mắc quá, ai mà mua”.

Mỗi ngày, TP.HCM ban hành rất nhiều văn bản, chỉ thị về phòng chống dịch, rất nhiều thứ cần “tăng cường”, “đẩy mạnh”. Rồi đến các quận huyện cũng ra văn bản nối theo. Cấp phường xã cũng vậy.

Nhiều việc lắm, mà nhân sự chống dịch có thế, sau nhiều tháng, đã ngày càng quá sức.

img

Một người vô gia cư trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM. Ảnh chụp sáng 16/8

Dịch bệnh có giảm nhưng không như mong muốn.

Không thể như mong muốn được khi mà thiết lập các vùng xanh, đỏ, cam, vàng nhưng dân cư ở các hẻm nhỏ vẫn có thể qua lại mua bán mớ rau con cá. Trong khi số ca F0 điều trị tại nhà và F0 không triệu chứng vẫn còn nhiều.

Người thất nghiệp, vô gia cư ban ngày vẫn rong ruổi nhặt ve chai, xin ăn và đêm đêm ngủ lê la hè phố.

Ở các chỗ phát thức ăn từ thiện - dù đã cố hết sức nhưng khó có thể bảo đảm 100% là không lây lan nguồn dịch. Vân vân và vân vân…

Cùng theo đó, vì quá dài ngày, lực lượng chống dịch cũng đuối, người dân một số bức bách do thiếu thốn, số khác chủ quan hoặc vô ý thức đã không còn tuân thủ kỷ luật như ban đầu.

Giám sát ở các tổ, khu phố đã có dấu hiệu lỏng lẻo, kiểu “chặt ngoài, lỏng trong”.

TP.HCM đã “chịu đau” để đạt được những kết quả bước đầu. Nhưng bệnh chỉ dứt khi tiếp tục các biện pháp trị liệu nghiêm túc, có kỷ luật, kỷ cương. TP cần chỉ đạo siết việc giám sát ở các khu dân cư, ở các khu phố nhỏ.

Vận động người dân giám sát người dân và phường, ấp chịu trách nhiệm nếu có tình trạng dân cư vô tư “giao lưu”, buôn bán hàng rong…

Tại nhiều phường, quận ở TP.HCM có hệ thống facebook phản ánh về sai phạm trong xây dựng, về vệ sinh đô thị và phạt nguội.

Tại sao không sử dụng hệ thống đó hoặc tạo ra các tổ covid cộng đồng của từng tổ dân phố, từng phường trên mạng xã hội để giám sát kỷ luật phòng, chống dịch và phát hiện kịp thời các trường hợp thiếu đói cần hỗ trợ trong dân cư?

Để đẩy lùi dịch bệnh lúc này, bên cạnh các giải pháp vĩ mô mạnh mẽ, không để người dân thiếu đói, truyền thông thật tốt để dân hiểu và chia sẻ còn cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương từ cấp nhỏ nhất là khu phố, ấp ở địa bàn dân cư.

Khi huy động được sức dân hỗ trợ chính quyền giám sát vi phạm sẽ giảm bớt số người phải trực, chốt trên đường, dành sức người làm việc khác.

Ý thức không phải chỉ truyên truyền mà có, ý thức được hình thành từ thói quen mà thói quen bắt đầu từ sự nghiêm minh của chế tài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.