Bên lề Đại hội cổ đông thường niên diễn ra sáng nay (14/7), Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà chia sẻ với Báo Giao thông về kế hoạch tăng vốn cũng như những giải pháp để tiếp tục ứng phó với đại dịch Covid-19 mà ông nhiều lần nhấn mạnh là gây ra những khó khăn chưa từng có trong lịch sử.
Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà
Ưu tiên trả nợ các khoản vay ở các tổ chức tín dụng đã quá hạn
Nhiều người đang rất quan tâm đến kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với quy mô phát hành lên tới 8.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2021 của Vietnam Airlines sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Trong năm 2021, chúng tôi có kế hoạch tăng vốn 8.000 tỷ đồng. Hôm nay, Đại hội cổ đông đã thông qua phương án này, chúng tôi sẽ sớm làm việc với Ủy ban chứng khoán, các công ty phát hành để phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn 8.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.
Dự kiến đến hết quý III/2021, việc tăng vốn sẽ hoàn tất. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để trả nợ các khoản vay ở các tổ chức tín dụng đã quá hạn. Thứ hai là trả các khoản nợ vay mà Vietnam Airlines đang nợ các nhà cung ứng, đặc biệt là các đơn vị cho thuê máy bay. Thứ ba là bổ sung các dòng vốn lưu động của Vietnam Airlines để đảm bảo sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Dự kiến phương án tăng vốn này có sự tham gia của SCIC, hiện nay việc này đang được thực hiện như thế nào?
Trong quá trình tăng vốn 8.000 tỷ đồng, cổ đông nhà nước ủy quyền cho Tổng công ty đầu tư vốn nhà nước SCIC thay mặt nhà nước để đầu tư vào Vietnam Airlines. Như chúng tôi vừa trao đổi, hôm nay, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua việc phát hành tăng vốn này, SCIC sẽ đầu tư vào theo đúng các quy định của pháp luật.
Tuần tới sẽ giải ngân khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng
Khoản 4.000 tỷ đồng vay tái cấp vốn các ngân hàng cam kết cho Vietnam Airlines vay đến thời điểm này đã được giải ngân chưa? Vietnam Airlines sẽ sử dụng khoản 4.000 tỷ cho những hoạt động nào, thưa ông?
Mới đây, Vietnam Airlines đã ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng để tái cấp vốn cho Vietnam Airlines khoản 4.000 tỷ đồng này. Các hợp đồng đã hoàn tất, dự kiến sẽ giải ngân trong tuần tới. Chúng tôi sẽ sử dụng khoản tiền này theo đúng quy định nhà nước, chỉ sử dụng để trả nợ các khoản vay. Việc này đã được báo cáo các cấp có thẩm quyền và đã có kế hoạch trả nợ. Trong tuần sau, khoản này sẽ được giải ngân.
Còn khoản tiền 12.000 tỷ đồng (bao gồm 4.000 tỷ đồng vay tái cấp vốn và 8.000 tỷ đồng từ phát hành thêm cổ phiếu) sẽ hỗ trợ Vietnam Airlines như thế nào trong việc khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của Covid-19?
Như chúng tôi đã báo cáo về kết quả năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm Vietnam Airlines lỗ hợp nhất lên tới trên 11.000 tỷ đồng. Dòng tiền âm rất lớn. Khoản 12.000 tỷ đồng này sẽ trợ giúp cho Vietnam Airlines để hỗ trợ thanh khoản cho thời điểm này, và cả những tháng đầu năm 2021.
Chúng tôi hy vọng sự quyết tâm của Chính phủ về chiến lược vaccine sẽ giúp ngành hàng không trong thời gian tới, đặc biệt là cuối quý III, đầu quý IV/2021 sẽ có khởi sắc.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Vietnam Airlines sẽ phải có những giải pháp khác, như tiếp tục tái cơ cấu lại tổ chức, tài chính, danh mục đầu tư, đặc biệt là đàm phán với các chủ nợ, các nhà cung cấp để giảm, giãn hoãn các chi phí này. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục tăng thu thông qua sử dụng máy bay để tăng cường chở hàng hóa, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo giao thương cho Vietnam Airlines.
Đồng thời, trong bối cảnh này, chúng tôi duy trì vận chuyển y bác sĩ, cũng như hàng hóa miễn cước để phục vụ chống dịch các tỉnh thành trên cả nước. Cùng đó, chúng tôi tiếp tục báo cáo các cấp mở lại các chuyến bay quốc tế một cách thận trọng, tìm mọi giải pháp để đưa hoạt động của Vietnam Airlines trở lại bình thường.
Tiết kiệm chi được hơn 6.800 tỷ đồng
Năm ngoái, các giải pháp điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí kỹ thuật đã giúp Vietnam Airlines tiết kiệm gần 4.000 tỷ đồng. Năm nay, ông đánh giá về giải pháp này năm nay thế nào?
Có thể nói, các giải pháp về tiết kiệm chi phí, trong đó có giãn khấu hao, phân bổ lại chi phí kỹ thuật vẫn sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2021. Trong năm 2021, tất cả các giải pháp của Vietnam Airlines bao gồm giải pháp tự thân, sẽ giúp giảm chi phí được 6.800 tỷ đồng.
Tất cả những giải pháp vừa rồi của chúng tôi tập trung vào tiết kiệm chi phí, giúp tiết kiệm tới 6.800 tỷ đồng trong năm 2021, là một con số chúng tôi chưa từng mường tượng tới khi bắt tay vào làm. Nhưng bằng các giải pháp, nỗ lực và sự đoàn kết của tất cả các khối từ kỹ thuật, khai thác đến thương mại, dịch vụ, tham mưu điều hành, chúng tôi hy vọng con số tiết kiệm được sẽ vượt hơn thế.
Đặc biệt, khi vừa qua, việc tái cơ cấu tinh gọn, tổ chức lại bộ máy được chú trọng, công việc được giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn. Chúng tôi xác định, nội lực của Vietnam Airlines vẫn là một yếu tố quyết định trong khó khăn này.
Vietnam Airlines là doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối (86,19%), nhưng Vietnam Airlines cũng là doanh nghiệp đã hội nhập quốc tế từ nhiều chục năm nay. Trước đại dịch, Vietnam Airlines đã phải cạnh tranh với các hãng hàng không quốc tế bay tại Việt Nam. Thị phần Vietnam Airlines trong mạng bay quốc tế trước Covid-19 chiếm khoảng hơn 30%. Trên thị trường nội địa, các hãng hàng không khác cũng có sự cạnh tranh rất lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận