Thiên thời - địa lợi - nhân hòa
Chứng kiến dự án Vietnam Town (Phố Việt Nam) hình thành từ khi mới là ý tưởng sơ khởi cho đến lúc cắt băng khánh thành nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có chuyến thăm Thái Lan từ 7-9/12 vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành không giấu nổi niềm vui chia sẻ: "Người dân ở con phố rất tự hào. Đối với họ, việc sau một đêm ngủ dậy nơi đây trở thành phố Việt Nam giống như chuyện cổ tích".
Đánh giá về sự thành công của dự án, ông cho rằng đó là nhờ 6 chữ: "thiên thời – địa lợi – nhân hòa".
Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Udon Thani Lương Xuân Hòa là người đầu tiên nảy ra ý tưởng làm phố dành riêng cho người Việt Nam.
Theo Đại sứ Phan Chí Thành, Việt Nam và Thái Lan đã trở thành đối tác chiến lược vào năm 2013 và sắp tới dự kiến nâng cấp quan hệ vào thời điểm phù hợp, có thể là ở mức cao nhất.
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Thái Lan diễn ra đồng đều trên tất cả lĩnh vực, từ ngoại giao chính trị với các chuyến thăm cấp cao cho đến lĩnh vực an ninh quốc phòng với sự hợp tác rất chặt chẽ. Trong đó, hợp tác kinh tế được cho là một trong những điểm sáng. Hợp tác giáo dục cũng chứng kiến nhiều cuộc trao đổi, giao lưu giữa sinh viên Việt Nam và Thái Lan.
Ông sinh ra tại Thái Lan trong một gia đình có bố mẹ gốc Việt, vợ ông cũng là người Việt. Khi nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Udon Thani, ông Hòa tự hỏi tại sao Thái Lan có phố China Town (phố Trung Quốc) mà không có phố Việt Nam? Do đó, trong suốt 6 năm, mỗi lần gặp tỉnh trưởng Thái Lan, ông đều trình bày ý tưởng này.
Đến khi Đại sứ Phan Chí Thành nhận nhiệm vụ, trong các cuộc tiếp xúc, ông Hòa tiếp tục chia sẻ ý tưởng và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Đại sứ. Hai bên bàn bạc để cùng thúc đẩy ý tưởng lên Chủ tịch thành phố Udo Thani và Tỉnh trưởng Udo Thani. Ý tưởng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ tỉnh trưởng Thái Lan cũng như từ các lãnh đạo cấp cao phía Việt Nam.
Ở cuộc tiếp xúc gần đây nhất giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan tại New York (Mỹ) khi dự Phiên thảo luận chung cấp cao lần thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc, hai lãnh đạo cũng trao đổi về ý tưởng trên. Sau đó, cơ quan ngoại giao hai bên tích cực thực hiện. Cùng lúc, ý tưởng phố Việt Nam còn thu hút hàng tỷ đồng từ các mạnh thường quân.
Nhấn mạnh hai chữ "nhân hòa", Đại sứ Phan Chí Thành cho rằng: "Đây là một công trình hữu nghị giữa hai nước. Nếu không có tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan thì không có Vietnam Town. Quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan hiện nay phát triển ở mức rất cao, có thể nói là tốt đẹp nhất từ trước đến nay".
"Mô hình Vietnam Town đặc biệt ở chỗ được sự công nhận chính thức của chính quyền, có cổng đề chữ Vietnam Town", nhà ngoại giao nhấn mạnh.
Chính quyền thành phố Udo Thani cùng các doanh nghiệp Việt Nam chung tay hỗ trợ kinh phí để hỗ trợ làm vỉa hè, lát gạch mới, trải nhựa đường, sơn sửa chỉnh trang khu phố, xây dựng cổng chào trị giá 1 tỷ đồng, từ đó tạo nên diện mới xứng tầm với tên Vietnam Town – khu phố đại diện cho văn hóa Việt Nam, bộ mặt cộng đồng người Việt Nam tại Udo Thani.
Còn với ông Lương Xuân Hòa, hai chữ "nhân hòa" còn thể hiện ở sự đồng thuận của người dân trong việc ủng hộ và góp sức thực hiện dự án.
Ban đầu, nhiều bà con còn chưa hiểu hình hài của con phố sẽ ra sao, có ý nghĩa như thế nào nhưng khi Hội Người Việt Nam tại Thái Lan cùng Đại sứ quán chia sẻ, bà con đều hoan nghênh và hồ hởi.
"Có đồng thuận, bà con mới tự nguyện bỏ tiền sửa nhà mình cho đẹp hơn, phù hợp với thiết kế cảnh quan chung của khu phố", ông Hòa chia sẻ thêm.
Theo Đại sứ Phan Chí Thành, hiện nay phố Vietnam Town vẫn cần đầu tư hơn nữa phố phát triển mạnh mẽ, do đó chắc chắn cần sự chung tay, sáng tạo của người dân.
Ý nghĩa đằng sau tên gọi Vietnam Town
Đại sứ Phan Chí Thành cho hay, Phố Việt Nam mang những ý nghĩa chính trị, văn hóa, cũng như kinh tế, thương mại, du lịch đối với Việt Nam và Thái Lan. Đây vừa là phố ẩm thực, phố văn hóa, vừa là nơi giao lưu giao lưu giữa người Việt tại Thái Lan, đồng thời trở thành địa điểm du lịch mới cho tỉnh Udon Thani, thúc đẩy phát triển giao lưu kinh tế và du lịch.
"Tên Vietnam Town mang ý nghĩa bao trùm, không khu biệt chỉ là phố ẩm thực hay phố đi bộ mà ở đó có thể diễn ra nhiều hoạt động văn hóa khác nhau. Bên cạnh đó, khi đọc tên Vietnam Town, người Việt, người Thái, khách du lịch nước ngoài đều hiểu đó là khu phố của người Việt Nam", Đại sứ Thành chia sẻ.
Tại Thái Lan, Udon Thani được mệnh danh là thủ phủ của người Việt, với số lượng từ 50.000 - 60.000 người bao gồm cả người Thái gốc Việt và người Việt Nam sinh sống tại đây. Người Việt Nam tại Thái Lan khi nhớ không khí, đồ ăn quê hương có thể ghé thăm để trải nghiệm.
Địa điểm này không chỉ có những món ăn truyền thống của người Việt mà còn có những nét kiến trúc, thiết kế về nhà cửa, phố xá đặc trưng Việt Nam với những bức tranh bích họa như chùa Một Cột, các danh lam thắng cảnh. Đây cũng là nơi lưu giữ, khích lệ lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam tại Udon Thani.
"Bản thân người Việt trong nước cũng rất tự hào khi nghe thông tin có phố Việt đầu tiên trên thế giới. Rất nhiều người háo hức có dịp để sang thăm Vietnam Town, chụp ảnh, ăn các món Việt, uống cà phê...", Đại sứ Phan Chí Thành nói.
Đại sứ cũng bày tỏ mong muốn một ngày nào đó, mô hình này sẽ lan tỏa tại một số nước có đông kiều bào Việt Nam như ở CH Séc, Ba Lan, Mỹ…
Riêng tại Thái Lan, không lâu nữa sẽ có thêm một phố Việt Nam. Ngay sau khi khánh thành Vietnam Town tại Udon Thani hôm 9/12, Đại sứ Phan Chí Thành cũng đã đến thành phố Nakhon Pathom - nơi tập trung rất đông người Việt Nam để động thổ Phố Việt Nam thứ hai tại Thái Lan, mang tên Vietnam Town Nakhon Pathom.
Trong chuyến thăm Thái Lan vào đầu tháng 12/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự lễ khai trương Phố Việt Nam (Vietnam Town). Ông nhấn mạnh hiện nay đây là Phố Việt Nam đầu tiên và duy nhất trên thế giới và tin tưởng rằng với sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền tỉnh Udon Thani, thời gian tới tại Phố Việt Nam sẽ phát triển các hoạt động kinh doanh, văn hoá, du lịch.
Phố Việt Nam đầu tiên được xây dựng và khai trương là một sáng kiến, việc làm có ý nghĩa của cộng đồng trong gìn giữ và quảng bá văn hóa Việt, cần được coi là mô hình để nghiên cứu, áp dụng tại nhiều địa phương phù hợp khác ở Thái Lan cũng như trên thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận