Diễn đàn Logistics vùng lần thứ V có chủ đề "Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2024".
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, mặc dù lợi ích mang lại từ chuyển đổi số là rất rõ ràng, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, cả ở các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp.
Theo khảo sát tại Báo cáo logistics năm 2023 của Bộ Công thương, có 90,5% các doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối.
Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp đang ở cấp độ 2 với tỷ lệ chiếm tới 73,5%.Chỉ có 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 là trực quan hóa, 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa.
Đặc biệt, chỉ có 1,9% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 là có khả năng dự báo và con số rất "khiêm tốn" 0,4% doanh nghiệp đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 là có khả năng thích ứng.
Chủ tịch VCCI khẳng định, chuyển đổi số đang không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu của ngành logistics trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sự phát triển của thị trường logistics tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ứng dụng công nghệ số.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, quá trình chuyển đổi số trong ngành logistics còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; trình độ nguồn nhân lực logistics và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế.
Cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư tương xứng, đồng bộ với nhu cầu phát triển thực tiễn; cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực logistics có lúc, có nơi còn chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, nhận diện những điểm nghẽn trong chuyển đổi số logistics, đề xuất giải pháp; nhận định xu hướng chuyển đổi số logistics từ các bài học quốc tế kết hợp thực tiễn phù hợp điều kiện của ngành logistics Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) nói riêng trong mối tương quan với bối cảnh phát triển của khu vực và thế giới.
Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ chia sẻ, xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng góp vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Hải Phòng đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển logistics và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Hải Phòng có khoảng 1.000 doanh nghiệp logistics, chuyển đổi số logistics không chỉ tạo ra sự phát triển cho lĩnh vực này tại Hải Phòng, mà còn là động lực, là sợi dây liên kết kéo theo sự phát triển ngành logistics và kinh tế của cả vùng ĐBSH.
Theo quy hoạch, mạng lưới logistics TP Hải Phòng đến năm 2030 đạt khoảng 1.700-2.000ha và đến năm 2040 khoảng 2.200-2.500ha...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận