Hàng hải

Chuyện ít biết nghề dẫn lối tàu thuyền

22/06/2023, 10:00

Không phải xa nhà cả năm lênh đênh trên biển như thủy thủ viễn dương, hoa tiêu hàng hải tưởng như là công việc đỡ nhọc nhằn trong nghề hàng hải.

Nhưng không, họ luôn phải đối mặt với biết bao hiểm nguy, rủi ro rình rập.

Sai một ly, đi vạn dặm

img

Hoa tiêu Phạm Xuân Tùng (áo trắng) trao đổi với thuyền trưởng về các thông số kỹ thuật, đặc tính của tàu

12h trưa một ngày tháng 5, trên vùng biển Hạ Long, những con tàu vẫn ngược xuôi ra vào. Trong cái nắng như thiêu đốt, cũng là lúc các hoa tiêu bắt đầu công việc.

Xuất phát từ cầu tàu công tác của Ban quản lý vịnh Hạ Long, chiếc ca nô của Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực III (Hoa tiêu khu vực III) đưa chúng tôi rời bến, cùng các hoa tiêu tiến ra khu vực neo đậu để đưa tàu rời khu neo.

Tôi đã đi nhiều lần nhưng mỗi lần vào cảng vẫn phải nhờ hoa tiêu đưa vào. Khu vực luồng lạch, nhiều tàu qua lại dễ gây nguy hiểm nên trách nhiệm của hoa tiêu rất lớn. Không phải tự dưng, cấp của hoa tiêu thường ngang với thuyền trưởng và đa số hoa tiêu đều từng đi ở cấp thuyền trưởng. Hoa tiêu phải vững, thuyền trưởng mới dám đưa tàu vào.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Thuyền trưởng tàu Petrolimex 11


Khoác chiếc balo nặng trĩu sau lưng, hoa tiêu ngoại hạng Phạm Xuân Tùng bật mí balo chứa tất cả những thứ mà hoa tiêu cần để đưa những con tàu ra - vào cảng bến an toàn. Đó là la bàn, ống nhòm, áo phao, máy bộ đàm...

Nhưng chiếc balo lỉnh kỉnh không làm khó hoa tiêu khi làm việc. Ngay khi cano tiếp cận được chiếc tàu dầu 40.000 DWT, anh Tùng thoăn thoắt leo lên chiếc thang để lên đến sàn tàu.

Trong khi chúng tôi phải dò từng bước thận trọng, bám chặt thành để leo lên chiếc thang cheo leo dọc mạn tàu, chỉ cần một bước hụt sẽ rơi ngay xuống biển.

Theo anh Tùng, có những con tàu, hoa tiêu phải leo thang dây thẳng đứng, cheo leo để lên tàu.

Để leo lên chiếc thang cao khoảng 30 - 40m (tùy từng tàu) trong điều kiện con tàu dập dềnh sóng, hoa tiêu phải có kỹ năng và kinh nghiệm. Đặc biệt, khi thời tiết xấu, sóng to gió lớn, không cẩn thận sẽ dễ xảy ra tai nạn.

“Ai làm hoa tiêu cũng có lúc bầm dập vì leo thang. Nhẹ cũng xước xát chân tay, nặng thì ngã gãy tay, gãy chân. Thậm chí, đã có hoa tiêu ngã mất mạng. Rủi ro luôn thường trực vì thang dây cũng có thể bị đứt”, anh Tùng chia sẻ.

Nhưng hiểm nguy đó chưa phải tất cả, bởi với những người làm hoa tiêu, đáng sợ nhất chính là gây tai nạn hàng hải. Rủi ro khi tàu đâm va, mắc cạn... có thể gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Anh Đặng Văn Phái, Phó giám đốc Hoa tiêu khu vực III chia sẻ, đây là nghề mà người lao động không được phép sai sót vì sai một ly, có thể đi vạn dặm.

Trở thành hoa tiêu từ năm 25 tuổi và đã dày dạn kinh nghiệm, anh Phái vẫn không quên những lần dẫn tàu vào cảng từng khiến anh toát mồ hôi hột.

Đó là một lần anh được cử dẫn con tàu có chiều dài khoảng 225m, trọng tải 65.000 tấn từ phao số 0 vào cảng. Tàu đang chạy ở tốc độ 8 hải lý/giờ, đến đúng khúc cua trên luồng, tàu bị mất khả năng điều động.

Đúng thời điểm đó, anh Phái phát hiện phía trước khoảng 2 - 3 hải lý có một tàu dầu đang chuẩn bị nhổ neo.

Lập tức, anh gọi qua VFS cho hoa tiêu trên tàu dầu, thông báo tàu của mình đang mất máy và đề nghị phía tàu dầu kéo neo nhanh, lái đi khẩn cấp.

Về phía tàu của mình, anh cũng yêu cầu nhanh chóng thả neo. Thủy thủ tàu nhận lệnh thả neo khẩn cấp, nhanh tới mức xích neo ma sát với mũi tàu mạnh tóe lửa.

“Trong tình huống đó, nếu không kịp xử lý và đâm phải tàu dầu, hậu quả rất nghiêm trọng.

Tại khu vực như vịnh Hạ Long, nếu có tàu dầu gặp tai nạn, thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ USD”, anh Phái nhớ lại.

Nghề “bạc tóc, hói đầu”

img

Để lên được tàu, các hoa tiêu phải có kỹ năng leo thang đảm bảo an toàn

Ngay khi lên tàu, hoa tiêu Phạm Xuân Tùng lập tức trao đổi, làm việc nhanh với thuyền trưởng tàu dầu để nắm bắt các thông số kỹ thuật của tàu, đặc tính điều động, kiểm tra các thiết bị...

Nắm vững địa hình, luồng hàng hải tại Quảng Ninh như lòng bàn tay, song anh thừa nhận vẫn chưa bao giờ hết căng thẳng mỗi lần dẫn tàu. Việc dẫn tàu thành công hay thuận lợi ra sao phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Tuy đóng vai trò là cố vấn cho thuyền trưởng, nhưng nhiều trường hợp thuyền trưởng phó mặc con tàu cho hoa tiêu khi hoa tiêu nhận nhiệm vụ.

Do đó, ngoài kiến thức và kinh nghiệm của hoa tiêu, cũng rất cần sự ủng hộ của thời tiết.

“Từ lúc lên tàu làm nhiệm vụ tới khi hoàn thành công việc, hoa tiêu chỉ có khoảng 3 tiếng để vừa quen tàu, cảm nhận điều động của tàu và làm việc với thuyền trưởng”, anh Tùng nói.

Ba tiếng là thời điểm áp lực vì phải tập trung tối đa để tránh tai nạn. Theo hoa tiêu ngoại hạng Nguyễn Minh Châu, trên biển còn hay xuất hiện những cơn dông bất chợt, gây nguy hiểm không thể lường trước.

Đã dẫn nhiều con tàu trong suốt sự nghiệp hàng chục năm làm nghề, anh Châu vẫn không quên sự cố cơn dông từng khiến anh vô cùng hoang mang.

Lần đó, anh nhận nhiệm vụ dẫn một con tàu có chiều dài hơn 200m trong khu vực vịnh Hạ Long. Đúng thời điểm tàu đang luồn lách qua khe núi, một cơn dông bất chợt nổi lên. Xung quanh đen ngòm, radar và mọi thiết bị điện tử của tàu đều sập.

“Tôi phải vận dụng mọi kỹ năng, lôi mọi kiến thức trong đầu về tuyến luồng, những điểm có đá ngầm, dải cạn, nhớ hướng đi để đưa con tàu nhanh chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm”, anh Châu chia sẻ và cho biết, dông trên biển rất hay nổi lên bất ngờ và kéo dài khoảng 15 - 30 phút.

Hoa tiêu luôn phải có nhiều phương án khi xây dựng kế hoạch dẫn tàu để xử lý những tình huống đột ngột. Một số tình huống sẽ phải cho tàu thả neo để đảm bảo an toàn.

Công việc căng thẳng, giờ giấc ngày đêm thất thường nên những người trong nghề tóc thường bạc sớm.

“Đêm hôm có tàu cũng đi trực, đi làm, đồng hồ sinh học đảo lộn ảnh hưởng tới sức khỏe. Hơn 1/3 hoa tiêu của chúng tôi đều bạc tóc hoặc hói”, anh Châu cười.

“Dẫn một con tàu khoảng 3 tiếng, nhưng hoa tiêu phải dùng rất nhiều nơron thần kinh”, đó là nhận định của hoa tiêu ngoại hạng Lê Ngọc Dương (Công ty CP Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu). Anh từng gặp không ít ca khó khiến anh căng thẳng.

Anh kể từng dẫn một chuyến tàu vào một cảng biển miền Tây. Chuyến tàu ngốn của anh nhiều thời gian và chất xám, mất cả ngày mới đưa tàu cập cảng được.

Đó là một con tàu có chiều cao 27,5m. Trên hành trình dẫn tàu vào cảng qua khúc sông, một đường dây điện chắn ngang với tĩnh không chỉ 25m.

Anh Dương đành phải cho tàu neo lại, đề nghị thuyền trưởng cắt bớt chiếc cột trên mái tàu, để độ cao tàu chỉ còn 26,5m.

Tới khi thủy triều rút xuống, tàu mới nhổ neo để đi tiếp. Nhưng lúc này, thủy triều thấp lại gây khó vì xuất hiện những dải cạn. Hoa tiêu lại tính toán, chờ khi thủy triều dâng mới tiếp tục hành trình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.