Thị trường

Cơ hội vàng từ thị trường carbon Việt Nam

07/06/2024, 14:36

Theo ông Phạm Đăng An, Giám đốc VP carbon, Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group, tiềm năng thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam có thể khai thác từ nhiều lĩnh vực như lâm nghiệp, nông nghiệp, nước sạch, giao thông xanh năng lượng…

Việt Nam: thị trường carbon gồm cả tự nguyện và bắt buộc

"Thị trường carbon" hay "tín chỉ carbon" là thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, ông có thể giải thích rõ hơn?

Thị trường carbon (Carbon Emission Reduction - CER) đang dần trở thành xu hướng mới trong bối cảnh toàn cầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Tín chỉ carbon (Carbon Credit) là tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho quyền phát thải ra một tấn carbon dioxide (CO2) hay khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với một tấn CO2. Các bên tham gia có thể mua tín chỉ này để bù đắp cho lượng khí thải nhà kính của họ, hoặc ngược lại, bán tín chỉ nếu họ đã cắt giảm vượt mức quy định.

Cơ hội vàng từ thị trường carbon Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Phạm Đăng An, Giám đốc VP Carbon, Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group.

Thị trường tín chỉ carbon hiện được phân thành hai dạng chính: thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện.

Thị trường carbon bắt buộc thực hiện giao dịch dựa trên cam kết của các quốc gia theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhằm kiểm soát lượng khí thải hoặc đạt được các mục tiêu giảm khí thải nhà kính.

Trong khi đó, thị trường carbon tự nguyện được điều chỉnh dựa trên sự thỏa thuận hợp tác đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia để đáp ứng những chính sách môi trường, xã hội và quản trị (ESG) với mục đích làm giảm lượng khí thải.

Việt Nam đang xây dựng theo mô hình thị trường carbon bắt buộc hay thị trường carbon tự nguyện, thưa ông?

Hiện tại, Việt Nam đang hướng tới xây dựng hài hòa cả 2 mô hình thị trường tín chỉ, bao gồm cả thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện.

Theo thị trường bắt buộc, các cơ quan ban ngành sẽ quy định mức hạn ngạch phát thải cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ tuân thủ mức hạn ngạch này theo 2 hướng: giảm thiểu phát thải và mua thêm hạn ngạch từ các công ty có mức phát thải dưới mức cho phép.

Trong trường hợp đã triển khai các giải pháp giảm phát thải cũng như trao đổi mà vẫn chưa đáp ứng được mức hạn ngạch cho phép thì sẽ thực hiện việc giao dịch tín chỉ carbon tại thị trường tự nguyện.

Có thể thu 300 triệu USD mỗi năm từ riêng ngành nông nghiệp

Hiện thị trường carbon đang được nhiều nước kỳ vọng mang lại nguồn tài chính xanh. Còn tại Việt Nam, tiềm năng của thị trường này thế nào, thưa ông?

Thị trường carbon toàn cầu đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc trên cả hai loại hình là bắt buộc và tự nguyện. Riêng giá trị thị trường bắt buộc đã đạt trên 850 tỷ USD, trong khi thị trường tự nguyện thu về khoảng 2 tỷ USD. Điều này cho thấy, các quốc gia và doanh nghiệp ngày càng nỗ lực bám sát các mục tiêu về khí hậu. 

Đến nay, đã có khoảng 150 quốc gia đã cam kết đạt Net Zero vào giữa thế kỷ 21. Cùng với đó ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia tiên phong, đặt ra mục tiêu và lộ trình để đạt mức phát thải ròng bằng 0. Theo đà tăng trưởng ấn tượng, đến năm 2030, thị trường tín dụng carbon tự nguyện dự kiến đạt trị giá hơn 50 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam được đánh giá là rất lớn, có thể khai thác từ nhiều lĩnh vực triển vọng như lâm nghiệp, nông nghiệp, nước sạch, giao thông xanh hoặc hiệu quả năng lượng…

Hiện Việt Nam đã thu được kết quả giảm phát thải vượt quá khối lượng đã ký hợp đồng với Quỹ Đối tác Carbon trong Lâm nghiệp (Quỹ FCPF) và có thể bán khối lượng giảm phát thải vượt trội này cho bên thứ ba thông qua các hiệp định song phương hoặc thị trường carbon. Việt Nam cũng có thể sử dụng các kết quả giảm phát thải vượt trội này cho đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) hoặc giữ lại cho các mục tiêu về khí hậu.

Chỉ riêng ngành nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Và nếu thành công trong việc thực hiện việc giao dịch thì ta có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.

Ngoài ra, tùy vào khả năng của từng địa phương, các tỉnh, thành phố đều có thể tham gia và hưởng lợi từ thị trường này song song với nỗ lực phát triển kinh tế xanh. Điển hình, TP.HCM đang hướng tới giảm phát thải carbon từ năng lượng tái tạo và giao thông xanh với mục tiêu cắt giảm hơn 60 triệu tấn CO2 lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn.

Cơ hội vàng từ thị trường carbon Việt Nam- Ảnh 2.

Hiện Việt Nam bán 5 USD/tấn carbon rừng. Ảnh: Hồng Hạnh.

Cần đề cao tính minh bạch, nhất quán và đáng tin cậy của khung pháp lý 

Vậy, các chính sách hiện nay của Việt Nam cho thị trường này ra sao?

Chính phủ Việt Nam đã và đang có những hành động quyết liệt để tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thị trường carbon trong nước. Điều này thể hiện qua những cam kết của quốc gia tại các diễn đàn quốc tế như tại COP26 hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hay với việc tăng mức đóng góp giảm phát thải khí nhà kính (NDC) cập nhật năm 2022 theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Trên con đường hiện thực hóa những cam kết trên, Việt Nam đã ban hành hàng loạt nghị quyết, chiến lược quốc gia tập trung vào các mục tiêu giảm phát thải và tăng trưởng xanh. Đặc biệt, Nghị định 06 năm 2022 đã đề ra lộ trình cụ thể để hình thành nên thị trường carbon trong nước với các mốc quan trọng như: từ năm 2025, thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch; đến hết năm 2027, xây dựng khung khổ pháp lý liên quan; năm 2028, chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia.

Theo ông, những vấn đề và rào cản chính nào mà Việt Nam đang phải đối mặt khi xây dựng thị trường carbon là gì?

Hiện tại, thách thức nằm ở phần xác định được phương pháp luận phù hợp, nhằm kiểm kê cho từng loại hoạt động phát thải tương ứng, được chấp nhận bởi các tổ chức quốc tế. Và cách thức kiểm kê lượng khí thải giảm đi từ các giải pháp, sáng kiến có đảm bảo được sự minh bạch và chính xác hay không. Đồng thời, khi các thuật ngữ chuyên môn là chuyển ngữ, dẫn đến sự khác biệt trong cách hiểu của từng bên.

Ngoài ra, nguồn nhân lực có đủ kiến thức chuyên môn, hỗ trợ xây dựng được hài hòa phát triển 2 loại thị trường tự nguyện và bắt buộc cũng là điều cần được cân nhắc. Bởi từng loại thị trường sẽ có những đặc điểm khác biệt.

Ông có khuyến nghị gì trong việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon để có thể mang lại hiệu quả cao khi thị trường này đi vào vận hành?

Để xây dựng thị trường tín chỉ carbon hiệu quả khi thị trường này đi vào vận hành, tôi cho rằng cần đề cao tính minh bạch, có nhất quán và đáng tin cậy của khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch. Việc ban hành quy định cụ thể cho việc giao dịch tín chỉ carbon là yếu tố thiết yếu để thu hút các nhà đầu tư và thị trường hoạt động một cách hiệu quả.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế MRV (Đo lường, Báo cáo, Thẩm định) chặt chẽ, minh bạch, hài hòa với thông lệ quốc tế để đảm bảo chất lượng và sự tin cậy của tín chỉ carbon Việt Nam trên thị trường.

Kiến thức về tín chỉ carbon là một yếu tố quan trọng nhằm triển khai thị trường tín chỉ carbon một cách hiệu quả. Vì vậy, công chúng, nhà đầu tư và các doanh nghiệp cần hiểu rõ về mục tiêu, công nghệ liên quan và lợi ích của việc giao dịch tín chỉ carbon, thực hiện song song với các hoạt động chuyển dịch xanh, giảm phát thải như sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, triển khai điện mặt trời mái nhà…

Cuối cùng, cần đào tạo và phát triển nhân lực chuyên môn nhằm đáp ứng đủ nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng cần thiết để quản lý và vận hành thị trường.

Còn về phía Chính phủ, cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, nhận tài trợ và hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Sự kết nối với thị trường tín chỉ carbon trên thế giới là yếu tố quan trọng góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút nhà đầu tư và tạo cầu nối cho thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam.

Cảm ơn ông!

                                                                                         Mỹ Linh - Thanh Phương

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.