Chuyện dọc đường

Có nên cho cán bộ làm việc ở nhà?

20/10/2023, 06:45

Cơ quan công quyền là cơ quan trực tiếp giao tiếp với dân, trực tiếp phục vụ, giải quyết công việc của người dân. Nếu công chức mà ngồi ở nhà thì người dân đến biết làm việc với ai?

Vừa qua, UBND TP.HCM đã giao Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì nghiên cứu dự thảo đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030.

Một trong những nội dung được quan tâm là việc TP nghiên cứu thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số vị trí không tiếp xúc với công dân có thể đăng ký làm việc tại nhà với tỉ lệ phù hợp.

Có nên cho cán bộ làm việc ở nhà?  - Ảnh 1.

TP.HCM cần nghiên cứu kỹ trước khi thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức ở một số vị trí không tiếp xúc với công dân làm việc tại nhà (ảnh minh họa).

Ngay khi đón nhận thông tin này, dư luận đã bàn luận sôi nổi, chia ra làm 2 luồng ý kiến.

Luồng ý kiến thứ nhất đồng tình khi cho rằng đề xuất này là hợp lý, hạn chế cơ chế quản lý theo kiểu hành chính "sáng đi, chiều về" mà đôi khi không hiệu quả, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số.

Chẳng hạn những vị trí như kế toán, cán bộ giảm nghèo, dân số… nếu có làm việc tại nhà cũng không ảnh hưởng gì. Còn nếu đến cơ quan mà chỉ gặp nhau tán gẫu, làm việc không tập trung, đến giờ rồi về cũng chẳng mang lại hiệu quả gì.

Thậm chí, có người còn đề nghị áp dụng sớm, vì quan trọng là hiệu quả làm việc và kết quả công việc chứ không phải hình thức làm việc. Công việc nào làm được từ xa nên khuyến khích, vừa hạn chế nạn kẹt xe, tiết kiệm chi phí cho cả cơ quan đơn vị.

Luồng ý kiến thứ hai thì cho rằng, người công tác ở cơ quan hành chính là người tham gia vận hành bộ máy. Ngay cả khi đến cơ quan làm việc từ 7h30, chiều về lúc 17h còn không mang lại hiệu quả, thì làm việc ở nhà chắc chắn càng vô tác dụng.

Họ có thể dậy lúc 9h sáng, đi café, nghỉ một chút rồi nấu ăn trưa, làm việc riêng tùy ý, cuối tháng vẫn lĩnh lương đều. Lúc đó ai sẽ quản lý, giám sát và nếu giám sát thì sẽ giám sát kiểu gì?

Một số ý kiến cho rằng không thể viện dẫn "nước ngoài làm thế, ta cũng có thể làm", song họ có thể đã nhầm lẫn với việc đó là quy định của các doanh nghiệp chứ không phải cơ quan Nhà nước. Với những doanh nghiệp lớn, nhân viên có thể ngồi bất cứ đâu làm việc, song nếu không hoàn thành KPI, họ sẽ bị trừ lương, sa thải.

Tất nhiên, cái gì mới cũng sẽ khó. Hiện nay, đề xuất nói trên mới chỉ đang được nghiên cứu, chưa có quyết định chính thức. Nếu thấy một số vị trí có thể làm việc ở nhà mà không ảnh hưởng đến công việc chung thì vẫn có thể áp dụng. Tuy nhiên, khi đó phải đi kèm rất nhiều tiêu chí, quan trọng nhất là cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ.

Chẳng hạn, cần phải có bảng mô tả công việc thật rõ ràng, chi tiết, nêu rõ nội dung công việc, thời lượng phải hoàn thành, trách nhiệm cụ thể, báo cáo ra sao, ai quản lý… Nếu không, ngân sách sẽ không chỉ phải trả lương cho những người "cắp ô", mà còn phải gánh thêm những người không làm gì.

Ở đây cũng cần nói, cơ quan công quyền chính là cơ quan trực tiếp giao tiếp với dân, trực tiếp phục vụ, giải quyết công việc của người dân. Nếu công chức mà ngồi ở nhà thì người dân đến biết làm việc với ai?

Bản chất của các cơ quan hành chính Nhà nước cũng như công chức là phục vụ người dân. Họ được người dân "thuê" và cũng chính người dân đóng thuế để trả lương cho đội ngũ này.

Với bản chất đó, những người làm công việc tại các cơ quan hành chính Nhà nước phải đảm bảo sự thường trực để giải quyết công việc của người dân khi họ có nhu cầu.

Việc áp dụng mô hình của doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính Nhà nước là khó khả thi, bởi cơ chế hoạt động cũng như giám sát hiệu quả, chất lượng công việc là hoàn toàn khác nhau.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.