Vận tải

Cơ trưởng kỳ cựu lý giải vụ máy bay Myanmar hạ cánh bằng mũi

13/05/2019, 12:00

Theo cơ trưởng Phan Xuân Đức, tất cả phi công đều được học tình huống hạ cánh bằng mũi máy bay trong quá trình huấn luyện ở buồng lái giả định.

img
Lực lượng cứu hỏa Myanmar sơ tán hành khách sau khi máy bay hạ cánh an toàn

Liên quan đến sự cố máy bay của hãng hàng không Myanmar phải hạ cánh khẩn cấp, tiếp đất trực tiếp bằng phần mũi do không thể hạ càng trước của máy bay hôm qua (12/5), cơ trưởng Phan Xuân Đức - người có hơn 30 năm kinh nghiệm lái máy bay cho biết: "Thông thường, ngay khi đáp là tàu phải đặt bánh mũi xuống ngay. Trường hợp này, do tư thế đáp tốt nên phi công giữ lâu tối đa có thể mới hạ mũi xuống. Do đó, tàu bay chỉ mài một lúc xuống đường băng là dừng lại".

“Những trường hợp như thế này phi công đều đã được học thường xuyên trong quá trình huấn luyện ở buồng lái giả định (Simulator - SIM)”, ông Đức chia sẻ.

Cũng theo ông Đức, trường hợp phi công phải hạ cánh bằng mũi ở Myanmar do hỏng càng trước, tuy nhiên, có trường hợp hỏng càng sau (bên phải hoặc bên trái), phi công sẽ phải nghiêng máy bay một bên và hạ từ từ bên kia khi tốc độ máy bay đã chậm lại.

“Cần lái của máy bay nếu để thăng bằng, 2 cánh máy bay sẽ ngang nhau. Trường hợp càng bên phải hỏng, phi công sẽ đánh hết cần lái sang trái hoặc ngược lại để nghiêng máy bay về phía càng không bị hỏng”, cơ trưởng Đức giải thích thêm.

Nói thêm về vụ hạ cánh bằng mũi tại Myanmar, cơ trưởng Phan Xuân Đức nhận định, phi công đã xử lý tình huống thực tế rất tốt. Trên thế giới, những trường hợp phải hạ cánh bằng mũi như thế này không nhiều.

Trước đó, Báo Giao thông thông tin ngày 12/5, máy bay Embraer ERJ-190 của hãng hàng không quốc gia Myanmar đã hạ cánh an toàn tại sân bay Mandalay sau gặp sự cố ở càng trước, máy bay phải hạ cánh trực tiếp bằng phần mũi. Phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay đều an toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.