Chất lượng sống

Cơm 2.000 đồng đủ thịt cá giữa lòng Hà Nội

17/07/2018, 13:25

Mỗi trưa thứ bảy gần đây, ai đi qua số 381 đường Giải Phóng đều chú ý tới một quán cơm 2.000 đồng.

14

Bà Nguyễn Thị Lan (bên trái) - bệnh nhân đang điều trị ung thư tại bệnh viện Bạch Maivới bữa 2.000 đồng của mình

Cơm 2.000 đồng đầy ắp tôm, thịt…

Có mặt tại tiệm cơm 2.000 đồng lúc hơn 11h trưa thứ bảy (ngày 14/7), ba người phụ nữ vẫn còn mặc trên người bộ quần áo bệnh nhân, trên đầu quấn thêm chiếc khăn dường như để che đi mái tóc đã rụng gần hết. Bước gần đến cửa quán ăn, các cô có chút do dự và định quay đầu trở về. Thấy vậy, hai bạn trẻ trong quán vội chạy ra, nhẹ nhàng trao những tấm thẻ số để lấy cơm.

Trò chuyện mới biết, đây là lần đầu tiên họ đến quán cơm từ thiện này. Cô Đỗ Thị Tới (Xuân Trường, Nam Định) đang điều trị bệnh ung thư phổi tại Bệnh viện Bạch Mai suốt 6 tháng nay chia sẻ: “Thấy mấy người điều trị cùng nói hôm nay có quán cơm từ thiện giá chỉ 2.000 đồng nên tôi rủ các chị em khác đến đây mua cơm. Lúc đầu tôi đứng ngoài kia định không vào vì ngại”.

Quán cơm 2.000 đồng bắt đầu mở và hoạt động từ ngày 30/6 tại 381 Giải Phóng (Hà Nội). Thời gian mở cửa 11h - 13h30 trưa thứ bảy hàng tuần. Tuy mới hoạt động được 3 buổi nhưng số lượng suất cơm phục vụ cho bệnh nhân và người lao động nghèo ngày càng tăng. Theo ước tính của nhóm thiện nguyện An Phúc, số lượng suất cơm phục vụ khoảng 250 - 400 suất/buổi.

Ngồi cạnh cô Tới, bà Nguyễn Thị Lan (quê Hải Phòng) lần thứ 32 ra Hà Nội điều trị ung thư phổi nói vọng sang: “Hôm nay còn 7 người ở phòng nằm truyền không đi được nên tôi mua hộ. Tuy đi bộ quãng đường hơi xa nhưng đến đây được phục vụ nhiệt tình, ăn uống sạch sẽ là vui rồi. Ăn xong lại còn có quà mang về, nào là áo mới, dép mới, xì dầu… Nhìn suất cơm với giá chỉ 2.000 đồng đầy ắp tôm, thịt, cá, rau…", bà Lan không giấu nổi xúc động.

Bưng suất thức ăn trên tay, chị Nguyễn Thị Sinh (Ứng Hòa, Hà Nội) đang chăm sóc chồng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Những tình nguyện viên đã chủ động liên lạc với nhà lưu trú rồi lập danh sách, động viên mọi người đến lấy cơm. Thông thường tôi mua 30 nghìn đồng/suất nhưng còn lâu mới bằng suất cơm này, vừa ngon lại còn bổ, rẻ”.

Theo quan sát của PV, mỗi suất cơm ở đây tuy chỉ có giá 2.000 đồng nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng bao gồm: Các món mặn như thịt kho, thịt rang, gà kho, tôm rang… Rồi đến các món rau như: Rau cải, rau muống, su su… và không quên đồ tráng miệng, nước vối...

Xuất phát từ cái tâm

Qua tìm hiểu được biết, quán cơm từ thiện 2.000 đồng được các thành viên nhóm thiện nguyện An Phúc mở ra nhằm mục đích chia sẻ phần nào khó khăn cho những bệnh nhân, người lao động nghèo. Lau những giọt mồ hôi còn lăn trên trán, sau khi hoàn tất việc đóng gói các suất ăn từ thiện, anh Đỗ Ngọc Khánh, thành viên nhóm chia sẻ: “Hôm đầu tiên chúng tôi để tên là “Tiệm cơm cho người nghèo” thì “ế” không ai vào. Bởi họ tự ái, họ ngại việc phân biệt giàu nghèo. Ngay lập tức chúng tôi đã chuyển tên thành “tiệm cơm 2.000 đồng”.

Trước cửa tiệm có đặt một hòm tùy tâm, ai đến có thể để tiền vào đó hoặc miễn phí, không có sự kiểm soát nào. “Chúng tôi làm việc này xuất phát từ cái tâm. Trong câu lạc bộ có những thành viên có điều kiện kinh tế tốt, nhưng cũng có nhiều người chỉ là lao động bình thường, sinh viên các trường đại học. Không có tiền thì ủng hộ công sức…”, anh Khánh chia sẻ.

Chia sẻ lý do mở tiệm cơm, anh Chu Việt Hà, Trưởng nhóm thiện nguyện An Phúc cho biết: “Trước kia, chúng tôi hay thực hiện các chương trình hỗ trợ học sinh và người dân vùng cao phía Bắc. Việc thực hiện các dự án hoạt động hàng tuần ở Hà Nội, trước là giúp đỡ những người lao động, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; sau cũng để cho những bạn có thiện tâm không có điều kiện tham gia những buổi đi xa được trực tiếp tham gia các hoạt động thiện nguyện ở Hà Nội”.

Đa phần khách đến với tiệm cơm này là những người lao động và bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Tất cả đều không có sự phân biệt, ai cũng được chào đón nhiệt tình, phục vụ như “thượng đế”. Mỗi người tới ăn còn có thể lấy tối đa 2 suất cơm mang về cho những người đồng cảnh ngộ. “Trước mắt, quán cơm đang được duy trì tuần một lần. Nếu mọi việc ổn định, chúng tôi sẽ cố gắng làm 1 tuần 2 buổi vào thứ bảy và chủ nhật. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang liên hệ thêm những bạn bè có nhà ở các bệnh viện để cùng một công nấu có thể chuyển đi nhiều nơi, giúp đỡ nhiều người hơn”, anh Hà cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.