Xã hội

Con gái ông Nguyễn Văn Lập: “Được về Việt Nam, bố tôi đã thỏa tâm nguyện!”

05/08/2022, 13:32

Tình yêu của Kostas Nguyễn Văn Lập với Việt Nam đến những ngày cuối cùng vẫn luôn trọn vẹn. Di nguyện của ông cũng đã được thực hiện.

Ông Kostas Saratidis (Nguyễn Văn Lập) sinh ra bên bờ biển Địa Trung Hải nhưng ông đã đến và chiến đấu vì Việt Nam - đất nước cách Hy Lạp hơn 8.700km. Tình yêu của ông với Việt Nam đến những ngày cuối cùng vẫn luôn trọn vẹn.

Bà Nguyễn Bạch Tuyết (Foteini Sarantidou), con gái người ngoại quốc duy nhất được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Báo Giao thông sau khi di nguyện của ông được thực hiện vào ngày 2/8 vừa qua.

img

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp ông Nguyễn Văn Lập. Ảnh: idcommunism.com

Lưu trọn tình yêu vào chiếc khăn

Sau hơn một năm kể từ khi ông Nguyễn Văn Lập qua đời, gia đình đã thực hiện được di nguyện của cha là đưa ông về cùng đồng đội, chắc hẳn bà lúc này rất xúc động?

Tôi và gia đình hạnh phúc lắm. Bao mệt mỏi tan biến hết.

Lần này có 3 anh em tôi và chồng tôi tiễn bố về Việt Nam. Mẹ tôi không đi được vì bà năm nay đã 91 tuổi và còn mắc bệnh tiểu đường.

Anh hùng Kostas Saratidis Nguyễn Văn Lập đã có quãng đời trẻ trung sôi nổi, cống hiến hết mình cho cách mạng Việt Nam, ngay cả sau này khi trở về Hy Lạp sinh sống, trái tim ông luôn hướng về nước Việt.
Người chiến sỹ Nguyễn Văn Lập nhiều lần chia sẻ yêu Việt Nam như quê hương, Tổ quốc của mình. Ông là tấm gương sáng về lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì công lý, hòa bình, độc lập, tự do. Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hy Lạp sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ dựa trên nền móng vững chắc mà bác Lập là người đi đầu kiến tạo.

Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp Lê Hồng Trường


Tôi không biết nói gì hơn là thay mặt gia đình cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ và người dân Việt Nam vì luôn mở rộng vòng tay ấm áp với gia đình tôi.

Khi Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến thăm Hy Lạp và tới thăm nhà bố mẹ tôi vào tháng 10/2021, gia đình tôi đã chia sẻ về di nguyện của ông và đã được tạo điều kiện để thực hiện. Sau thời gian hoàn thiện các thủ tục, chuẩn bị tang lễ, lễ truy điệu thì tâm nguyện của bố tôi đã hoàn thành.

Chắc hẳn lúc sinh thời, bố của bà nhắc rất nhiều về lý do vì sao ông lại yêu Việt Nam và hết mình vì đất nước đến vậy?

Trong phòng bố tôi luôn có một tấm vải xanh thêu bằng chỉ vàng: “Cơ thể tôi về Hy Lạp, linh hồn tôi ở lại Việt Nam”. Ông đã tự làm chiếc khăn đó khi về Việt Nam cách đây ít lâu, bằng cả tiếng Việt và tiếng Hy Lạp để lưu trọn tình yêu Việt Nam trong chiếc khăn, treo trong phòng ngủ.

Bố tôi là người rất yêu sự đoàn kết, luôn muốn giúp đỡ những người yếu thế, không chịu được cảnh áp bức bóc lột vì bản thân ông đã bị bắt đi lính từ năm 16 tuổi, sang Đức phục vụ cho chế độ phát xít. Ông lưu lạc nhiều năm, bị đưa vào trại tập trung ở Ý rồi theo quân lê dương Pháp tới Đông Dương theo “sứ mệnh” mà họ vẽ nên.

Nhưng khi tận mắt chứng kiến những hành động tàn phá, giết chóc của quân xâm lược đối với những người dân Việt Nam vô tội, cha tôi đã vô cùng dằn vặt và quyết định lựa chọn con đường chính nghĩa: gia nhập Việt Minh. Trong quá trình chiến đấu, tình yêu Việt Nam cứ vậy lớn lên.

Trong nhà bố mẹ tôi ở Hy Lạp có rất nhiều kỷ vật và lưu niệm về Việt Nam. Ông dành bức tường nơi trang trọng nhất để treo bức hình về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những huân huy chương được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trao tặng.

Trên ban công nhà, quốc kỳ Việt Nam luôn được treo và tung bay trước gió.

Tôi có lần trêu bố là tình yêu của bố với Việt Nam có lẽ lớn hơn cả với vợ con! Khi già yếu bố tôi luôn dặn, nếu ông qua đời thì nơi ông muốn an nghỉ không phải là Hy Lạp, nơi vợ con ông đang sinh sống mà là Việt Nam.

Bên cạnh tâm nguyện đưa tro cốt của ông về chôn cùng đồng đội, ông Nguyễn Văn Lập có còn mong muốn nào khác không, thưa bà?

Đảng, Nhà nước Việt Nam đã dành cho bố tôi những huân chương, danh hiệu cao quý như : Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Hữu nghị… đồng thời quan tâm đến gia đình tôi rất nhiều.

Bố tôi được đưa về nằm cạnh đồng đội là thỏa tâm nguyện rồi, không còn mong muốn gì hơn!

Lái xe, sửa xe đạp kiếm tiền nuôi con

img

Ngày 3/6/2012, trong chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu lần thứ 22 tổ chức tại Thủ đô Athens (Hy Lạp), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến thăm gia đình ông Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập (Trong ảnh: Bà Nguyễn Bạch Tuyết - con gái ông Lập đứng ngoài cùng bên trái). Ảnh: TTXVN

Được biết bà sinh ra trong gia đình có mẹ là người gốc Hà Nội và lớn lên ở Việt Nam đến năm 1965 mới trở về Hy Lạp. Những kỷ niệm về thời đó trong bà thế nào?

Tôi sinh năm 1961, ở một vùng quê tại Cao Bằng. Các anh em tôi, anh cả là Nguyễn Văn Thành, tôi là Nguyễn Bạch Tuyết và em thứ ba là Nguyễn Bạch Nga đều sinh ra ở Việt Nam, còn em út Nguyễn Tự Do sinh ra ở Hy Lạp. Tất cả anh em và 2 con của tôi là Nguyễn Phục Sinh, Nguyễn Hồ Minh đều được bố đặt thêm tên theo tiếng Việt. Con thứ 2 của tôi được đặt Hồ Minh vì cháu sinh ngày 19/5, đúng dịp sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi cả gia đình về Hy Lạp, tôi mới 4 tuổi, còn rất nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ những ngày tháng cùng anh trai mang xoong đi bắt cua cho mẹ nấu canh. Rồi hai anh em chạy ra đồng cùng các bạn đi cưỡi trâu, trèo lên núi thóc trượt xuống.

Tôi còn nhớ cảnh mẹ tôi mang quần áo ra sông giặt với bà con hàng xóm, cười đùa cùng nhau. Vui và hạnh phúc lắm! Tôi không bao giờ quên được!

Sau thời gian dài cả gia đình ở Việt Nam, ngày trở về Hy Lạp cuộc sống của gia đình bà có gặp khó khăn gì không?

Thời gian đầu, chúng tôi vất vả lắm! Bố tôi xuất thân vốn nghèo khó, sang Việt Nam chiến đấu một thời gian dài nên khi về Hy Lạp, lúc đó ông đã 38 tuổi, kiếm việc không đơn giản. Nhưng vì bà tôi ở Hy Lạp đã già yếu nên bố tôi muốn chuyển về để cả gia đình quây quần bên bà.

Để nuôi gia đình 6-7 người, bố tôi làm hai việc, nhiều khi đến tối muộn. Việc chính là lái xe cho một nhà máy, ngoài giờ thì bố tôi đi sửa xe đạp hoặc ai có việc gì cần thì thuê. Mẹ tôi ở nhà chăm sóc các con.

Thời gian ấy, nhà tôi rất nghèo. Có bữa chỉ có 1 chiếc xúc xích, mẹ chia làm nhiều phần, chia hết cho chồng con. Đến lượt mẹ, còn 1 miếng nhưng thấy tôi vẫn thèm mẹ lại nhường nốt cho tôi ăn. Thường thường, mẹ tôi chỉ ăn cơm với đường. Thế rồi cũng qua. Bố tôi cũng nỗ lực nuôi các anh em tôi được học hành đầy đủ.

Sau này, cứ có tiền tiết kiệm là bố tôi lại dành dụm để mua vé máy bay về Việt Nam thăm đồng đội.

“Uống nước phải nhớ tới nguồn”

img

Bà Nguyễn Bạch Tuyết (con gái ông Nguyễn Văn Lập) trao tro cốt của AHLLVTND Nguyễn Văn Lập tại sân bay và đưa về Nhà tang lễ Quân khu 5. Ảnh: PV

Dù không còn sinh sống ở Việt Nam nhưng mẹ là người Hà Nội còn cha yêu Việt Nam vô bờ bến, vậy tình yêu đất nước và truyền thống, phong tục tập quán Việt Nam được truyền thụ tới các con cháu trong gia đình bà thế nào?

Nhìn tôi rất giống người Việt Nam đúng không? (Bà nói và cười rạng rỡ!)

Mẹ tôi gốc Hà Nội, còn bố tôi cũng nói tiếng Việt tốt lắm nên luôn răn dạy chúng tôi về tinh thần của người Việt Nam, dạy chúng tôi nói tiếng quê hương thứ hai. Nhưng chúng tôi về Hy Lạp từ nhỏ nên chưa nói được tốt như bố.

Dù ở xa nhưng chúng tôi cũng thường hay tổ chức mừng các dịp lễ Tết cổ truyền của Việt Nam. Mỗi dịp như thế, gia đình tôi lại quây quần, bố mẹ tôi tự gói nem và làm bánh chưng, vui lắm!

Bố tôi sinh thời còn “nghiện” món rau muống xào tỏi nên khi về Hy Lạp ông tự tay trồng một vài luống, rau tốt là cắt vào xào ăn cho đỡ nhớ!

Mỗi dịp Quốc khánh (2/9), ông thường tới Đại sứ quán Việt Nam để tham gia sự kiện và đến thăm cộng đồng người Việt Nam tại Hy Lạp.

Bà đã từng cùng cha mẹ sinh sống ở Việt Nam khi đất nước còn chiến tranh, nay trở lại, bà cảm nhận đất nước đã thay đổi như thế nào?

Tôi đã có nhiều lần về Việt Nam và thực sự bất ngờ vì sự thay đổi của đất nước. Bản thân tôi cảm nhận đất nước Việt Nam còn phát triển hơn Hy Lạp, cơ sở vật chất ngày càng hiện đại.

Sáng hôm 2/8, khi hoàn tất công việc cho bố, chúng tôi ra sân bay Đà Nẵng để trở về Hà Nội và rất bất ngờ khi cơ sở hạ tầng sân bay rất khang trang, những bạn trẻ của Việt Nam bây giờ cũng rất xinh đẹp và phong cách rất “mô-đen”.

Giờ đây di nguyện của cha bà đã được thực hiện, chắc hẳn thời gian tới, việc trở về Việt Nam của bà và gia đình sẽ thường xuyên hơn?

Chắc chắn rồi! Bố tôi luôn dạy “Uống nước phải nhớ tới nguồn” và Việt Nam cũng là một nửa dòng máu của chúng tôi, là quê hương thứ hai của chúng tôi.

Hơn nữa, giờ bố nằm ở đây nên chắc chắn chúng tôi sẽ thường xuyên quay về để thăm nom và thắp hương cho bố.

Chúng tôi hy vọng Việt Nam và Hy Lạp có thể cùng nhau hợp tác sâu sắc và mở rộng trên nhiều lĩnh vực hơn nữa, nhất là về du lịch.

Tôi cùng gia đình nếu có thể làm gì để góp sức cho sự phát triển mối quan hệ hai nước Việt Nam - Hy Lạp, chúng tôi luôn sẵn sàng.

Cảm ơn bà!

Cầu nối giữa Việt Nam - Hy Lạp

img

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis

Ông Kostas Saratidis sinh năm 1927 trong một gia đình công nhân ở miền Bắc Hy Lạp. Năm 1943, ông bị bắt đi lính phục vụ trong Đức quốc xã, sau đó 3 năm, bị đưa tới Việt Nam phục vụ trong quân đội lê dương Pháp.

Chứng kiến tội ác dã man của thực dân, ông Kostas Saratidis quyết định trốn khỏi trại lính Pháp tới vùng tự do ở tỉnh Bình Thuận và tham gia lực lượng Việt Minh. Từ đó, ông chính thức mang tên Kostas Nguyễn Văn Lập.

Ông được giao nhiều nhiệm vụ trong các đơn vị quân chính quy của Liên khu 5 trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp như công tác địch vận ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng; làm xạ thủ súng máy chiến đấu trên chiến trường; làm Tổng giám thị Trại tù hàng binh của Liên khu 5 tại Quảng Ngãi.

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc và tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Khi trở về Hy Lạp năm 1965, ông tiếp tục tham gia các hoạt động giúp đỡ Việt Nam; tham gia Đảng Cộng sản Hy Lạp và là cầu nối giữa hai Đảng, hai Chính phủ, các cơ quan đoàn thể Việt Nam và Hy Lạp.

Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác, tấm lòng yêu nước, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả của một chiến sỹ quốc tế, Anh hùng Nguyễn Văn Lập đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Hữu nghị.

Năm 2010, ông được Nhà nước chính thức công nhận quốc tịch Việt Nam, mang tên Nguyễn Văn Lập. Năm 2013, ông đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng Nguyễn Văn Lập đã từ trần tối 25/6/2021 (theo giờ Việt Nam), hưởng thọ 94 tuổi. Lễ tang của ông diễn ra tại thành phố Ritsona, Hy Lạp. Ngày 2/8/2022, tro cốt của ông được đưa về Việt Nam theo như di nguyện.

Lễ viếng, lễ truy điệu và an táng Anh hùng Nguyễn Văn Lập diễn ra tại Nghĩa trang Quân khu 5, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng vào ngày 2/8/2022.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.