An ninh hình sự

Công an chỉ những sơ hở khiến nhiều ngân hàng bị cướp đột nhập

08/12/2023, 05:57

Trong 62 vụ cướp ngân hàng xảy ra từ 2015 đến nay, công an thống kê có 20 vụ các đối tượng dùng súng tự chế, súng bắn đạn cao su, đạn chì khi gây án.

Ngày 8/12, Bộ Công an cho biết, từ năm 2015 đến nay, cả nước xảy ra 62 vụ cướp tại các chi nhánh ngân hàng. Trong đó, lực lượng chức năng đã điều tra khám phá 60/62 vụ án. 

Riêng trong năm 2023, toàn quốc ghi nhận 9 vụ cướp và 24 vụ cướp giật tại tiệm vàng; 17 vụ cướp và 6 vụ cướp giật tại cơ sở kinh doanh dịch vụ tiện ích. 

Gần đây, tội phạm này gia tăng về số vụ, tính chất ngày càng manh động, liều lĩnh gây bức xúc dư luận.

Kết quả điều tra cho thấy, trước khi gây án, các đối tượng nghiên cứu kỹ, lên kế hoạch, phân công vai trò, sử dụng vũ khí, hung khí (chủ yếu là súng) để uy hiếp nhân viên ngân hàng, bảo vệ hay chủ cơ sở kinh doanh để cướp.

Công an chỉ những sơ hở khiến nhiều ngân hàng bị cướp đột nhập - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cướp khiến một bảo vệ ngân hàng tử vong ở Đà Nẵng.

Trong 60 vụ cướp ngân hàng đã khám phá, công an thống kê 20 vụ các đối tượng dùng súng tự chế, súng bắn đạn cao su, đạn chì; 16 vụ các đối tượng dùng súng giả; 2 vụ dùng súng quân dụng; 10 vụ dùng bom, mìn giả và 12 vụ dùng dao, xăng đe dọa.

Chỉ ra nguyên nhân, Bộ Công an phân tích, đa số các đối tượng phạm tội thường nợ nần, quẫn bách về tài chính, thiếu tiền tiêu, mê cờ bạc. Muốn có số tiền lớn, họ nảy sinh ý định gây án. Trong số này, hầu hết đối tượng phạm tội lần đầu, một số khác có tiền án, tiền sự, ngáo đá.

Bên cạnh đó, một số đối tượng có tâm lý lệch chuẩn, suy nghĩ bột phát nên sẵn sàng cướp tài sản để thỏa mãn các nhu cầu tiêu xài cá nhân.

Về phía ngân hàng và các cơ sở kinh doanh, theo Bộ Công an, họ thường không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về công tác phòng ngừa tội phạm hoặc ít kinh nghiệm, kỹ năng nhận biết, xử lý tình huống.

Các ngân hàng, cơ sở này cũng chưa trang bị đầy đủ hoặc chưa đảm bảo hoạt động các thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ phòng chống tội phạm. Một số quầy giao dịch đặt gần đường giao thông, mất cảnh giác... Phương án xử lý tình huống cướp tài sản không có hoặc không diễn tập. Khi bị cướp, nhân viên và bảo vệ mất bình tĩnh, hoảng sợ, chưa làm tròn trách nhiệm.

"Thống kê cho thấy có 21 vụ nhân viên bảo vệ không hành động, chỉ 9 vụ bảo vệ có hành động bấm chuông báo động hoặc báo ngay công an", Bộ Công an cho hay.

Để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cướp, Bộ Công an đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phối hợp với công an nghiên cứu xây dựng phương án, giải pháp chiến lược tổng thể để phòng ngừa tội phạm.

Đặc biệt, các ngân hàng, cơ sở kinh doanh cần tập huấn kỹ năng chống cướp cho nhân viên và bảo vệ, đào tạo họ sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ, kỹ năng phát hiện, đánh giá tình huống xử lý khi xảy ra cướp.

Bộ Công an kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp ngăn chặn, gỡ bỏ các hội nhóm, nội dung tiêu cực kích thích hành vi tội phạm cướp ngân hàng, cướp tài sản trên không gian mạng.

Clip: Hai tên cướp ngân hàng gây án ở TP Đà Nẵng.

Một số vụ cướp ngân hàng gây xôn xao thời gian qua:

- Trưa 26/10, tại Phòng giao dịch Nhị Xuân, chi nhánh Sacombank Hóc Môn (TP.HCM) xảy ra vụ cướp do ba đối tượng gồm Nguyễn Ngọc Mỹ (30 tuổi, trú Bình Dương), Lâm Phúc Lợi (23 tuổi, quê Vĩnh Long), Nguyễn Thị Bích Tuyền (22 tuổi, trú Bến Tre) thực hiện. Các đối tượng mua hai súng tự chế, sau đó khống chế nhân viên, bảo vệ, khách hàng lấy tiền.

- Chiều 14/11, Nguyễn Tuấn Anh (28 tuổi, trú Nghệ An, là Phó giám đốc Chi nhánh nhà máy gỗ Phổ Hải), đến phòng giao dịch Agribank chi nhánh Cửa Lò, Nghệ An. Anh ta dùng dao khống chế nữ nhân viên yêu cầu đưa tiền. Khi mọi người tri hô, đối tượng tẩu thoát.

- Chiều 22/11, tại Phòng giao dịch Ngũ Hành Sơn, Ngân hàng BIDV ở TP Đà Nẵng, Nguyễn Mạnh Cường (SN 1998, trú Quảng Nam) và Trần Văn Trí (SN 2001, trú Đà Nẵng) dùng dao và súng đe dọa nhân viên ngân hàng. Bị bảo vệ Trần Minh Thành ngăn cản, đối tượng đã dùng dao đâm anh Thành tử vong.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.