ông Nguyễn Đức Viện phát biểu trong buổi lễ vận hành thiết bị TBM 390E - Ảnh: Nguyễn Hằng |
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về thiết bị này, Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Viện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Máy xây dựng Việt Nhật - đơn vị nhập và liên kết với nhà thầu Công ty CP Xây dựng 47 khai thác TBM 390E.
Xin ông cho biết lý do Công ty TNHH Máy xây dựng Việt Nhật nhập thiết bị đào hầm TBM 390E và cùng Công ty CP Xây dựng 47 khai thác tại Việt Nam?
Công ty TNHH Máy xây dựng Việt Nhật có 20 năm kinh nghiệm kinh doanh ngành nghề máy móc xây dựng, thiết bị công trình, là đối tác của nhiều công ty lớn sản xuất máy móc, thiết bị chuyên dùng lớn trên thế giới. Chúng tôi nhập thiết bị đào hầm TBM 390E và liên kết với Công ty CP Xây dựng 47 về khai thác tại Việt Nam bởi công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine) là công nghệ đào hầm tiên tiến nhất, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng thi công các công trình giao thông, thủy lợi lớn. Chúng tôi mong muốn thiết bị này sẽ dần thay thế công nghệ đào hầm bằng phương pháp khoan nổ truyền thống NATM (New Austrian Tunnel Method) - công nghệ đã sử dụng đào hầm tại nhiều công trình giao thông, thủy điện tại Việt Nam và bộc lộ nhiều nhược điểm. Ngoài ra, Công ty CP Xây dựng 47 là đơn vị có năng lực, kinh nghiệm và uy tín trong xây dựng thủy điện, thủy lợi cũng như các công trình kiến trúc, dân dụng, công nghiệp nên chúng tôi chọn là đối tác để cùng khai thác hiệu quả thiết bị này.
Những ưu điểm của thiết bị TBM 390E là gì, thưa ông?
Thiết bị TBM 390E có chiều dài 150m, trọng lượng 1.500 tấn, đường kính khoan lên đến 3,9m, được gắn 37 mũi khoan với hợp kim đặc biệt “Black diamond” chuyên khoan phá các vật liệu đá cứng. TBM 390E có tính năng đào và làm đường hầm bằng phương pháp khoan, nghiền đá, không gây nổ, vận chuyển vật liệu đá đào ra ngoài bằng băng chuyền, đồng thời lắp dựng bê tông đúc sẵn làm vỏ đường hầm, do vậy máy đi đến đâu đường hầm được hoàn thiện đến đó. Ngoài ra, TBM 390E được trang bị máy khoan thăm dò vượt trước để thăm dò điều kiện địa chất và kết hợp khoan phụt gia cố cải tạo điều kiện địa chất khi qua khu vực địa chất yếu, hệ thống neo đá, phun bê tông, lắp đặt lưới thép và khung chống, lắp đặt vỏ hầm bê tông đúc sẵn.
Hiệu quả của công nghệ TMB là thi công nhanh, chính xác, an toàn. Cụ thể như áp dụng thi công hầm bằng TBM tại Dự án mở rộng Thủy điện Đa Nhim có ưu điểm hơn phương án khoan nổ ở các điểm chính là: Tiến độ nhanh nên dự án vào vận hành sớm. Không sử dụng chất nổ nên thân thiện môi trường, không có ảnh hưởng đến hầm đang khai thác. An toàn cho người và thiết bị thi công. Giảm thiểu đền bù, giải phóng mặt bằng vì không có ngách và đường thi công vào ngách giữa. Hiệu quả kinh tế cao hơn do dự án sẽ được đưa vào vận hành sớm hơn.
Ông kỳ vọng thế nào về thiết bị đào hầm TBM 390E?
Như tôi đã nói, sử dụng công nghệ đào hầm TBM có hiệu quả rất lớn về kinh tế và môi trường. Tiềm năng xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi và các công trình liên quan đến đào hầm ở nước ta còn nhiều nên chúng tôi hy vọng thiết bị đào hầm TBM 390E sẽ được sử dụng thi công các công trình trọng điểm tại Việt Nam.
Cảm ơn ông!
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Lương Am, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng 47 cho biết, công ty là nhà thầu thi công gói thầu 12.01(DNE-D1), Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Trong đó, hạng mục đường hầm dẫn nước có đường kính 3,9m, dài 4.625m (là hạng mục xây dựng và kiến trúc chính của dự án) được thi công bằng công nghệ TBM. Đường hầm này được đào trong đá granit, cường độ khoảng 900-1.000kg/cm2, vì vậy, công nghệ TBM phù hợp về kỹ thuật và kinh tế. “Đây là công trình đầu tiên sử dụng được thiết bị đào hầm TBM 390E nên chúng tôi sẽ phát huy cao nhất những kinh nghiệm của mình để đảm bảo chất lượng, đúng hoặc vượt tiến độ chủ đầu tư đề ra. Thực hiện tốt dự án là lời quảng cáo tốt nhất cho thiết bị tiên tiến này, tạo tiền đề để công ty sẽ trúng thầu các công trình thủy lợi, giao thông khác ở Việt Nam”, ông Am chia sẻ. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận