Xã hội

Công trình "băm nát" vườn quốc gia Cát Bà: Không hợp tác sẽ cưỡng chế

07/10/2020, 10:41

Vườn quốc gia Cát Bà đã bị "băm nát" với hàng loạt công trình trái phép được xây dựng, nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

img
Một trong những công trình xây dựng không phép tại vườn quốc gia Cát Bà

Công trình trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại

Đầu tháng 10, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, các công trình xây dựng không phép của 9 doanh nghiệp, cá nhân vẫn ngang nhiên tồn tại, "băm nát" vườn quốc gia cát Bà. Nhiều công trình với sắt, thép, bê tông đang hoen gỉ gây mất mỹ quan, thiếu an toàn. Một số công trình thậm chí hiện vẫn còn đang lén lút xây dựng.

Từ năm 2018, Báo Giao thông đã có loạt bài viết phản ánh về việc vườn quốc gia Cát Bà - Khu dự trữ sinh quyển thế giới bị “băm nát” bởi Ban quản lý (BQL) vườn quốc gia Cát Bà đã ký hợp đồng liên kết với 9 doanh nghiệp, cá nhân, cho phép họ xây dựng hàng chục công trình quy mô tại các điểm đảo.

Sau đó, các cơ quan chức năng TP Hải Phòng, Cục Cảnh sát môi trường và Công an TP Hải Phòng đã vào cuộc, xác định các công trình này được xây dựng trái phép. Các cơ quan chức năng thành phố cũng đã vào cuộc, chỉ rõ sai phạm của hàng loạt lãnh đạo thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hải Phòng qua từng giai đoạn, đồng thời cách chức đối với Trưởng Ban quản lý vườn quốc gia Cát Bà. Cơ quan Công an cũng tiến hành điều tra, làm rõ sai phạm về vi phạm trong việc quản lý rừng theo Điểm a, Khoản 1, Điều 233 BLHS.

Tuy nhiên, suốt từ năm 2008 đến nay, các công trình xây dựng này vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Mặc dù, UBND TP Hải Phòng cũng ban hành rất nhiều văn bản liên quan yêu cầu Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các công trình này.

Không hợp tác tháo dỡ sẽ cưỡng chế

Tại buổi thị sát, kiểm tra các trường hợp xây dựng tại Vườn quốc gia Cát Bà trên huyện Cát Hải và chủ trì cuộc họp với các đơn vị doanh nghiệp liên kết với Vườn quốc gia Cát Bà vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã chỉ rõ, một số công trình xây dựng do các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với Vườn Quốc gia Cát Bà xây dựng từ nhiều năm qua thực tế không được cấp phép xây dựng, sai quy định.

"Các đảo và khu vực thuộc Vườn quốc gia Cát Bà chỉ để phục vụ khách tham quan, tắm biển, không được phép xây dựng các công trình phục vụ khách lưu trú", ông Tùng khẳng định.

img
Dây, cột nhằng nhịt tại đảo Cái Dứa để phục vụ cho khu nghỉ dưỡng

Ông Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh: "Việc tháo dỡ các công trình xây dựng liên quan đến hợp đồng liên doanh, liên kết giữa Vườn Quốc gia Cát Bà với các doanh nghiệp là thực hiện theo quy định của pháp luật. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quan điểm của thành phố kiên định tháo dỡ các công trình vi phạm nhằm đảm bảo đúng quy định, bảo vệ cảnh quan môi trường… Trường hợp các doanh nghiệp không hợp tác tháo dỡ, giao huyện Cát Hải thực hiện cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật".

img
Những công trình xây dựng chướng mắt tại đảo Khỉ

Về vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Nguyễn Thanh Điệp, Văn phòng Luật sư Khang Nhân, Đoàn Luật sư TP Hải Phòng cho rằng: Các doanh nghiệp xây dựng khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần phải nhấn mạnh rằng, Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới, có quy định rất rõ ràng và cụ thể trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật, thực vật, nhất là những loài quý hiếm. Chính vì vậy, việc chăm sóc bảo vệ thiên nhiên, tránh tác động của con người là cần thiết.

"Đối với doanh nghiệp xây dựng công trình không phép trong khu vực vườn quốc gia Cát Bà là vi phạm, cần xử lý nghiêm, tránh “nhờn luật”, luật sư Điệp nói.

img
Vườn quốc gia Cát Bà đang bị "băm nát"

Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận: Việc các doanh nghiệp xây dựng nhà không phép tại vườn quốc gia Cát Bà là một việc hệ trọng, cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng, của doanh nghiệp.

Vườn quốc gia là đối tượng cần được bảo tồn đặc biệt, nếu cứ để doanh nghiệp xây dựng du lịch sinh thái, xây dựng các công trình tại đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thiên nhiên, môi trường.

Hải Phòng cần nhanh chóng xử lý dứt điểm các công trình sai phạm này, trả lại nguyên trạng ban đầu cho vườn quốc gia Cát Bà, đồng thời xử lý nghiêm đối với những sai phạm tại đây – ông Hòa nói.

Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới ngày 2/12/2004. Đây là một trong số ít các khu rừng hội tụ đầy đủ cả rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong và đặc biệt là hệ thống hang động. Tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển Cát Bà rộng hơn 26.000 ha, với 2 vùng lõi (bảo tồn nghiêm ngặt và không có tác động của con người), 2 vùng đệm (cho phép phát triển kinh tế hạn chế song kết hợp với bảo tồn) và 2 vùng chuyển tiếp (phát triển kinh tế)”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.