Xã hội

Covid-19 ngày 27/12: Cả nước ghi nhận 14.872 ca nhiễm mới, 204 ca tử vong

Dịch Covid-19 ngày 27/12: Cả nước ghi nhận 14.872 ca nhiễm mới, riêng Hà Nội có 1.948 ca; Trong ngày có 204 ca tử vong.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Tính từ 16h ngày 26/12 đến 16h ngày 27/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.872 ca nhiễm mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 14.867 ca ghi nhận trong nước (giảm 315 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 10.418 ca trong cộng đồng).

img

Trong ngày 26/12 có 725.301 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (1.948), Tây Ninh (943), Hải Phòng (931), Vĩnh Long (892), Khánh Hòa (791), Cần Thơ (711), Đồng Tháp (701), Bạc Liêu (595), TP. Hồ Chí Minh (560), Trà Vinh (544), Bình Định (501), Cà Mau (433), Thừa Thiên Huế (381), Bắc Ninh (326), Bến Tre (281), Lâm Đồng (263), Thanh Hóa (249), Hưng Yên (234), Sóc Trăng (223), Đồng Nai (216), An Giang (213), Kiên Giang (204), Quảng Ngãi (201), Bà Rịa - Vũng Tàu (162), Bình Thuận (140), Gia Lai (136), Đắk Lắk (134), Tiền Giang (134), Sơn La (126), Hà Giang (122), Phú Yên (112), Quảng Ninh (103), Đắk Nông (98), Hà Nam (98), Quảng Nam (96), Nghệ An (93), Đà Nẵng (86), Vĩnh Phúc (85), Nam Định (78), Bình Dương (77), Hậu Giang (63), Thái Nguyên (59), Ninh Thuận (56), Quảng Trị (53), Phú Thọ (50), Hòa Bình (45), Long An (45), Thái Bình (42), Bắc Giang (40), Bình Phước (30), Tuyên Quang (28), Kon Tum (24), Cao Bằng (22), Yên Bái (21), Lào Cai (19), Hà Tĩnh (18), Quảng Bình (14), Điện Biên (9), Lai Châu (8 ).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Định (-299), Bình Dương (-153), Bến Tre (-149).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (+664), Phú Yên (+110), Sơn La (+107).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.851 ca/ngày.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam: Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.666.545 ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.900 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): + Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.660.900 ca, trong đó có 1.256.797 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (500.617), Bình Dương (290.240), Đồng Nai (97.043), Tây Ninh (71.537), Đồng Tháp (41.816).

Số bệnh nhân khỏi bệnh: - Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 11.374 ca - Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.259.614 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.636 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 5.378 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.178 ca; Thở máy không xâm lấn: 156 ca; Thở máy xâm lấn: 905 ca; ECMO: 19 ca.

Số bệnh nhân tử vong: Từ 17h30 ngày 26/12 đến 17h30 ngày 27/12 ghi nhận 204 ca tử vong tại: Tại TP. Hồ Chí Minh (30) trong đó có 6 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Đồng Nai (2), Tiền Giang (2), Long An (1), Đồng Tháp (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (22), Đồng Nai (17), Bình Dương (15), Tây Ninh (14), Sóc Trăng (13), Tiền Giang (13), Vĩnh Long (12), Kiên Giang (12), Bà Rịa - Vũng tàu (11), Cần Thơ (11), Bến Tre (8 ), Cà Mau (7), Bạc Liêu (6), Khánh Hoà (3), Bình Thuận (3), Trà Vinh (3), Quảng Nam (1), Bình Định (1), Nghệ An (1), Đắk Lắk (1). - Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 232 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 31.418 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 27/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 29.897.856 mẫu cho 73.996.693 lượt người. Trong ngày 26/12 có 725.301 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm.

Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 146.335.052 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.138.616 liều, tiêm mũi 2 là 66.402.056 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 2.794.380 liều.

Siết kiểm soát biến chủng Omicron qua đường hàng không

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình khẩn trương triển khai và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

img

Cục Hàng không Việt Nam siết việc kiểm soát biến chủng Omicron qua đường hàng không.

Các đơn vị cần nghiên cứu, tăng cường triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, thực chất vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cùng gia đình nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị, gia đình và toàn xã hội trước nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng trong điều kiện thời tiết cuối năm và biến chủng Omicron.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm soát an ninh, an toàn tại các cảng hàng không, có kế hoạch bố trí nguồn nhân lực phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022 cũng như nâng cao ý thức tự giác chấp hành các biện pháp y tế phòng, chống dịch bệnh của nhân viên hàng không và các đơn vị kinh doanh dịch vụ hàng không.

img

Bệnh viện FV khẳng định chưa có sinh phẩm (bộ kit) xét nghiệm tìm biến thể Omicron.

Thông tin ca mắc ở TP.HCM mang biến thể Omicron là giả

Trước thông tin về một trường hợp có giấy xác nhận tái dương tính với SARS-CoV-2 và nhiễm biến thể Omicron được thực hiện tại Bệnh viện FV, ngày 27/12, Bệnh viện FV khẳng định đây là thông tin giả và sẽ khởi kiện người nào đã lan truyền thông tin và tài liệu giả mạo này.

Sáng 27/12, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một bản chụp “Giấy xác nhận dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật PCR” với nội dung thông tin bệnh nhân tên “Lê Hoàng Duy Khang”, thực hiện xét nghiệm ở Bệnh viện FV và cho kết quả: “Tái dương tính với biến thể SARS-COV2-OMICRON tại Khoa xét nghiệm bệnh viện FV”. Trên giấy này có sử dụng tên và con dấu của Bệnh viện FV.

Bệnh viện FV khẳng định đây là thông tin giả và sẽ khởi kiện những trường hợp cố tình tung thông tin này.Trong sáng 27/12, Bệnh viện FV đã báo cáo nhanh với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về sự việc này, khẳng định giấy xác nhận này là giả mạo, cả về hình thức lẫn nội dung.

Bệnh viện FV không cấp “Giấy xác nhận dương tính với COVID-19 bằng kỹ thuật PCR”, mà chỉ cấp “Giấy xác nhận âm tính với COVID-19 bằng kỹ thuật RT-PCR” có mã QR xác thực cho riêng từng mẫu xét nghiệm.

Theo Bệnh viện FV, trong giấy xác nhận dương tính với COVID-19 bằng kỹ thuật PCR giả mạo này còn thiếu và thừa nhiều thông tin không phù hợp với mẫu “Giấy xác nhận âm tính với COVID-19 bằng kỹ thuật PCR” của Bệnh viện. Hiện tại, Bệnh viện chưa có sinh phẩm (bộ kit) xét nghiệm tìm biến thể Omicron. Bên cạnh đó, trên hệ thống dữ liệu của Bệnh viện không có bệnh nhân nào tên là “Lê Hoàng Duy Khang”.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, muốn biết ca mắc thuộc biến chủng gì phải trải qua quy trình giải mã trình tự gen, không thể chỉ với xét nghiệm RT-PCR mà có thể xác định được. Hiện ở khu vực phía Nam chỉ có Viện Pasteur thực hiện quy trình giải mã trình tự gien đối với mẫu bệnh phẩm COVID-19.

Còn theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc tạo dựng tài liệu giả và lan truyền thông tin giả mạo này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố mà còn gây hoang mang cho người dân.

img

Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 trong ngày 27/12. Ảnh: Duy Hiệu.

Hà Nội: Yêu cầu tất cả bệnh viện không được từ chối bệnh nhân Covid-19 nặng

Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản 23401/SYT-NVY ngày 26/12 chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19.

Trước hết, với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm Covid-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.

Người bệnh đến khám chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vắc xin Covid-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện). Các cơ sở khám chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng Covid-19.

Mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ. Việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch yêu cầu tất cả các bệnh viện không được từ chối, đảm bảo người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất, sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.

Các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị.

Trước đó, ngày 16/12, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện trực thuộc trường đại học, y tế bộ ngành yêu cầu triển khai các biện pháp giảm nguy cơ tử vong người bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Trong đó nhấn mạnh, hiện chưa ghi nhận biến chủng Omicron tại Việt Nam, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn và cùng với các biến chủng đang lưu hành sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc Covid-19 ở người thuộc nhóm nguy cơ như người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.

Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ và phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị sớm hạn chế tử vong là yêu cầu cấp thiết.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.651.673 ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.749 ca nhiễm).

Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (500.057), Bình Dương (290.163), Đồng Nai (96.827), Tây Ninh (70.594), Long An (40.083).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 18.556 ca nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 1.248.240 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.582 ca.

Số bệnh nhân tử vong:

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 235 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 31.214 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 27/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 123.530 mẫu xét nghiệm cho 172.359 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 29.793.114 mẫu cho 73.996.693 lượt người.

Hà Nội: 96% bệnh nhân COVID-19 tử vong ở Bệnh viện Thanh Nhàn chưa tiêm vaccine

100% bệnh nhân COVID-19 tử vong ở bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đều có bệnh lý nền, 96% chưa tiêm vaccine và 82% ở độ tuổi trên 70.

img

Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh minh họa).

Thông tin này được Bệnh viện Thanh Nhàn báo cáo với Đoàn Kiểm tra số 2 của Bộ Y tế do TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm Trưởng đoàn.

Trong hơn 1.200 bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, 946 người đã ra viện, 89 ca phải chuyển viện. Đây cũng là cơ sở đã điều trị thành công ca bệnh chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) sau gần 50 ngày điều trị.

Bệnh viện Thanh Nhàn được Sở Y tế Hà Nội phân công điều trị F0 thuộc tầng 3. Khu điều trị cách ly được phân làm 3 khu riêng biệt: Khu giành riêng cho người bệnh nặng nguy kịch 250 giường; khu cho người bệnh trung bình hoặc có bệnh lý nền nặng (50 giường bệnh); khu cho người bệnh nghi nhiễm theo đề án xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực vùng.

Bệnh viện cũng đã chuẩn bị hệ thống oxy cho 250 giường ICU, các loại máy thở, xây dựng danh mục thuốc và dự trù số lượng thuốc phục vụ công tác điều trị.

Ngoài việc điều trị F0 thuộc tầng 3, Bệnh viện còn phụ trách 7 bệnh viện tầng 2, 7 Trung tâm y tế, chỉ đạo công tác chuyên môn, kiểm tra, giám sát, điều tiết bệnh nhân trong công tác chuyển tuyến…

Kiểm tra công tác bảo đảm khả năng thu dung, điều trị, triển khai hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Gia Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Cao Hưng Thái đề nghị Bệnh viện tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn sinh học phòng xét nghiệm; bố trí nhân lực hợp lý đảm bảo công tác chống dịch lâu dài, tính toán đảm bảo nguồn cung cấp oxy…

Bệnh viện thực hiện kết nối khám chữa bệnh từ xa đối với các bệnh viện tuyến trên, thực hiện đặt lịch khám, triển khai quản lý theo dõi bệnh nhân mạn tính…Bệnh viện Gia Lâm được Sở Y tế Hà Nội giao điều trị F0 thuộc tầng 2 với quy mô 500 giường bệnh.

Đối với Bệnh viện Thanh Nhàn, đoàn công tác đề nghị cơ sở này thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo trang thiết bị, phương tiện phòng hộ, nhân lực cho khu điều trị hồi sức tích cực; phân tích chuyên sâu các ca tử vong để tìm ra các giải pháp giảm thiểu tử vong.

Bệnh viện đảm bảo thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực theo định hướng của Bộ Y tế để bảo đảm cho điều trị tuyến cuối của thành phố. Mục tiêu cuối cùng của các biện pháp là giảm bệnh nhân nặng, giảm tử vong, do đó các bệnh viện tiếp tục cùng hỗ trợ lẫn nhau trong công tác chống dịch để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Theo số liệu của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Hà Nội hiện có 17.686 trường hợp F0 đã khỏi bệnh, 108 trường hợp đã tử vong. Sở Y tế Hà Nội cho biết còn 19.730 ca F0 đang theo dõi và điều trị, trong đó 10.034 ca đang theo dõi, điều trị tại nhà, 4.840 ca đang theo dõi, điều trị tại khu cách ly, 4.845 ca đang điều trị tại 11 bệnh viện.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện có 332 ca phải thở oxy, bao gồm 30 ca phải thở máy. So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới tăng 0,16%, số ca khỏi giảm 0,18%, số ca tử vong giảm 0,38%, số ca đang điều trị tăng 0,41%, số ca nặng tăng 0,52%.

Ngân sách đã cấp bao tiền cho nghiên cứu kit test Covid-19 Việt Á?

Theo thông tin từ Bộ Khoa học & Công nghệ (Bộ KH&CN), tổng kinh phí chi từ ngân sách cho "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)" là 18,98 tỉ đồng. Đây là bộ sinh phẩm có liên quan đến vụ việc "thổi giá kit test" của Công ty Việt Á đang được cơ quan công an điều tra.

img

Bộ kit test Việt Á là sản phẩm do Học viện Quân y nghiên cứu

Thời gian thực hiện nghiên cứu theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2/2020 đến tháng 10/2021.

Tổ chức chủ trì nhiệm vụ này là Học viện Quân y do PGS.TS. Hồ Anh Sơn làm Chủ nhiệm công trình và 16 thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu, trong đó có 4 thành viên thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Trong đó, có Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, người vừa bị khởi tố hình sự về hành vi vi phạm các quy định đấu thầu.

Theo báo cáo kết quả tự đánh giá của nhóm nghiên cứu về bộ sinh phẩm đối với hiệu quả xã hội, sản phẩm của đề tài là bộ sinh phẩm đã được tối ưu hóa các thành phần, đóng gói thành kit test dưới dạng "super mix" sẵn sàng sử dụng, thuận tiện cho các cơ sở chẩn đoán là các trung tâm Y tế dự phòng, các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh có trang bị chẩn đoán phân tử có thể tiến hành đơn giản theo hướng dẫn sử dụng của bộ kit.

Đồng thời, bộ sinh phẩm tạo ra đạt trình độ cao về sinh học phân tử, có khả năng phát hiện sớm và đáp ứng nhanh trong trường hợp khi có dịch xảy ra và đạt đỉnh dịch với số lượng người nhiễm lớn trên phạm vi cả nước.

Báo cáo cũng khẳng định các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu về sau như các dữ liệu đặc điểm di truyền phân tử, sự tiến hóa của chủng SARS-CoV-2 phục vụ cho các nghiên cứu về chế tạo vaccine dự phòng và thuốc kháng virus đối với chủng SARS-CoV-2.

Theo kế hoạch, Bộ KH&CN sẽ tổ chức đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ nói trên trong tháng 12/2021.

Trước đó, trả lời báo VnExpress, PGS.TS Hồ Anh Sơn, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu này, khẳng định sai phạm của Công ty Việt Á không liên quan đến nghiên cứu kit test.

Lý giải về sự tham gia của Việt Á vào nhiệm vụ nghiên cứu, vị này cho biết, thông thường, nhiệm vụ khoa học sẽ được tách làm hai giai đoạn. Giai đoạn nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm, sau khi nghiệm thu sẽ triển khai sản xuất thử nghiệm. Giai đoạn I, các nhà khoa học đảm nhiệm chế tạo sản xuất quy mô ở phòng thí nghiệm. Giai đoạn II do doanh nghiệp chủ trì.

Công ty Việt Á tham gia cùng nhóm từ những ngày đầu nghiên cứu là bởi tính cấp bách. Hai giai đoạn được tích hợp làm một. Việc chuyển giao gần như đồng thời giữa nhóm nghiên cứu và đơn vị sản xuất để cùng nhau thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất kit phục vụ phòng chống dịch. Bởi chuyển giao từ quy mô phòng thí nghiệm sang sản xuất mở rộng cần được nghiên cứu, tối ưu tiếp tại cơ sở sản xuất.

Đây cũng là đơn vị được Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ đề xuất lựa chọn là đối tác nghiên cứu phát triển sản phẩm. Tại thời điểm đó, Công ty Việt Á là đơn vị có năng lực sản xuất test kit. Họ đã có một số bộ test kit được Bộ Y tế cấp phép sử dụng trước đó. Cơ sở sản xuất của họ đạt chứng chỉ ISO 13485/2016.

Sau khi bàn giao cho doanh nghiệp, Học viện Quân y vẫn tiếp tục tự đánh giá với các mẫu bệnh phẩm lấy tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Đà Nẵng và Bắc Giang. Kết quả cho thấy sản phẩm đạt độ chính xác 100%, phát hiện được cả biến thể Delta của nCoV (kết quả này đã được đăng trên Tạp chí Truyền nhiễm và gửi Tạp chí Journal of Clinical Laboratory Analysis).

F0 tăng nhanh, Hà Nội có lặp lại kịch bản như TP.HCM?

Với số F0 tăng nhanh như hiện nay, các chuyên gia đã chia sẻ về việc liệu Hà Nội có lặp lại kịch bản về số ca tử vong do COVID-19 như đã xảy ra tại TP.HCM.

img

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, số lượng người nhập viện so với số ca mắc cũng không phải tỷ lệ cao.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, số ca tử vong do COVID-19 tại TP.HCM xảy ra trong điều kiện chưa bao phủ được vaccine phòng COVID-19; những đối tượng yếu thế chưa được tập trung kiểm soát. Nhưng với diễn biến dịch tại Hà Nội hiện nay, số ca tử vong do COVID-19 sẽ không xảy ra như ở TP.HCM.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cho rằng, số ca tử vong tại Hà Nội rất thấp, nên không thể như TP.HCM.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, trong giai đoạn thích ứng mới, không nên lấy số ca mắc để đánh giá tình hình dịch, mà nên lấy chỉ số về số bệnh nhân nhập viện, tử vong.

Những giải pháp để giảm việc lây lan thời gian qua rất khó khăn do người dân có sự đi lại từ nơi này đến nơi kia. Các dịch vụ đã mở lại, nên việc bảo vệ người dân bây giờ chủ yếu tập trung vào vaccine, sẵn sàng đáp ứng hệ thống y tế và hạn chế số lượng nhập viện, số bệnh nhân tử vong.

Trên những tiêu chí đó, theo Thứ trưởng Sơn, ở Hà Nội, số ca tử vong chưa cao, số lượng người nhập viện so với số ca mắc cũng không phải tỷ lệ cao. Do vậy, Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát.

F0 tăng lên là "khó tránh khỏi”

Theo ông Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi Hà Nội chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, số F0 tăng lên là "khó tránh khỏi”, vì việc nới lỏng đồng nghĩa với việc người dân tiếp xúc, giao lưu nhiều, đi lại lớn… Đặc biệt nhiều F0 không có triệu chứng, họ không biết mình nhiễm bệnh, vẫn đi lại nhiều nơi.

img

Khuyến cáo người dân không nên chủ quan cho rằng tiêm vaccine rồi thì buông trôi, thả lỏng...

Dù Hà Nội đang kiểm soát tốt, nhưng cần cảnh giác vì dịch bệnh diễn biến rất khó lường. Hiện F0 cộng đồng nhiều, nên người dân phải thực hiện tốt 5K. Ngoài ra, người dân không nên chủ quan cho rằng tiêm vaccine rồi thì buông trôi, thả lỏng vì trên thực tế, tiêm vaccine rồi vẫn có thể nhiễm bệnh và tử vong.

“Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phải kiểm soát có điều kiện vì với số F0 tăng như hiện nay, trong đó rất nhiều ca cộng đồng, nếu không có giải pháp kiểm soát tốt, thì số ca mắc sẽ tiếp tục tăng”, ông Phu nói.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội chia sẻ, số F0 tăng nhanh một phần thể hiện ý thức của người dân còn chủ quan. Do đó, chính quyền các cấp cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

“Có thể người dân còn chủ quan nhưng vai trò trách nhiệm của chính quyền, các chủ đơn vị nếu tăng cường giám sát thì sẽ nâng cao trách nhiệm của người dân”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số F0 tại Hà Nội những ngày vừa qua cao nhất cả nước. Ngày 23/12, Hà Nội ghi nhận 1.765 ca mắc COVID-19, đến ngày 24/12 lên tới 1.824 ca và lập đỉnh mới ngày 25/12 với 1.879 ca. Trong số F0 mới ghi nhận ngày 25/12 có 549 ca cộng đồng, 1.272 ca ở khu cách ly và 58 ca tại khu phong tỏa. Số bệnh nhân mới ghi nhận ở 350 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố ghi nhận 37.557 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 13.539 ca cộng đồng, 24.018 ca là trường hợp đã được cách ly. Giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ ngày 11/10 đến nay, Hà Nội ghi nhận 33.446 ca mắc, gồm 12.007 ca cộng đồng, 17.611 ca tại khu cách ly, 3.828 ca tại khu phong tỏa.

Theo số liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến 17h chiều 25/12, Hà Nội còn 19.730 ca F0 đang theo dõi và điều trị. Trong đó 10.034 ca đang theo dõi, điều trị tại nhà, 4.840 ca đang theo dõi, điều trị tại khu cách ly và 4.845 ca đang điều trị tại 11 bệnh viện.

Trong số F0 đang điều trị tại bệnh viện có 332 ca phải thở oxy, bao gồm 30 ca phải thở máy. So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới tăng 0,16%; số ca khỏi giảm 0,18%; số ca tử vong giảm 0,38%; số ca đang điều trị tăng 0,41%; số ca nặng tăng 0,52%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.