Xã hội

Covid-19 ngày 30/10: Hôm nay, cả nước ghi nhận 5.227 ca nhiễm mới

Tin tức dịch Covid-19 ngày 30/10 tại Việt Nam: Hôm nay cả nước ghi nhận 5.227 ca nhiễm mới, tăng 335 ca so với ngày hôm qua.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Tính từ 16h ngày 29/10 đến 16h ngày 30/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.227 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 5.224 ca ghi nhận trong nước (tăng 335 ca so với ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố (có 2.293 ca trong cộng đồng).

img

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 88.521 xét nghiệm cho 175.896 lượt người.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.042), Đồng Nai (679), Bình Dương (665), Bạc Liêu (404), Kiên Giang (298), An Giang (231), Tiền Giang (223), Tây Ninh (203), Sóc Trăng (190), Đắk Lắk (146), Long An (106), Cần Thơ (95), Trà Vinh (82), Bình Thuận (79), Ninh Thuận (69), Gia Lai (69), Đồng Tháp (67), Hà Nội (56), Bến Tre (46), Hậu Giang (42), Cà Mau (40), Vĩnh Long (35), Phú Thọ (34), Thừa Thiên Huế (27), Khánh Hòa (26), Bà Rịa - Vũng Tàu (25), Nam Định (24), Nghệ An (23), Bình Phước (23), Bắc Ninh (22), Hà Nam (20), Quảng Nam (19), Bình Định (16), Thanh Hóa (15), Quảng Trị (10), Phú Yên (10), Quảng Ngãi, (Lâm Đồng (7), Đắk Nông (7), Kon Tum (7), Vĩnh Phúc (6), Bắc Giang (5), Quảng Bình (5), Hà Tĩnh (4), Thái Bình (3), Hải Phòng (3), Lai Châu (3), Hưng Yên (2), Đà Nẵng (2), Quảng Ninh (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: An Giang (-89), Hà Giang (-60), Bình Dương (-32).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tiền Giang (+148), Ninh Thuận (+69), TP. Hồ Chí Minh (+65). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 4.376 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 915.603 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.296 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 910.782 ca, trong đó có 815.519 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 2.204; Tổng số ca được điều trị khỏi là 818.336

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.831 ca, trong đó: - Thở ô xy qua mặt nạ: 1.965 - Thở ô xy dòng cao HFNC: 454 - Thở máy không xâm lấn: 107 - Thở máy xâm lấn: 290 - ECMO: 15 Số bệnh nhân tử vong: Từ 17h30 ngày 29/10 đến 17h30 ngày 30/10 ghi nhận 64 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (30), Bình Dương (13), Bạc Liêu (5), Long An (4), Sóc Trăng (4), An Giang (3),Cần Thơ (1), Kiên Giang (1), Tây Ninh (1), Tiền Giang (1), Ninh Thuận (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 59 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.030 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 88.521 xét nghiệm cho 175.896 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 22.096.935 mẫu cho 60.129.489 lượt người.

Trong ngày 29/10 có 1.588.192 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 80.528.570 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 56.616.780 liều, tiêm mũi 2 là 23.911.790 liều.

Sở Y tế TP.HCM đề xuất tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người có nguy cơ cao

Thông tin trên được Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu đưa ra tại hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế thành phố, diễn ra vào chiều 30/10.

img

Sở Y tế TP.HCM đề xuất tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người có nguy cơ cao. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Về kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 sắp tới, ông Châu cho biết Sở Y tế đang đề xuất tiêm mũi 3 cho nhóm người có nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch trong tháng 11 và 12. Ngoài ra, ngành y tế sẽ triển khai tiêm vét mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi. Cạnh đó, vào cuối tháng 11, thành phố tiếp tục tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ 12-17 tuổi.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết trong năm 2022, kế hoạch của thành phố là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên và tiêm mũi 3, 4 cho người đã tiêm vaccine đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.

Thành phố đã thành lập 327 tổ phản ứng nhanh, 5 trạm cấp cứu vệ tinh 115 dã chiến và 525 trạm y tế lưu động của lực lượng quân y hỗ trợ.

Hơn 200 thầy trò là F0, Phú Thọ hủy kế hoạch cho học sinh trở lại trường

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Phú Thọ xác nhận đến tối ngày 29/10, toàn tỉnh có 19 giáo viên và 184 học sinh mắc Covid-19. Sở đã hủy bỏ kế hoạch cho học sinh lớp 12 ở thành phố Việt Trì và huyện Phù Ninh quay lại trường.

Tính đến ngày 30/10, toàn tỉnh Phú Thọ có 3.752 giáo viên, học sinh thuộc diện F1 và gần 13.000 giáo viên, học sinh thuộc diện F2. Có khoảng 10.000 giáo viên và học sinh đang phải cách ly.

Trong số 184 học sinh và 19 giáo viên là F0, chỉ riêng trong ngày 29/10 đã ghi nhận 7 giáo viên mầm non ở thành phố Việt Trì và 14 học sinh ở thành phố Việt Trì, các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông mắc Covid-19.

Ngày 30/10, Sở GD-ĐT Phú Thọ đã yêu cầu các trường THPT trên địa bàn thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh; Trung tâm KTTH-HN tỉnh, Trung tâm GDTX tỉnh tiếp tục tạm dừng đến trường và tổ chức dạy học trực tuyến từ ngày 1/11/2021, cho đến khi có thông báo mới.

Sở cũng yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật các nội dung chỉ đạo của cơ quan cấp trên về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại địa phương và đơn vị để kịp thời báo cáo, đề xuất điều chỉnh phương án tổ chức dạy học cho phù hợp.

Trước đó, Sở GD-ĐT Phú Thọ ban hành Công văn về việc tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Ổ dịch nóng nhất Hà Nội thêm 17 ca nhiễm, có 5 trẻ em

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, đến 10h ngày 30/10, huyện Quốc Oai ghi nhận thêm 17 ca dương tính SARS-CoV-2.

Các bệnh nhân được phát hiện qua khám sàng lọc cộng đồng và các trường hợp liên quan F0, tập trung chủ yếu ở thị trấn Quốc Oai (14 ca) và xã Ngọc Mỹ (3 ca). Trong số này có 5 trẻ nhỏ từ 1-12 tuổi.

img

Trong số 17 ca dương tính SARS-CoV-2 vừa ghi nhận ở huyện Quốc Oai, Hà Nội thì 5 trường hợp là trẻ em 1-12 tuổi.

Tính từ 24/10 đến nay, huyện Quốc Oai ghi nhận 74 ca COVID-19, trong đó 66 ca thường trú tại huyện, 8 thường trú tại địa phương khác. Các ca COVID-19 ở huyện Quốc Oai đã lan rộng ra địa phương khác là thị trấn Quốc Oai, các xã Liệp Tuyết, Sài Sơn, Đông Yên, Cấn Hữu, Phượng Cách, Ngọc Mỹ, Tuyết Nghĩa.

Hiện lực lượng chức năng của huyện và địa phương đã điều tra truy vết và đưa đi cách ly y tế tập trung 539 F1, 40 F1 là trẻ em và người bệnh nền được cách ly tại nhà theo quy định, ra quyết định cách ly tại nhà 3.250 F2, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà gần 7.000 trường hợp F3.

UBND huyện Quốc Oai đề nghị người dân không chủ quan, cảnh giác cao độ và thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Người dân khi tiếp xúc với trường hợp mắc COVID-19 cần liên hệ ngay với trạm y tế xã, thị trấn nơi cư trú để được tư vấn, hướng dẫn biện pháp phòng dịch, không để lây lan xung quanh.

Hà Nội ban hành hướng dẫn chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Hướng dẫn liên ngành về việc chuẩn bị đón học sinh quay trở lại trường học tập khi đủ điều kiện an toàn chống dịch tại các cơ sở giáo dục.

Theo đó, Hà Nội quy định những việc cần làm của nhà trường, giáo viên và học sinh trước, trong, sau khi các em đến trường học.

img

Phun thuốc khử trùng trong lớp học.

Cụ thể, trước khi học sinh trở lại trường học: Nhà trường cần đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học, khử khuẩn phương tiện đưa đón học sinh (nếu có); đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế trường học, mỗi học sinh phải có một cốc nước và một khăn mặt hoặc khăn lau tay riêng…; thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại nhà trường để có phân công cụ thể trong các hoạt động chống dịch. Đối với giáo viên, cần phối hợp với gia đình theo dõi tình hình sức khỏe học sinh thông qua các phương tiện liên lạc.

Khi học sinh trở lại trường học: Nhà trường cần bố trí người đón và giao nhận học sinh tại cổng trường; không tổ chức các hoạt động tập thể hay tham quan, dã ngoại; các lớp tổ chức chào cờ tại lớp học; bố trí giờ vào lớp, giải lao, tan học xen kẽ giữa các khối lớp. Sau giờ học: Nhà trường lau, khử khuẩn bàn ghế, phòng học, dụng cụ học tập và khu vệ sinh, xe đưa đón học sinh (nếu có)… mỗi ngày một lần.

Trong suốt thời gian học sinh có mặt ở trường, các nhân viên y tế thường xuyên trực phòng chống dịch; Ban chỉ đạo phòng chống dịch của các nhà trường thường xuyên kiểm tra, giám sát để báo cáo lãnh đạo nhà trường kịp thời. Ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại, trước khi vào tiết học đầu tiên, giáo viên cần hướng dẫn học sinh những việc cần và không được làm để phòng chống dịch COVID-19.

Với các cơ sở giáo dục có khu kí túc xá học sinh, không tổ chức nấu ăn trong phòng, thường xuyên vệ sinh và khử khuẩn. Các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở tại trường học, cần tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định của cơ quan y tế.

Tại hướng dẫn này, Hà Nội đưa ra bộ 16 tiêu chí đánh giá trước, trong và sau khi học sinh đến trường học. Mỗi tiêu chí đánh giá ở hai mức: Đạt và Không đạt. Số tiêu chí đạt càng nhiều thì mức độ an toàn càng cao, trường học càng an toàn.

Nếu nhà trường đạt từ 12 tiêu chí trở lên, được đánh giá đạt thì trường học mới đạt mức độ. Trường học đạt từ 8-11 tiêu chí, trong đó có các tiêu chí được đánh giá đạt thì trường học mới đạt mức độ; nếu đánh giá khá thì trường học an toàn, được phép hoạt động và cho học sinh đi học trở lại nhưng phải kiểm tra định kỳ. Đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá đạt mức độ thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động.

Cả nước có 910.376 ca nhiễm, còn 2.990 ca bệnh nặng đang điều trị

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 910.376 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.243 ca nhiễm).

img

TP.HCM đã cho bán hàng ăn uống tại chỗ nhưng cũng nhiều quán vắng do khách còn e dè dịch bệnh.

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 905.558 ca, trong đó có 813.315 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (430.059), Bình Dương (231.721), Đồng Nai (64.412), Long An (34.632), Tiền Giang (16.199).

Số bệnh nhân tử vong trung bình ghi nhận trong 7 ngày qua: 60 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.966 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình xét nghiệm và điều trị bệnh nhân COVID-19

Tổng số ca được điều trị khỏi: 816.132. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.990 ca

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 108.197 xét nghiệm cho 167.733 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 22.008.414 mẫu cho 59.953.593 lượt người.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 78.940.403 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 55.578.783 liều, tiêm mũi 2 là 23.361.620 liều.

Học sinh lớp 6 ở TP.HCM chưa được tiêm vaccine Covid-19

Thông tin từ Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết thành phố triển khai tiêm cho học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi. Học sinh lớp 6 chưa được tiêm vaccine Covid-19 vì chưa đủ 12 tuổi.

Các quận, huyện, thành phố Thủ Đức phải dừng kế hoạch tiêm chủng cho học sinh lớp 6 và thông báo, giải thích cho phụ huynh. Trường hợp học sinh lớp 6 đã đủ 12 tuổi vẫn được tiêm phòng Covid-19.

img

Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 trong ngày 30/10.

Sau hai ngày tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh THPT, hôm nay, một số địa phương tại TP.HCM đã triển khai tiêm cho học sinh THCS theo lộ trình hạ dần độ tuổi.

Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT Tân Phú, việc tiêm vaccine cho học sinh THCS tại địa bàn quận đã được thực hiện tại trường THCS Lê Lợi. Học sinh lớp 8 được xếp tiêm chủng vào buổi sáng và học sinh lớp 7, 9 tiêm trong buổi chiều. Tổng số học sinh của trường được tiêm trong hôm nay là hơn 2.000 em. Ngày mai, học sinh trong độ tuổi theo quy định của các trường THCS trong toàn quận sẽ bắt đầu được tiêm vaccine.

Quận Tân Bình cũng đã tiêm vaccine cho học sinh THCS trong hôm nay. Quận có tổng cộng 13 điểm với 33 đội tiêm do ngành y tế quận Tân Bình phụ trách, gần 6.500 học sinh dự kiến được tiêm trong ngày 29/10.

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, thành phố sẽ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho khoảng 780.000 học sinh từ 12-17 tuổi. Loại vaccine được chỉ định tiêm cho trẻ em là Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Mỹ sản xuất.

Cùng Pfizer, thêm 1 vaccine Covid-19 vừa được cấp phép tiêm cho trẻ em

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay ở Việt Nam có 2 loại vaccine phòng Covid-19 được cấp phép tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi là Pfizer và Moderna, tuy nhiên hiện ở nước ta chỉ có vaccine Pfizer.

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em năm 2021 và 2022, trong đó yêu cầu thống kê số lượng trẻ em từ 12-17 tuổi, dựa trên báo cáo của các tỉnh, Bộ Y tế có kế hoạch phân bổ vaccine cho các địa phương để đáp ứng tiêm cho trẻ em ở lứa tuổi này.

img

Triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh lớp 11-12 tại TP.HCM

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, số lượng vaccine về còn ít, đặc biệt là vaccine cho trẻ em. Sau khi có số lượng thống kê của 63 tỉnh và căn cứ vào số lượng vaccine về, cùng với báo cáo tình hình dịch của các địa phương, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch phân bổ.

Về công tác an toàn tiêm chủng cho trẻ em, ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ngày chiều nay 29/10, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức tập huấn cho 63 tỉnh, thành về tiêm vaccine cho trẻ em, trong đó có nội dung đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ em.

“Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình. Trước mắt ưu tiên tiêm cho lứa tuổi 16-17 tuổi và tiêm có đối tượng ở khu vực nguy cơ cao”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Ông Tuyên cho biết thêm, đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp cận được trên 107 triệu liều vaccine và đã tiêm được khoảng 78 triệu liều. Vaccine đã phân bổ về hết địa phương.

“Từ ngày 14/10, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn gửi các địa phương về triển khai tiêm mở rộng đối tượng tiêm chủng với người dưới 18 tuổi, cụ thể là độ tuổi 12- 17 tuổi. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu này, sẽ tiêm cho trẻ ở độ tuổi 16- 17 tuổi; trên tinh thần vẫn tập trung tối đa ưu tiên tiêm cho người trên 50 tuổi trước, khi các đối tượng này được tiêm đầy đủ sẽ triển khai mở rộng sang đối tượng trẻ em”, ông Tuyên nói.

Thống nhất mẫu "hộ chiếu vaccine" ở Việt Nam

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về việc áp dụng "hộ chiếu vaccine" và các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.

img

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao khẩn trương trao đổi với các đối tác để đẩy nhanh việc công nhận Giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 hoặc Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 ("hộ chiếu vaccine"),

Bộ Y tế chủ trì ban hành thống nhất mẫu "hộ chiếu vaccine" của Việt Nam ở dạng giấy và điện tử (có cơ chế xác thực điện tử) trước ngày 5/11/2021.

Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, Y tế thực hiện việc xây dựng ứng dụng, cấp mã QR theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 13/9/2021.

Nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với các nước an toàn cao

Về đối tượng nhập cảnh, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đúng đối tượng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại các Thông báo kết luận họp thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 và các trường hợp tới Việt Nam để tìm hiểu thị trường, dự hội nghị, hội thảo, thăm thân và người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân và có Giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 hoặc Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19.

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tiếp tục thực hiện theo thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24/9/2015 của Chính phủ về việc miễn thị thực.

Về hướng dẫn và kiểm soát y tế đối với người nhập cảnh, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, ban hành hướng dẫn cách ly y tế thuận lợi, phù hợp đối với người nhập cảnh mang "hộ chiếu vaccine".

Về thẩm quyền, thủ tục xét duyệt nhập cảnh và tổ chức chuyến bay, Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong tình hình mới.

Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Trung ương, trên cơ sở thống nhất với cơ quan y tế địa phương về phương án phòng dịch, chủ động quyết định việc mời, đón và chịu trách nhiệm quản lý người nước ngoài nhập cảnh làm việc với cơ quan mình và một số trường hợp nhân đạo, đặc biệt khác (khám chữa bệnh, thai sản…).

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động quyết định việc mời, đón và chịu trách nhiệm quản lý người nước ngoài nhập cảnh làm việc với địa phương mình, đồng thời ủy quyền cho cơ quan đầu mối có thẩm quyền giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp nhập cảnh làm việc, học tập, nhân đạo trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đúng đối tượng và bố trí địa điểm cách ly y tế phù hợp, an toàn phòng chống dịch.

Các cơ quan chức năng và địa phương sau khi hướng dẫn cụ thể và tiếp nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị cho người nước ngoài nhập cảnh của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, yêu cầu thực hiện thẩm định và chịu trách nhiệm trả lời không quá 5 ngày làm việc theo quy định hiện hành (Luật Xuất nhập cảnh năm 2014).

Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi và đến từ các nước/vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Bộ GTVT khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/11/2021 về kế hoạch nối lại các chuyến bay thường lệ quốc tế với các nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.