Xã hội

Covid-19 TP.HCM hôm nay 23/8: TP.HCM bổ sung đối tượng được ra đường

23/08/2021, 20:00

Dịch Covid-19 ngày 23/8 tại TP.HCM: UBND TP.HCM vừa có văn bản về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát với người đi đường.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 23/8 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Lực lượng quân đội giúp vận chuyển hàng hóa tới người dân ở TP.HCM

TP.HCM bổ sung đối tượng được ra đường

Ngày 23/8, UBND TP.HCM có văn bản về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đó, ngày 21/8, UBND TP đã ban hành công văn số 2800 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại công văn số 2796 về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Đến ngày 23/8, căn cứ tình hình triển khai thực tế, UBND TP tiếp tục có ý kiến chỉ đạo, điều chỉnh một số nội dung.

Cụ thể, các nhóm đối tượng được phép ra đường vẫn áp dụng theo 17 nhóm đã quy định tại công văn 2800. Trong đó có sự điều chỉnh các lực lượng được ưu tiên và không yêu cầu có giấy đi đường khi qua chốt gồm:

- Lực lượng cán bộ, nhân viên ngành y tế có thẻ ngành y tế hoặc giấy đi đường do Sở Y tế, thủ trưởng các cơ sở y tế được thành lập theo quy định pháp luật.

- Người dân đi tiêm vắc xin có tin nhắn báo lịch tiêm hoặc giấy báo mời tiêm và kèm giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để trình cho chốt kiểm soát.

- Nhân viên hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực thực phâm) có thẻ nhân viên và giấy xác nhận công tác của đơn vị; chỉ áp dụng cho đến khi có giấy đi đường do Công an TP cấp.

Ngoài ra, UBND TP cũng bổ sung thêm nhóm đối tượng được phép lưu thông gồm:

- Các trường cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp (mỗi trường 10 giấy) do Sở Lao động - thương binh và xã hội tổng hợp danh sách và báo số lượng về Công an TP (mã 1A)..

- Nhân viên giao hàng bằng phương tiện vận tải của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn thuộc các đơn vị, doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp tổng hợp danh sách và báo số lượng về Công an TP (mã 12).

Đối với các phương tiện vận tải hàng hóa (bao gồm tài xế và 1 phụ xế) đã được ngành giao thông vận tải cấp thẻ QR code, không tiến hành kiểm tra thẻ đi đường cá nhân.

Công an TP là đơn vị in và ký cấp giấy cho toàn bộ các nhóm đối tượng trên. Khi chưa có giấy đi đường nêu trên của Công an TP thì vẫn áp dụng các loại giấy đi đường đã quy định tại công văn số 2800 và công văn số 2796 của UBND TP cho đến 0h ngày 25/8.

Về việc trang bị và phân bổ áo nhận diện cho cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND TP chỉ đạo đối với cấp TP thì giao Sở Công thương, Bộ tư lệnh TP chuẩn bị số lượng áo nhận diện.

Sở Nội vụ chịu trách nhiệm phân bổ cho các cơ quan khối đảng, đoàn thể, các sở, ban, ngành TP và các ban quản lý trực thuộc UBND TP. Các sở, ban, ngành TP chịu trách nhiệm phân bổ cho các đơn vị trực thuộc.

Còn đối với cấp huyện, UBND TP và các quận huyện chịu trách nhiệm trang bị và phân bổ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc; bao gồm cả khối đảng, đoàn thể cấp huyện.

img

Tất cả hoạt động mua bán hàng hóa, lương thực thực phẩm của người dân sẽ được các cơ quan địa phương hỗ trợ thực hiện.

TP.HCM có 500 taxi tham gia chuyển người bệnh

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vào chiều 23/8, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM, cho biết qua 5 đợt, hiện TP đã tiêm được 5.447.056 liều vắc-xin Covid-19. Riêng ngày 22/8, TP tiêm được 52.212 người.

Về xét nghiệm, trong 24 giờ từ 18h ngày 21/8 đến 18 giờ ngày 22/8, TP xét nghiệm được 115.360 trường hợp, trong đó số người được làm test nhanh kháng nguyên là 53.095 và 62.265 người được xét nghiệm PCR.

TP đã trải qua 16 giờ tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng chống dịch.

Trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội, nếu người bệnh thông thường muốn chuyển bệnh sẽ gọi cho tổng đài của hãng taxi Mai Linh hoặc Vinasun để được chuyển bệnh. TP đã bố trí 500 taxi để vận chuyển các đối tượng này.

Về taxi chuyển bệnh do Trung tâm Cấp cứu 115 quản lý, hiện nay quản lý 65 xe của Mai Linh (có nhân viên y tế, ôxy trên xe) và từ nay đến cuối tuần vận hành thêm 35 xe nữa là 100 xe.

Xe phục vụ cho đội phản ứng nhanh có 260 xe 16 chỗ hoán cải của Phương Trang đã được Sở Y tế phân bổ về cho 22 quận, huyện, TP Thủ Đức để điều phối phản ứng nhanh ở địa phương

Về hỗ trợ đưa người có vé máy bay đi nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay, khi các cơ quan chức năng kiểm tra tại các chốt kiểm soát cần xuất trình hộ chiếu (kèm theo visa còn hiệu lực); vé máy bay (bằng giấy hoặc điện tử), trong đó gồm có: Code vé máy bay, thời gian bay, ngày bay, số hiệu chuyến bay; giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực bằng phương pháp RT-PCR; thực hiện khai báo y tế và thực hiện nghiêm biện pháp 5K theo quy định của Bộ Y tế.

Đồng thời, đảm bảo 1 người đi 1 xe, không đi chung xe với người khác (trừ trường hợp nhiều người trong cùng 1 gia đình, sống trong cùng 1 nhà và có vé máy bay ra nước ngoài trên cùng 1 chuyến bay).

Về công tác an sinh, bà Tô Thị Bích Châu, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, cho biết TP đã thành lập Trung tâm an sinh hỗ trợ người khó khăn trên địa bàn TP. Đến nay, đã tiếp nhận và phân phối số tiền 53 tỉ 212 triệu đồng.

Để kiểm soát dịch bệnh từ 0h ngày 23/8, TP.HCM đã tăng cường thực hiện 5 nhóm giải pháp, kiểm soát nghiêm hơn nữa các nhóm đối tượng được phép lưu thông trên đường.

Ngành y tế TP.HCM khuyến cáo mỗi người dân bình tĩnh và chung sức cùng thành phố thực hiện các quy định phòng chống dịch; dùng thuốc đúng cách trong điều trị và học cách tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe bản thân khi thực hiện cách ly tại nhà.

Vận hành "ATM oxy" hoạt động từ 8h-17h

Ngày 21/ 8, Sở Y tế TP.HCM đã được trao 1.000 bình oxy loại 40 lít/bình hỗ trợ kịp thời cho công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân COVID-19. Đây là hoạt động trong chuỗi chương trình "ATM oxy" do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì triển khai từ tháng 8-2021.

Các "ATM oxy" hoạt động từ 8h-17h hằng ngày, cung cấp máy tạo oxy, bình oxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe của hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế cũng được thuận lợi hơn, mục tiêu giúp bệnh nhân đang điều trị COVID-19 sớm hồi phục.

Trong 14 ngày tới, TP.HCM sẽ tổ chức xét nghiệm kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân trong 'vùng cam' và 'vùng đỏ' gồm TP Thủ Đức và các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn.

Nhiều siêu thị lớn ở TP.HCM vẫn hoạt động

Các siêu thị lớn trên địa bàn TP.HCM như Satra, Saigon Co.op, AEON, MM Mega Market... đều khẳng định vẫn mở cửa hoạt động và sẵn sàng phối hợp với các tổ đặc biệt của phường để cung ứng hàng hóa cho dân. Từ ngày 23/8, tất cả hoạt động mua bán hàng hóa, lương thực thực phẩm của người dân sẽ được các cơ quan địa phương hỗ trợ thực hiện.

Các hoạt động bán lẻ trực tiếp sẽ tạm dừng và chỉ còn tổ chức bán hàng theo cách thức duy nhất là "soạn đơn theo yêu cầu" và giao qua lực lượng chức năng. Trong ngày 22/8, nhiều combo hàng thiết yếu đã được các nhà phân phối thiết kế, kèm mức giá cụ thể gửi về cho các tổ đặc biệt.

Đại diện SatraFood cho biết từ ngày 23/8, 120 trong số 188 cửa hàng ở khu vực TP.HCM sẽ hoạt động bình thường. Các điểm bán này vừa nằm trong "vùng xanh" và "vùng đỏ", riêng gần 70 cửa hàng phải đóng cửa do không đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ".

Trong ngày 22/8, hệ thống này cũng đã hoàn thành mẫu 6 combo thực phẩm khác nhau để giới thiệu đến khách hàng. Các mẫu combo có giá bình quân 300.000 đồng đa dạng mặt hàng từ trứng, rau, hành ngò đến thịt gà, thịt bò, heo... Người dân cũng được lựa chọn thêm số lượng theo nhu cầu.

"Dựa trên đơn hàng này, tổ tình nguyện của khu phố sẽ chuyển đơn hàng và thanh toán tiền cho cán bộ đầu mối tại phường để nhập dữ liệu đặt hàng trước 9h30 hằng ngày để chuyển về phòng kinh tế. Từ đây, các đơn hàng được tổng hợp và chuyển về cho siêu thị, cửa hàng để chuẩn bị soạn hàng hóa trước 11h30 hằng ngày.

Hàng sẽ được đóng gói và chuyển giao về điểm tập kết của khu phố từng phường trong sáng hôm sau, người dân sẽ thanh toán khi nhận hàng" - đại diện SatraFood cho biết.

Theo ghi nhận, các siêu thị, cửa hàng đã bắt đầu thiết kế những mẫu combo khác nhau dựa trên nguồn hàng siêu thị sẵn có và đơn hàng từ phòng kinh tế. Đại diện Lottemart Việt Nam cho biết siêu thị xác định sẽ bán combo trong hai tuần tới và đang tính toán nhân sự.

Trong khi đó, AEON Việt Nam vẫn đang làm việc với Sở Công thương TP.HCM, đồng thời phối hợp với UBND quận Tân Phú và Bình Tân để hoàn tất các công tác chuẩn bị. Nhà bán lẻ này cũng sẽ tạm ngừng các kênh bán hàng trực tuyến (qua điện thoại, tin nhắn, các ứng dụng) tại khu vực TP.HCM kể từ ngày 23/8 cho đến khi có thông báo mới.

Ngay cả MM Mega Market Việt Nam dù chưa có đơn hàng từ phía phường trong ngày 22/8, nhưng cho biết vẫn mở cửa các ngày tiếp theo và sẵn sàng bán hàng theo yêu cầu đặt hàng từ phường.

Theo đại diện Phòng kinh tế quận 8, trên địa bàn quận có 5 hệ thống phân phối như San Hà, Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op, Satra... và sẽ gánh hết tất cả các đơn hàng trên địa bàn quận. Theo tính toán, quận có khoảng 108.000 hộ, trong đó khoảng 47.000 hộ khó khăn và xác định sẽ hưởng gói an sinh xã hội trong thời gian này.

Với khoảng 61.000 hộ còn lại sẽ có nhu cầu sử dụng dịch vụ "đi chợ hộ" và quận chọn phương án triển khai khoảng 12 combo chia theo từng nhóm hàng rau, gia vị, củ, thịt, cá, đồ dùng vệ sinh, gia dụng... để người dân mua hàng.

img

Cập nhật tin tức dịch Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 23/8

TP.HCM bắt đầu 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt “ai ở đâu thì ở đó”

Tính đến trước 6h sáng nay, TP.HCM đã có tổng cộng 175.994 ca nhiễm COVID-19 được công bố trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay.

Trong ngày 22/8 (tính từ 18h ngày 21/8 đến 18h ngày 22/8), trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.193 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM.

Kể từ hôm nay (ngày 23/8) nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM trước ngày 15/9, các quận, huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.

Trong ngày 22/8, UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 11 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Chỉ thị yêu cầu thực hiện “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó”; trong đó lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng.

UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện ra quyết định về việc thực hiện giãn cách xã hội triệt để, nghiêm ngặt, tăng cường, nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn 312 phường, xã, thị trấn...

16 nhóm đối tượng được ra đường từ hôm nay

Ngày 22/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký công văn điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội. Công văn này thay đổi một số nhóm đối tượng và quy định so với công văn được ban hành trước đó (Công văn 2796/UBND-VX ngày 21/8/2021).

Theo đó, từ 23/8, TP.HCM cho phép 1 nhóm đối tượng được ra đường và yêu cầu có giấy đi đường, đồng phục để nhận diện.

Nhóm 1A: Cán bộ, công chức viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, Chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc.

Nhóm 1B: Người làm việc tại các lĩnh vực thiết yếu về tài chính: Ngân hàng, chứng khoán.

Nhóm 2A: Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố;

Nhóm 2B: Người lao động thuộc các đơn vị hoạt động tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (mới bổ sung).

Nhóm 2C: Người lao động thuộc các đơn vị hoạt động tại Cảng Tân Cảng Cát Lái (mới bổ sung).

Nhóm 3A: Nhân viên giao hàng của hệ thống phân phối hoạt động trong địa bàn 01 quận/huyện từ 06 - 18 giờ.

Nhóm 3C: Nhân viên phục vụ hệ thống phân phối, nhân viên điện lực (không giới hạn phạm vi và thời gian hoạt động).

Nhóm 3D: Nhân viên làm việc liên quan xuất, nhập khẩu (thời gian hoạt động 6 - 18 giờ, Sở Công Thương quyết định số lượng và phạm vi hoạt động).

Nhóm 4A: Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành xây dựng trên địa bàn Thành phố (cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật….).

Nhóm 4B: Các công ty bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.

Nhóm 5: Nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ y tế tham gia chống dịch bệnh COVID-19, người cung ứng thuốc, vật tư y tế, bảo trì trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Nhóm 7A: Nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động ngoại giao;

Nhóm 7B: Nhân viên các cơ quan lãnh sự, ngoại giao đi thi hành nhiệm vụ đột xuất (có thời gian và đề xuất cụ thể).

Nhóm 8A: Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ trực thuộc điều phối của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM (bếp ăn, từ thiện, lực lượng thiện nguyện…).

Nhóm 8B: Lực lượng hỗ trợ, cứu trực thuộc Thành Đoàn (mới).

Nhóm 8C: Lực lượng hỗ trợ, cứu trực thuộc hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố (mới).

Nhóm 9A: Lực lượng cung ứng dịch vụ viễn thông, lực lượng báo chí.

Nhóm 9B: Lực lượng cung ứng dịch vụ bưu chính Nhà nước.

Nhóm 10: Dịch vụ công chứng.

Nhóm 11: Nhân viên vệ sinh môi trường, hoạt động tang lễ…

Nhóm 12: Các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ; Nhân viên khách sạn, nhà nghỉ phục vụ cách ly y tế và các lực lượng phòng chống dịch do cấp huyện, xã trưng dụng; Nhân viên giao hàng của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, xuất ăn, thiết bị y tế; Nhân viên các ngành phục vụ xăng dầu, gas; Nhân viên các cơ sở sản xuất thực phẩm (bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu…), cơ sở xuất ăn công nghiệp; Lực lượng cung ứng dịch vụ công ích; xây dụng, bảo trì công trình, trang thiết bị; Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ phòng, chống COVID-19 bao gồm tiểu thương chợ truyền thống hỗ trợ cung ứng hàng hoá (mới); Các lực lượng khác của ngành y tế.

Nhóm 13: Người dân đi tiêm ngừa vaccine COVID-19 (cần có phiếu tiêm ngừa vắc xin); Tổ COVID-19 cộng đồng; Cấp cứu, khám, chữa bệnh định kỳ, người dân về quê theo kế hoạch: Không cấp giấy; Các lực lượng thu gom rác dân lập (mới).

Nhóm 14B: Người đi chợ thay.

Nhóm 15: Công tác kiểm dịch động, thực vật (mới).

Nhóm 16: Các công ty bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết các quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng)

Nhóm 17: Nhân viên cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ) phục vụ cách ly người nước ngoài, nhân viên y tế… do Sở Du lịch quản lý.

Thí điểm hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại Quận 3

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, chiều 22/8, thành phố đã triển khai thí điểm hướng dẫn cho người dân tự thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-COV-2, hay còn gọi là test nhanh. Địa điểm triển khai thí điểm là các hộ dân bất kỳ thuộc phường 9, 13, 14 và Võ Thị Sáu, Quận 3.

Tại nhà các hộ dân được chọn, nhân viên y tế đã hướng dẫn chi tiết cách lấy mẫu bệnh phẩm theo kỹ thuật lấy mẫu tỵ hầu. Với kỹ thuật này, người lấy mẫu cần đưa khoảng 3/4 chiều dài que lấy mẫu vào sâu bên trong mũi. Khi thực hiện đưa que lấy mẫu vào có cảm giác “sụp hầm” hay “sụp ổ gà” là thành công.

Theo chỉ đạo mới nhất của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. Hồ Chí Minh (công văn 2817/UBND-VX), Thành phố sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ cao (vùng cam) và vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) của Thành phố trong 14 ngày tới.

Riêng các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ thuộc vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5 hoặc 10 tuỳ theo vùng) theo đại diện hộ gia đình. Tần suất xét nghiệm: 2 lần, cách nhau 7 ngày.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện, Thành phố Thủ Đức phân công các đội xét nghiệm, trong đó mỗi đội phụ trách 4 tổ dân phố, tổ nhân dân, cấp phát sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh đến từng hộ dân có khả năng tự thực hiện xét nghiệm. Việc cấp test nhanh đến cho người dân phải có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc ban quản lý khu phố, ấp...

Đối với người dân không thể tự thực hiện xét nghiệm, đội xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và có thể hướng dẫn cho người dân thực hiện cho các thành viên trong gia đình.

Sau 30 - 60 phút, nhân viên đội xét nghiệm quay lại nhận kết quả từ người dân, đọc kết quả, ghi nhận những trường hợp có kết quả dương tính vào danh sách và xử lý như trường hợp ca F0 theo hướng dẫn của ngành y tế về xử lý ca khẳng định.

Như vậy, từ ngày 23 đến 25/8/2021, hoàn tất việc xét nghiệm cho toàn bộ người dân. Sau đó tiến hành lặp lại xét nghiệm lần 2. Sau ngày 25/8, tiến hành đánh giá lại mức độ nguy cơ của các tổ dân phố, tổ nhân dân theo tiêu chí của kế hoạch số 2716/KH-BCĐ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.