Bệnh nhân L.V.K (SN 2004, trú tại Sơn La) được đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng đau cột sống thắt lưng, tê bì từ vùng thắt lưng xuống đến gót chân, mất vận động, mất cảm giác nông sâu 2 chi dưới.
Theo lời kể của đồng nghiệp, K bị trượt chân ngã từ độ cao khoảng 4m xuống nền cứng khi đang làm việc tại công trường xây dựng. Sau đó, bệnh nhân bị liệt hoàn toàn 2 chân, được đưa đến bệnh viện bằng ô tô.
Kết quả chụp cho thấy bệnh nhân bị gãy vững đốt sống T12, có mảnh xương vỡ chèn ép vào tủy sống. Sau hội chẩn liên khoa, các bác sĩ nhận định với tổn thương như vậy, nếu không can thiệp sớm, khả năng phục hồi sẽ rất thấp. Do vây, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển thẳng lên phòng mổ để xử lý tổn thương.
Bác sĩ đã phẫu thuật cố định cột sống bằng nẹp vít, mở cung sau D12 giải ép tủy, đặt 2 thanh rod cố định, nắn chỉnh lại mảnh xương vỡ gây chèn ép. 6 giờ sau khi phẫu thuật, 2 chân bệnh nhân đã phục hồi vận động.
Theo TS Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, khả năng phục hồi tổn thương tủy sống phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế tổn thương, thời gian phẫu thuật và mức độ giải phóng chèn ép tủy sống. Bệnh nhân được phẫu thuật càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao.
"Vị trí tổn thương thường gặp nhất của cột sống là ở vùng bản lề cột sống ngực - thắt lưng và thường do tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động gây nên. Hậu quả nặng nề nhất của chấn thương cột sống ở đoạn này là gây mất vững cột sống và thương tổn rễ thần kinh, tủy sống. Các tổn thương thần kinh này thường do các mảnh xương vỡ, máu tụ chèn ép chứ ít khi tủy sống bị đứt rời. Do đó sau khi tai nạn, nếu bệnh nhân được sơ cứu đúng cách và được can thiệp phẫu thuật sớm thì khả năng phục hồi rất cao.
Với trường hợp bệnh nhân L.V.K, sau tai nạn bệnh không được sơ cứu đúng cách, không được cố định cột sống và được vận chuyển bằng xe ô tô cá nhân là rất nguy hiểm, rất dễ khiến tủy sống bị tổn thương nặng nề thêm hoặc có thể tử vong do sốc choáng", TS Trần Trung Kiên cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận