Biết nước bẩn vẫn phải dùng
Quá trưa, bà Nguyễn Thị Chín (khu tái định cư thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) mang đống chén bát ra góc nhà, vục mấy gáo nước chuẩn bị rửa. Mỗi lần múc nước, bà Chín chỉ dám nhẹ tay vì dưới đáy bồn chứa nước đầy cặn bẩn trộn lẫn trong lớp bùn nâu.
Gia đình bà Nguyễn Thị Chín phải dùng nước đầy cặn bẩn, bùn đất dẫn từ suối Khe Định về.
Bà Chín cho hay, thời gian qua khu vực này thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, người dân phải dẫn nước từ thượng nguồn suối Khe Định về dùng. Nguồn nước từ suối nhìn qua thì trong, nhưng lẫn lộn cặn bẩn, bùn đất nên chỉ dám dùng để giặt quần áo, tắm rửa. Còn nước uống, nấu ăn phải mua nước đóng chai loại 20 lít.
"Nhà tôi 6 người dùng hết bình nước lọc loại 20 lít trong một ngày. Tính sơ tiền riêng tiền nước ăn cũng phải tốn hơn 600.000 đồng/tháng", bà Chín nói.
Bà Hồ Thị Ba (tổ 1, thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) chỉ tay ra vườn cây khô héo tiêu điều, những quả bơ chỉ to hơn ngón chân cái nhưng đã rụng vì thiếu nước. "Nước tắm giặt còn không đủ nên có dám tưới cây trong vườn nhiều đâu. Lâu nay nắng hạn khiến chúng khô héo cả", bà Ba than.
Bà Ba chia sẻ, do thiếu nước liên tục nên nhà bà đã thử khoan giếng, nhưng khoan mấy lần vẫn không tìm được nguồn. Thường ngày, bà cùng người dân trong khu phải tự lên khe suối Khe Định hứng nước về dùng.
Thế nhưng năm nay nắng hạn, các con suối, khe trên địa bàn, trong đó có suối Khe Định, Khe Áo cũng dần cạn, khiến hơn 150 hộ dân tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc bị thiếu nước sinh hoạt liên tục. Trong khi đó, Hòa Bắc nằm sát sông Cu Đê, lại có các con sông Nam, sông Bắc, trên địa bàn còn có đập dâng Nam Mỹ với dung tích hàng triệu mét khối để tích nước cho Nhà máy nước Hòa Liên.
"Sống ngay thượng nguồn song nhưng người dân địa phương vẫn thiếu nước sạch là rất vô lý", bà Ba nói.
Ông Trương Thanh Nhân, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho hay, xã có hơn 1.378 hộ dân, khoảng 4.300 nhân khẩu. Trên địa bàn xã có 13 công trình cấp nước sạch nông thôn phục vụ cho 7 thôn, nhưng có đến 6 công trình đã hư hỏng, không thể sử dụng. Ngoài ra, xã có 2 khu vực chưa có ống dẫn nước khiến 70 hộ dân phải tự khoan giếng, tự dẫn nước từ suối về dùng.
Cần giải pháp lâu dài
Theo một lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang, không chỉ xã Hòa Bắc, các xã Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Sơn cũng xảy ra tình trạng thiếu nước, nước yếu, chưa đạt chuẩn so với chỉ tiêu đánh giá tiêu chí nước sạch trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Suối Khe Định cạn kiệt, trơ đáy trong mùa khô
Do vậy, huyện đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng sớm có phương án đầu tư, nâng cấp công trình cấp nước sạch tại 11 xã trên địa bàn, lắp thêm các trạm bơm tăng áp, đầu tư trạm xử lý nước tập trung cũng như quy hoạch lại hệ thống cấp nước.
"Trước mắt, huyện đề nghị triển khai ngay phương án cung cấp nước sạch lưu động bằng xe bồn cho người dân địa bàn hai thôn Tà Lang, Giàn Bí cùng các thôn trên địa bàn xã Hòa Bắc và các xã lân cận để đảm bảo nước sinh hoạt", vị này cho hay.
Về lâu dài, UBND huyện Hòa Vang cho rằng, cần quy hoạch lại hệ thống cấp nước cho xã Hòa Phú, Hòa Bắc nhằm loại bỏ các hệ thống cấp nước đang phân bố rải rác, phân tán.
Cùng đó, cần đầu tư xây dựng trạm xử lý nước tập trung có công suất 2.000m³/ngày/đêm tại trạm bơm nước thô Nam Mỹ, sử dụng nguồn nước tại đập dâng Nam Mỹ hoặc trên tuyến ống nước thô Hòa Liên để loại bỏ các cụm xử lý nhỏ lẻ hiện nay. Đồng thời, đầu tư tuyến ống nước sạch lên cung cấp cho 2 thôn Tà Lang - Giàn Bí kết hợp bơm tăng áp và bể chứa trung gian.
Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa ký văn bản giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu, đề xuất UBND thành phố lựa chọn đơn vị bàn giao 3 công trình cấp nước sạch còn lại tại xã Hòa Bắc để đưa vào sử dụng.
Mới đây, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng đề xuất UBND TP Đà Nẵng cho xây dựng hệ thống đường ống kết nối các công trình cấp nước nhỏ tại xã Hòa Bắc để hỗ trợ nguồn nước giữa các công trình.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu lựa chọn xây dựng phương án đầu tư đường ống dẫn nước từ nhà máy nước Hòa Liên cấp cho khu vực nông thôn miền núi Hòa Bắc hoặc xây dựng nhà máy nước tại xã Hòa Bắc (thượng lưu đập Nam Mỹ) sử dụng nguồn nước sông Cu Đê.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận