Nâng thời hạn thị thực thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển
Chiều 2/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ)
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) cho biết, dự thảo Luật đã có nhiều điểm mới nhằm tạo điều kiện để người nước ngoài đến du lịch, công tác tại Việt Nam khi quy định thị thực điện tử có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây, đồng thời, nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng.
"Quy định này phù hợp đáp ứng với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch nước ngoài, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu để tìm hiểu, xúc tiến đầu tư", đại biểu Phương nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) cho biết, việc sửa đổi bổ sung dự án Luật này sẽ góp phần làm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam và khách quốc tế xuất, nhập và quá cảnh.
Qua nghiên cứu cho thấy, do thời hạn thị thực điện tử ngắn nên ngành du lịch Việt Nam chưa thu hút được người nước ngoài có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày. Do vậy, việc nâng thời hạn thị thực lên 3 tháng và có giá trị nhiều lần sẽ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)
Đề xuất tăng thời hạn tạm trú lên 60 ngày
Về thời hạn tạm trú, dự thảo luật đã quy định nâng thời hạn từ 15 ngày lên 45 ngày, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho rằng nên nâng lên 60 ngày bởi đây là thời gian phù hợp đối với khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng đủ dài, phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp du lịch của Việt Nam, quốc tế và tương đồng với chính sách của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng bày tỏ băn khoăn về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và số quốc gia được chúng ta đơn phương miễn thị thực chưa nhiều so với các nước trong khu vực.
Đại biểu Hùng đặt câu hỏi với khách du lịch ở các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày, vậy với các nước khác thì cấp bao nhiêu ngày.
Theo đại biểu, qua nghiên cứu chính sách thị thực của Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực, có thể thấy so với một số nước thì thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam thấp hơn.
Ngoài ra, các nước lân cận cũng áp dụng đơn phương miễn thị thực đối với nhiều quốc gia hơn so với Việt Nam.
Về chính sách thị thực trong lĩnh vực du lịch, trong số 11 quốc gia Đông Nam Á, chỉ còn Việt Nam và Myanmar yêu cầu phải xin thị thực trước khi đến đối với đa phần các thị trường nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống.
Trong khi đó, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia đã miễn thị thực trong 30 - 90 ngày đối với khách quốc tế từ các quốc gia là thị trường du lịch chính của họ. Hiện tại, thời gian áp dụng đơn phương miễn thị thực đối với khách du lịch quốc tế của Việt Nam cũng chỉ bằng 15 - 50% so với các quốc gia. Ngoài ra, số lượng các quốc gia được Việt Nam miễn thị thực cũng chỉ bằng 5 - 15% so với các nước ASEAN.
Cho rằng, việc sửa đổi thời gian tạm trú và miễn thị thực cũng chưa tăng nhiều, đại biểu đề nghị cần tăng thời gian tạm trú đối với người nước ngoài cũng như tăng các nước được miễn thị thực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận