Giao dịch trầm lắng
Những năm qua, trên địa bàn Đồng Nai triển khai rất nhiều dự án giao thông lớn, điển hình là sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành… cùng hàng loạt đường kết nối TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Long An.
Đất nhà vườn một thuở “sốt xình xịch” ở Đồng Nai nay trầm lắng, hầu như không có giao dịch.
Vài năm trước, thị trường địa ốc tại Đồng Nai thuộc diện sôi động bậc nhất cả nước, bởi gần biển Vũng Tàu, gần TP.HCM, đường sá thuận lợi, có sân bay, cảng biển, nhiều khu công nghiệp và là nơi có thị trường lao động lớn.
Ngoài thị trường địa ốc đô thị, Đồng Nai có lợi thế rừng núi, sông ngòi, hồ lớn (hồ Trị An) nên giới có tiền săn đất làm nhà vườn. Dù vậy, 2 năm trở lại đây tình hình rất vắng vẻ.
Anh Đình Tâm, một nhà đầu tư bất động sản tại Đồng Nai cho biết, trước đây anh chủ yếu đầu tư vào đất sào (đất vườn phân thành từng lô 1.000m2) quanh khu vực huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và TP Long Khánh…
Đây là những vùng kết nối thuận lợi với TP.HCM qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, các quốc lộ 1, 51, 20, đường tỉnh 768…
Một số vùng khác như Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc… giới đầu tư cũng nhắm đến do kỳ vọng vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và chờ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (quốc lộ 20, hướng đi Đà Lạt), cao tốc Bến Lức - Long Thành (đi Long An) hoàn thành.
Những năm 2020, 2021, xe cộ khắp nơi nườm nượp đưa khách về những nơi này coi đất, chốt tiền, giao dịch vô cùng sôi động.
“Suốt 12 năm gắn bó với nghề môi giới, tôi chưa từng nghĩ có thời điểm bất động sản lại chững như hiện nay. Hiện tôi đang rao bán cắt lỗ 12 thửa đất tại huyện Vĩnh Cửu, gần vị trí cầu Bạch Đằng 2 đang xây dựng với giá thấp hơn năm 2022 khoảng 25% nhưng đã bốn tháng chưa bán được lô nào”, anh Tâm kể.
Chị Nguyễn Thị Thương (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) thì không phải người đầu cơ, chỉ là người có nhu cầu mua đất vườn để ở nhưng cũng… gặp hạn.
Đầu năm 2021, chị mua 600m2 đất vườn ở xã nông thôn mới Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, có hệ thống giao thông nông thôn rất tốt, giá 2 tỷ đồng.
“Khi đó tôi thấy giá đất như vậy là phù hợp. Vị trí đất tôi mua cách TP Biên Hòa 10km, lại ven sông, bên kia là TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nên rất hy vọng lâu dài giá đất tăng. Tuy nhiên, đến giờ đất khu vực này hiện nay giá chỉ còn 2,2 - 2,6 tỷ/sào so với gần 4 tỷ đồng/sào trước đó”, chị Thương chia sẻ.
Nợ ngân hàng treo lơ lửng
Với những người đầu cơ, điều khiến họ đau đầu nhất là việc gánh lãi vay ngân hàng. Anh Phương Vỹ, người từng vay 5 tỷ đồng để mua một mảnh đất ở Long Khánh, Đồng Nai cho hay: “Tôi vừa đôn đáo vay cả bên nội bên ngoại, trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng. May mà thoát ra được, chứ giờ này còn ôm nợ khéo nhà cửa cũng không còn để ở”.
Anh Vỹ là người may mắn, bởi còn nhiều người chưa thể thoát hàng, hàng tháng gồng mình đóng lãi. Anh Minh Quang Vinh, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM kể, đầu năm 2022, anh mua một thửa đất vườn rộng 1.000m2 tại TP Long Khánh, Đồng Nai với giá 1,7 tỷ đồng (lúc này đất vườn tại Long Khánh khoảng 12 - 30 triệu đồng/m2 tùy vị trí).
Đất nằm gần cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Dây và cách quốc lộ 1 chỉ 1km, lại gần cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sắp khởi động nên vợ chồng anh mạnh tay vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng để chốt.
“Không biết phong thủy cũng cầm chắc có lời nên tôi mua ngay. Nhưng giờ đây, tình cảnh dở khóc dở cười vì giá đất vườn giảm, còn lãi ngân hàng vẫn phải đóng đều. Gồng lãi khá mệt nên tôi rao bán giá 1,5 tỷ, có nhờ môi giới nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì”, anh Vinh than vãn.
Cũng theo anh Vinh, trước đây khi nói đến đất vườn, “cò đất” rất hứng thú, còn hiện nay chẳng ai mặn mà vì khó giao dịch, hiếm khách.
Trên thực tế, thị trường đất vườn từng sôi động mạnh sau dịch Covid-19. Khi đó, việc lướt sóng liên tục diễn ra tại nhiều huyện ở Đồng Nai do có lợi thế gần TP.HCM.
Thời gian này có nhiều người lao vào làm “cò đất”, một số lượng lớn người từ TP.HCM cũng tìm về săn nguồn để bán sang tay. Trong đó nhiều người có thể kiếm tiền tỷ mỗi tháng.
“Giờ thì khác xa. Trước đây các huyện ở Đồng Nai dày đặc văn phòng công chứng, môi giới đất đai, giờ gần như vắng bóng”, anh T, một “cò đất” than thở.
Chị P.T.N làm việc ở một văn phòng công chứng tại phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, Đồng Nai cho biết: “Thực tế các văn phòng công chứng dựa vào giao dịch đất đai là nhiều. Từ cuối năm 2022 đến nay, giao dịch đất đai giảm mạnh. Giờ văn phòng nào liên kết được với các ngân hàng để công chứng thế chấp thì còn tạm ổn, còn hầu hết rất èo uột”.
Tương tự, anh T.A, làm việc tại văn phòng công chứng ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai chia sẻ: “Giờ tôi chỉ mong thị trường sớm ổn định để các giao dịch nhà đất nhiều, mọi người mua có bán và chúng tôi có công việc để làm”.
Giảm 70% giao dịch
Theo các chuyên gia, hiện nay do khó đoán được bất động sản chạm đáy thời điểm nào nên nhiều nhà đầu tư vẫn chần chừ không dám xuống tiền với đất vùng ven TP.HCM. Điều đó khiến cho các sản phẩm đất sào, nhà vườn khó chuyển biến.
Chia sẻ với Báo Giao thông, một cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai TP Long Khánh cho biết, thời điểm này, giao dịch mua, bán đất thửa tại Long Khánh giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2020, 2021 và đây cũng là tình hình chung trong toàn tỉnh Đồng Nai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận