Quản lý

Đề xuất doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe lái xe

13/06/2024, 06:00

Dự thảo Luật Đường bộ quy định doanh nghiệp vận tải phải tổ chức khám sức khỏe cho lái xe nhằm đảm bảo an toàn, ngăn ngừa tai nạn giao thông.

Kiểm soát sức khỏe lái xe còn nhiều bất cập

Tòa án nhân dân huyện An Lão, TP Hải Phòng vừa mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Vũ Thế Khôi (trú Hải Dương) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. 

Đề xuất doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe lái xe- Ảnh 1.

Ban ATGT tỉnh Hải Dương tổ chức khám sức khỏe, kiểm tra việc sử dụng ma túy đối với các tài xế xe kinh doanh vận tải. Ảnh: Quốc Phương.

Trước đó, đêm 23/11/2021, Khôi điều khiển xe ô tô đầu kéo từ quận Kiến An về huyện An Lão và đâm vào một xe con khiến 2 người trên xe tử vong. Kết quả xét nghiệm cho thấy, Khôi dương tính với các chất ma túy. 

Ngày 14/12/2023, trên tuyến quốc lộ 51, lực lượng CSGT tỉnh Đồng Nai phát hiện lái xe N.Đ.V (trú Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển ô tô khách 16 chỗ có dấu hiệu bất thường nên yêu cầu dừng xe. Qua test nhanh, cảnh sát xác định tài xế V dương tính với ma túy đá. 

Tính chung trong năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm giao thông. Trong đó, có 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gần 3.000 trường hợp lái xe dương tính với ma túy. 

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, thực trạng này gây hệ lụy  rất lớn tới ATGT. Nguyên nhân là do việc kiểm soát sức khỏe của lái xe kinh doanh vận tải còn nhiều bất cập. 

Với các doanh nghiệp có lượng xe lớn, thường họ sẽ chủ động mời các cơ sở y tế về trực tiếp kiểm tra. Còn doanh nghiệp nhỏ hay hộ kinh doanh thường giao tài xế tự liên hệ với các cơ sở y tế để được cấp giấy chứng nhận sức khỏe. 

"Trong khi đó, số đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô nhỏ lẻ chiếm đến 80%. Điều này đặt ra vấn đề liệu việc khám và cấp giấy khám sức khỏe có thực chất hay không?", ông Quyền nói.

Cũng theo ông Quyền, nhiều đơn vị vận tải tiếp nhận lái xe nhưng không thể kiểm chứng giấy chứng nhận sức khỏe trong hồ sơ xin việc. Không ít tài xế bị sa thải hay bị lực lượng chức năng phát hiện sử dụng chất kích thích vẫn tiếp tục đi xin việc tại doanh nghiệp khác.

Siết trách nhiệm của doanh nghiệp 

Để khắc phục thực trạng trên, tại dự thảo Luật Đường bộ đang được Quốc hội cho ý kiến đề xuất nhiều nội dung mới, trong đó có quy định doanh nghiệp vận tải phải tổ chức khám sức khỏe cho lái xe. 

Theo Cục Đường bộ VN, cơ sở dữ liệu quản lý thông tin lái xe kinh doanh vận tải sẽ là kênh thông tin quan trọng để doanh nghiệp vận tải tham khảo trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lái xe.

Đại diện Cục Đường bộ VN cho biết, hiện Nghị định 41/2024 và Thông tư 12 đã có quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe. 

Tuy vậy, việc quản lý lái xe kinh tại các doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Không ít doanh nghiệp còn ép lái xe chạy theo đơn hàng, thiếu giám sát, cập nhật hồ sơ lý lịch lái xe kiểu đối phó.

Việc luật hóa quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để buộc các đơn vị vận tải phải lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để tổ chức khám sức khỏe cho lái xe, tránh tình trạng để lái xe tự đi khám và mang kết quả về. Đồng thời, theo dõi, quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động của lái xe trong suốt quá trình tham gia kinh doanh vận tải. 

Lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, việc luật hóa quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Đây còn là cơ sở để các cơ quan quản lý nghiên cứu xây dựng quy định chi tiết tại nghị định hướng dẫn sau khi luật được ban hành.

Sẽ có dữ liệu lái xe vận tải

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu để cập nhật thông tin khám sức khỏe của tài xế để phối hợp với doanh nghiệp quản lý lái xe, kịp thời sa thải nếu phát hiện sử dụng ma túy, loại trừ khi tuyển chọn mới.

Tại dự thảo Luật Đường bộ và Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã quy định hình thành hệ dữ liệu về trật tự ATGT, các dữ liệu vi phạm ATGT. Nếu sức khỏe lái xe được lưu trữ và chia sẻ, khi đó các cơ quan quản lý sẽ nắm được lai lịch lái xe. 

Nếu dữ liệu đó được tích hợp trên hệ dữ liệu quốc gia, doanh nghiệp tra cứu có thể nắm được tình trạng sức khỏe lái xe trước khi tuyển. 

Từ đây có thể kiểm tra, biết được lịch sử của lái xe, khám sức khỏe ở đâu, được cấp GPLX khi nào, có vi phạm hành chính, vi phạm trật tự ATGT hay không, vi phạm lỗi gì, ở đâu.

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ VN, trong đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin ngành đường bộ, đơn vị này đang tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin lái xe kinh doanh vận tải. 

Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải cập nhật thông tin của từng lái xe từ khi bắt đầu vào đơn vị làm việc đến khi kết thúc làm việc như: Thông tin GPLX, thông tin vi phạm ATGT và kết quả xử lý vi phạm của doanh nghiệp, thông tin về đào tạo. 

Hệ thống này kết nối các dữ liệu cấp GPLX, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và dữ liệu vi phạm ATGT của Cục CSGT. 

Cơ sở dữ liệu sẽ ghi nhận về sức khỏe, vi phạm giao thông của lái xe. Dữ liệu sẽ được tổng hợp theo từng lái xe, từng đơn vị kinh doanh vận tải để làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng lao động và đào tạo nâng hạng cấp GPLX. 

Doanh nghiệp mong sớm có dữ liệu sức khỏe lái xeDoanh nghiệp mong sớm có dữ liệu sức khỏe lái xe

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu sức khỏe lái xe sẽ góp phần quản lý chặt chẽ người điều khiển phương tiện, khiến doanh nghiệp vận tải bớt nỗi lo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.