Xã hội

Đón Giao thừa trên đại công trường Lạch Huyện

09/02/2024, 06:14

Tết là thời khắc đoàn viên của mọi gia đình. Nhưng Tết với nhiều kỹ sư, công nhân gắn với công trường bụi bặm, với gió, với những tiếng sóng biển rì rào lại là nỗi nhớ nhà da diết.

Nhớ nhà rơi nước mắt

Giáp tết Nguyên đán, anh Lê Thanh Nhân (43 tuổi, ngụ Thanh Hóa) vẫn cùng anh em công nhân trên đại công trường bến cảng Lạch Huyện thoăn thoắt với những công việc để sớm đưa bến cảng 3 và 4 kịp về đích đúng kế hoạch.

Đêm Giao thừa trên đại công trường Lạch Huyện- Ảnh 1.

Đại công trường xây dựng các bến cảng số 3, 4, 5, 6 tại Lạch Huyện (Hải Phòng). Ảnh: Tạ Hải.

Gần 20 năm đi khắp mọi miền đất nước để góp phần dựng xây những bến cảng của quê hương, anh Nhân có hai lần phải đón năm mới chốn công trường. Và mỗi lần anh đều thấm thía nỗi buồn xa nhà.

Tay thoăn thoắt lắp từng tấm cốp pha, người đàn ông tuổi ngoài tứ tuần, gương mặt sạm đỏ đi vì nắng gió miền biển kể kỷ niệm về cái Tết xa quê đầu tiên nơi công trường.

Đó là năm 2017, khi anh phải vào miền Nam thi công tại công trường Lọc hóa dầu Long Sơn. Gần Tết, anh cùng một số anh em công nhân nhận được phân công của lãnh đạo về việc trực Tết.

Cảm xúc trong anh chùng xuống và gọi điện thông báo cho vợ. May mắn, anh được bà xã cảm thông và động viên.

"Anh em cúng Giao thừa và chúc Tết đầu năm xong là mỗi người nằm cầm điện thoại nhắn tin, nói chuyện với gia đình.

Công trường ở xa khu dân cư nên cũng không có nơi nào để đi chơi, không có đào mai, cũng chẳng có tiếng pháo hoa tưng bừng. Tôi gọi điện cho vợ con mà tủi thân vì nhớ nhà", anh Nhân nhớ lại.

Cả tuổi trẻ phơi mưa phơi gió chốn công trường các bến cảng, người đàn ông xứ Thanh thừa nhận việc phải đón Tết xa nhà là điều không ai mong muốn.

Có điều, đó là công việc, là nhiệm vụ nên anh và mọi người tự động viên cố gắng, cũng vì cuộc sống ấm no hơn của gia đình.

Điều an ủi cho họ là mức lương ngày Tết cao gấp 4 - 5 lần so với ngày thường. Tới mùng 2 - 3 Tết, có các anh em khác tới thay trực ca, họ mới được về đoàn tụ cùng gia đình.

Một lần khác, anh cùng một số anh em ở lại trực khi thực hiện dự án ở cảng Đình Vũ. Năm ấy, họ quyết định "đổi gió", lên sà lan để đón Giao thừa.

Không gian trên sà lan chật chội, thiếu thốn nhiều thứ. Song, không gian ấy lại mang tới sự quây quần, ấm áp.

Cái Tết của những người đàn ông, gian bếp thiếu vắng bàn tay phụ nữ "phát lộ" ra nhiều đầu bếp tài năng.

"Anh em hay xa nhà nên trình độ nấu nướng đều ổn, có khi nấu ngon hơn phụ nữ. Trên sà lan tuy rét hơn nhưng có sóng dập dềnh, cảm giác như trên du thuyền vậy", anh Nhân hài hước.

Nỗi khắc khoải lúc Giao thừa

Trong khi đó, làm công việc tư vấn giám sát nên chàng kỹ sư Lê Công Ngọc cũng có lắm kỷ niệm khi đón năm mới xa quê.

Đêm Giao thừa trên đại công trường Lạch Huyện- Ảnh 2.

Kỹ sư Lê Công Ngọc trên công trường bến 3, 4 Lạch Huyện.

Anh kể, có lần đi dự án cảng ở đảo Song Tử Tây (Trường Sa) vào đúng dịp cuối năm. Nhiều người được tạo điều kiện để về nhà đón năm mới, còn anh cùng một vài anh em khác ở lại trực, trông coi máy móc, thiết bị, đồ đạc và giám sát công trường.

"Chiều 30 Tết, tôi leo lên cao, nhìn bốn bề mênh mông là nước với ánh chiều tà.

Khoảnh khắc đó nhớ nhà, buồn đến rơi nước mắt lúc nào không hay", chàng kỹ sư thổ lộ và nói nửa đùa nửa thật với chỉ huy trưởng của công trình rằng, nếu về được đất liền, anh sẽ không quay trở lại nữa.

"Đó là tâm trạng thật. Những ngày cuối năm ở công trường nhưng toàn bộ tâm trí đều ở nhà", anh Ngọc bộc bạch.

Tranh thủ giờ giải lao ăn vội bữa cơm trưa, anh Trần Đức Cần (Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân) tiết lộ, năm nay, dự án bến 3,4 cảng Lạch Huyện nơi anh làm việc đang ở thời kỳ cao điểm nên các công nhân, kỹ sư không quản ngày nghỉ, ngày lễ để thi công.

Tết năm 2023, anh Cần cũng cùng một số anh em đã phải đón năm mới tại công trường này. Đã nhiều năm đón Giao thừa xa nhà nên giờ đây, anh đã quen với những ngày đầu năm canh trực máy móc chứ không được quây quần bên gia đình.

Vì chưa lập gia đình, không vướng bận chuyện con cái nên người công nhân cũng có phần thoải mái hơn nhiều đồng nghiệp.

Trong ký ức của anh, giọt nước mắt của người đồng nghiệp trong khoảnh khắc sang canh năm mới khiến anh nhớ mãi.

Đó là cái Tết của năm 2010, khi anh Cần đang làm việc tại dự án cảng Interflour tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Năm đó, chỉ có khoảng chục công nhân ở lại để trực. Phương tiện thông tin liên lạc thời điểm đó cũng chưa phổ biến và hiện đại như ngày nay nên để liên lạc về nhà với gia đình, nói chuyện cho đỡ nhớ vợ con không thuận tiện.

Giờ phút Giao thừa, mọi người cùng nâng chén chúc mừng năm mới.

"Một người chú lớn tuổi sau khi uống rượu, mắt đỏ hoe. Mọi người hỏi han mới biết, chú ấy nhớ nhà", anh kể và cho biết, để giải khuây giữa chốn công trường vắng vẻ ngày Tết, anh em công nhân rủ nhau câu mực, câu cá.

Tạm gác nỗi nhớ, bám công trường

Ở một nơi khác, kỹ sư Bùi Văn Tiến (Công ty Geo Việt Nam) đang miệt mài chỉ huy, đốc thúc sát sao tiến độ dự án bến 5, 6 cảng Lạch Huyện.

Đêm Giao thừa trên đại công trường Lạch Huyện- Ảnh 3.

Kỹ sư Bùi Văn Tiến kiểm tra chất lượng kỹ thuật công trình trên dự án xây dựng bến 5,6 Lạch Huyện.

Anh bảo, nghề kỹ sư quanh năm bám trụ với công trường nắng gió, xa nhà suốt ngày nên không được về quê để cùng vợ con chuẩn bị đồ đạc mừng năm mới là chuyện bình thường. Có năm, anh trực xuyên Tết nhưng cũng có lần chỉ phân trực ca.

Theo nam kỹ sư, doanh nghiệp luôn cố gắng bố trí cho các công nhân, kỹ sư được về nhà bởi họ hiểu rằng, tinh thần là điều quan trọng để mọi người làm việc hiệu quả.

Hàng chục năm đi theo các công trường, song cái Tết khiến anh Tiến nhớ nhất là năm 2012, khi anh trực chính tại dự án Cát Linh - Hà Đông.

Năm đó, tối mùng 1 Tết, anh quyết định đi xe máy vượt hàng chục cây số để về quê nhà Hưng Yên rồi sáng sớm mùng 2 lại lò dò lên công trường.

"Tôi không muốn ăn uống, trong đầu chỉ nghĩ tới về quê", anh cười. Tới khi đã có gia đình, những cái Tết xa nhà càng khiến anh sốt ruột hơn.

Thậm chí, anh và bà xã còn gọi điện "buôn" chuyện suốt đêm để vơi nỗi nhớ.

Nhắc tới vợ, ánh mắt anh Tiến sáng lên. Anh bảo trước khi cả hai về chung nhà, anh đã hỏi vợ: "Nghề của anh như vậy, phải đi suốt ngày, em có chấp nhận được không?

Nếu xác định chấp nhận được thì chúng ta kết hôn". Và tình yêu của cả hai đã vượt qua tất cả.

"Có thời gian, 5 - 6 tháng tôi mới về nhà. Nửa đêm, vợ nhắn con sốt, phải đi viện mà tôi trằn trọc lo lắng, buồn vì không thể về", chàng kỹ sư tâm sự.

Dứt lời, những người công nhân lại tất bật với công việc. Gác lại sau lưng nỗi nhớ gia đình trong những khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời, họ cố gắng miệt mài để sớm đưa các dự án về đích, để những bến cảng quê hương thành hình, cho những con tàu rẽ sóng vươn khơi.

Những ngày sát Tết, đại công trường xây dựng các bến cảng số 3,4,5,6 tại Lạch Huyện (Hải Phòng) vẫn rầm rập tiếng máy.

Dự án xây dựng hai bến container số 3, 4 có tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng, tổng chiều dài 750m, rộng 50m; Một bến sà lan, tiếp nhận tàu, sà lan sức chứa 100 - 160 Teus... Dự kiến tới năm 2025, các bến 3 và 4 sẽ được đưa vào khai thác.

Dự án bến 5, 6 Lạch Huyện có tổng mức đầu tư khoảng 8.900 tỷ đồng, đầu tư 2 bến tàu có chiều dài 990m (mỗi bến tàu dài 450m) tiếp nhận cỡ tàu container 12.000 - 18.000 TEUs; 1 bến sà lan có chiều rộng 100m, tiếp nhận tàu sức chở 160 TEUs.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.