Xã hội

Dẹp loạn vỉa hè bắt đầu từ đâu?

26/02/2023, 07:00

Theo các chuyên gia, để giải quyết tận gốc vấn đề, tránh tái lấn chiếm vi phạm vỉa hè, cần triển khai đồng loạt nhiều giải pháp.

Tăng chế tài xử phạt, xóa bỏ lợi ích nhóm

Quán trà chanh gần 2 trường học của chị T.H ở một quận nội đô Hà Nội càng về chiều tối càng đông khách. Khách đông đến đâu, chị H. mang thêm bàn ghế ra vỉa hè kê đến đấy.

Đến tối, toàn bộ diện tích vỉa hè phía trước quán đều bày kín bàn ghế, người đi bộ muốn đi qua khu vực quán phải lách qua dãy bàn ghế ken kín, hoặc đi xuống lòng đường.

"Diện tích trong quán chỉ có 20m2, tôi thuê quán này vì có thể bày thêm ra vỉa hè. Khi nào cơ quan chức năng đến thì cả chủ và nhân viên, thậm chí cả khách cùng bê bàn ghế cất đi.

Nếu thi thoảng có đen đủi bị thu giữ 1 ít bàn ghế thì cũng phải chịu", chị H. chia sẻ.

img

Một đoạn vỉa hè tại phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) bị bủa vây bởi bàn ghế của quán lẩu

"Một số mức phạt vỉa hè tương đối thấp, chính vì thế nhiều người sẵn sàng vi phạm", một cán bộ Công an phường ở quận Cầu Giấy cho biết.

LTS: Từ nhiều chục năm qua, chính quyền các thành phố lớn thường xuyên có các chiến dịch lập lại trật tự, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, chưa đời chủ tịch thành phố nào thành công. Vỉa hè bị lấn chiếm luôn là vấn đề nóng, nhưng lại quá khó để giải quyết.

Tân Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Sỹ Thanh cũng vừa có kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm giao thông, trật tự đô thị và công cộng, trong đó có yêu cầu trả lại nguyên trạng vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ.

Lần này Hà Nội có thành công? Và để thành công Hà Nội, các thành phố cần làm gì?

Báo Giao thông mở diễn đàn về vấn đề này, mong nhận được hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

Các ý kiến xin gửi về hộp thư bandoc@baogiaothong.vn.

Theo đó, hiện hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng chỉ bị xử phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng đối với cá nhân, từ 200 - 400 nghìn đồng đối với tổ chức.

Hơn nữa, những hộ kinh doanh trên vỉa hè thường chỉ sử dụng một vài chiếc bàn ghế nhựa, gỗ nhỏ, thậm chí bàn bằng thùng xốp chế, nên khi bị lực lượng chức năng thu giữ, thì hộ kinh doanh cũng bỏ luôn, không chịu đến ký biên bản xử phạt.

"Nếu tăng chế tài xử phạt, hoặc có hình phạt bổ sung như cấm kinh doanh trong thời hạn bao nhiêu tháng với hộ vi phạm, thì có tính răn đe hơn", vị cán bộ này cho biết.

Đồng tình với việc xem xét, tăng chế tài xử phạt 1 số hành vi lấn chiếm vỉa hè, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa quan tâm thêm đến trách nhiệm cá nhân và lợi ích nhóm trong vấn đề này.

"Cần phải gắn trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự vỉa hè. Nếu nơi nào để tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng nhiều thì cần xử lý nghiêm cán bộ có trách nhiệm về việc này", ông Hòa nói.

Ông Hoà cũng lưu ý, hiện thực trạng thu lợi từ việc lấn chiếm vỉa hè đang khiến công tác xử lý vi phạm gặp khó khăn.

"Chúng ta cần phải có chế tài để những người thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự vỉa hè cần phải khách quan, không vì bất cứ lý do gì mà không xử lý những vi phạm. Nếu đã vi phạm thì kể cả là người thân, họ hàng đều phải xử lý nghiêm", ông Hoà nhấn mạnh.

img

Có ý kiến cho rằng, cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để tình trạng nhiều vỉa hè trên địa bàn quản lý bị lấn chiếm

Vỉa hè phải dành ưu tiên số 1 cho người đi bộ

Khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định: Vỉa hè và lòng đường chỉ được sử dụng cho các mục đích giao thông chức năng chính của vỉa hè là để sử dụng cho mục đích giao thông. Đối với những trường hợp sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định, nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT.

"Sau này khi hệ thống giao thông công cộng tốt hơn thì vỉa hè dành cho người đi bộ là rất quan trọng nên các cơ quan chức năng cần có những phương án cụ thể, đồng bộ và khoa học", TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải.

Theo các chuyên gia, với những quy định pháp luật hiện hành, thì kể cả khi UBND cấp tỉnh quy định sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường vào mục đích khác, thì cũng phải đặt mục đích giao thông lên hàng đầu.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, quy định như vậy là chưa đủ để giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Luật Giao thông đường bộ cần quy định rõ vỉa hè là dành cho người đi bộ chứ không phải dành cho giao thông.

"Theo luật thì vỉa hè là dành cho giao thông nhưng giao thông ở đây thì để xe máy hay ô tô cũng đều là giao thông. Do đó, cần phải sửa đổi luật và quy định rõ vỉa hè là dành cho người đi bộ", ông Thuỷ cho hay.

Đồng thời, ông Thuỷ cũng đề xuất, sau khi luật quy định rõ, thì cần phải tuyên truyền để các hộ dân nắm được rằng vỉa hè là công cộng, không phải của riêng ai, chỉ phục vụ người đi bộ.

Đồng quan điểm, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Uỷ ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, để giải quyết "cái gốc" của vi phạm vỉa hè, thì phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến với những hộ kinh doanh lấn chiếm diện tích vỉa hè để họ hiểu lòng đường, hè phố là không gian công cộng, chứ không phải "sân nhà" mình.

"Sau tuyên truyền, sẽ là những giải pháp cưỡng chế, xử lý nghiêm và quyết liệt duy trì, chống tái lấn chiếm", ông Tạo nhìn nhận.

img

Tại phố bích hoạ Phùng Hưng, xe máy tại các cửa hàng kinh doanh đa số đều để dưới lòng đường

Hài hoà bài toán kinh tế vỉa hè

Xác định chức năng chính của vỉa hè phục vụ người đi bộ, nhưng thực tế cho thấy, cũng không thể triệt tiêu việc kinh doanh, mưu sinh trên các vỉa hè.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, khi không thể xóa bỏ hoàn toàn những hoạt động kinh tế trên vỉa hè thì nên cho phép kinh doanh theo các tuyến đường và quản lý.

Ông Tùng nêu phương án xây dựng thí điểm cho thuê vỉa hè để kinh doanh. Đối với những khu vực vỉa hè có khả năng kinh doanh thì phải xây dựng đề án cho thuê nhưng phải trên nguyên tắc giữ gìn.

"Việc kết hợp giữa đi bộ và các công năng cũng là để phát triển kinh tế. Điều này sẽ đảm bảo hài hoà giữa vấn đề mưu sinh của người dân và vấn đề trật tự, mỹ quan đô thị", ông Tùng cho hay.

Với bài toán kinh tế vỉa hè, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khoá XIII đề xuất Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ vỉa hè tuyến phố nào đủ điều kiện cho các tiểu thương buôn bán, vỉa hè nào không. Từ đó, TP Hà Nội có thể xây dựng đề án thí điểm cho buôn bán trên vỉa hè một cách hợp lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.