Vận tải

Dịch chưa qua, xăng tăng giá, nhiều xe khách ở Quảng Trị nghỉ chạy

27/02/2022, 20:53

Khách đi lại ít cộng với giá xăng dầu tăng liên tiếp khiến vận tải khách đang nỗ lực phục hồi gặp nhiều khó khăn, nhiều xe xin nghỉ chạy...

Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày cuối tháng 2, Bến xe Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) bên QL1 trong cảnh đìu hiu vắng khách, nhiều xe hoạt động trên các tuyến tại đây cũng đang xin tạm dừng hoạt động.

“Mỗi chuyến từ Bến xe Đông Hà vào Bến xe phía Bắc TP. Huế và quay ra nếu tính cả chi phí xăng dầu, lệ phí 2 đầu bến và phí qua trạm thu phí trên QL1 khoảng 550 nghìn đồng, phần nhiều chạy là lỗ. Mỗi chuyến được đôi ba khách là mừng lắm, nếu không chạy xe rỗng”- lái xe Trương Văn Toán cho hay.

img

Bến vắng khách, các xe tuyến Đông Hà - Huế cũng chỉ toàn tài xế

Theo ông Toán, trước đây tuyến Đông Hà - Huế 30 phút có 1 xe xuất bến, còn hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khách ít, giá xăng dầu liên tiếp tăng, vừa qua lại tăng nữa nên số xe trên tuyến chạy ít hẳn, hơn 40 phút mới có một xe xuất bến mà cũng không có một khách.

“Các xe đang hoạt động trên tuyến hiện nay chủ yếu chồng lái vợ phụ xe, chạy cầm cự có công việc cũng “khuây khỏa” vì không chạy cũng không biết làm chi. Chạy thì đôi khi dọc đường gặp được vài khách, rồi có khi dọc đường họ gửi đôi ba cục hàng cũng thêm ít tiền chi phí. Nếu thuê phụ xe ngày gần 150 nghìn, tài xế 250 nghìn ra vô chưa kể tiền ăn uống - bèo quá họ không chạy, mà chủ xe cũng không có mà trả”, ông Toán cho hay.

“Dịch bệnh khách ít, xăng dầu liên tiếp tăng giá nữa nên rất khó khăn, chạy cầm cự, nguy cơ bán xe cao. Anh thấy đó, bến chỉ toàn tài xế chứ có khách đâu, tuyến này có khoảng 50% xe đang chạy, còn một số tuyến khác chỉ vài xe chạy cầm chừng”, một tài xế tuyến Đông Hà - Huế chia sẻ thêm.

img

Lái xe "dở khóc dở mếu" vì xe chuẩn bị xuất bến không có một khách

Theo ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bến xe khách tỉnh Quảng Trị, trong bối cảnh khách ít đi lại do lo ngại dịch bệnh, giá xăng dầu tăng nên số lượng phương tiện hoạt động còn ít hơn so với trước rất nhiều. Trên các tuyến, một số xe chạy cầm chừng và xe làm đơn xin tạm nghỉ chạy rất nhiều.

“Hiện nay số xe xin tạm nghỉ chạy khoảng 30-40%. Có xe sau khi chạy vào trong Sài Gòn gọi ra cho tôi báo xe vẫn đang “nằm lại” trong đó vì số khách đăng ký để đi xe ra cộng với thêm ít hàng hóa được có 4 triệu, mà xe chạy ra chi phí mất 15 triệu, mỗi lần như thế lỗ khoảng 10 triệu”, lãnh đạo Bến xe Đông Hà cho hay.

Một nhà xe chạy tuyến từ Đắk Nông về Đông Hà cũng nói rằng mùa này không có hàng hóa gửi nên thùng xe luôn trong cảnh trống không, nhưng cũng may chuyến này về có được 9 khách.

img

Các xe tuyến Đông Hà - Huế chủ yếu "chồng lái xe, vợ phụ xe"

“So với trước thời điểm xăng dầu tăng liên tiếp vừa qua, hiện nay mỗi chuyến xe giường nằm phải tốn thêm khoảng 1,5 triệu chi phí tiền dầu nên chủ yếu chạy cầm chừng, trước đây mỗi tháng 15 chuyến thì nay phải giảm bớt, không chạy thì khách quen đi xe khác rồi thì mình mất khách, mà nghỉ nhiều quá cũng mất lốt. Có chiếc xe Đồng Xoài vừa rồi vay tiền nóng 30 triệu chạy 2 chuyến rồi về cất xe luôn”, một nhà xe cho hay.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại Bến xe phía Nam TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng cho thấy, thời điểm sau Tết Nguyên đán lượng xe hoạt động trở lại nhộn nhịp hơn từ sáng sớm, còn hiện nay khu vực đậu của các tuyến xe đường dài đi các tỉnh Tây Nguyên... cũng “vơi” đi nhiều.

Khu vực lên tài tuyến buýt liên tỉnh liền kề Huế - Đà Nẵng trước đây cứ 15 phút có 1 xe xuất bến. Còn hiện nay, ngoài việc phương tiện trên tuyến chưa được khôi phục hoạt động 100% tần suất, một số xe cũng đang nghỉ chạy nên có xe đậu hơn 40 phút mới xuất bến nhưng khi xe lăn bánh ra khỏi bến cũng chỉ có một vài khách.

img

Số lượng xe tại Bến xe phía Nam TP Huế "vơi" đi rất nhiều lộ ra nhiều khoảng trống, xe buýt Huế - Đà Nẵng gần 40 phút đậu tại vị trí lên tài khi xuất bến cũng chỉ có 1 khách.

Theo một số nhà xe tuyến buýt Huế - Đà Nẵng, từ ngày 10/12/2021 đến nay phương tiện trên tuyến này mới hoạt động 50% so với tần suất đã được 2 Sở phê duyệt. Phía Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có đề nghị khôi phục hoạt động 100%, nhưng thời gian qua phía Sở GTVT TP. Đà Nẵng chưa đồng ý, khoảng đầu tháng 3 tới mới bắt đầu khôi phục 100%.

“Tổng chi phí mỗi xe trên tuyến từ Bến xe phía Nam TP. Huế vô Bến xe Trung tâm TP. Đà Nẵng rồi ra lại hiện hết khoảng 1,5 - 1,6 triệu đồng, trong đó tiền chi phí dầu hiện nay đã tăng thêm khoảng 150 nghìn so với trước thời điểm xăng dầu tăng giá liên tục vừa qua, nhưng xe khi xuất bến chỉ vài khách, có xe xuất bến không có khách nào, dọc đường may ra có vài khách đi, còn “xe ké” thì chạy quá nhiều.

Mấy chuyến vừa qua chuyến nào cũng lỗ vài trăm nghìn, chưa kể chi phí hao mòn và tiền công sức anh em tổ lái”, lái xe BKS 75B - 018.39 tuyến buýt Huế - Đà Nẵng nói.

img

Khách ít, xăng dầu tăng giá khiến các nhà xe, doanh nghiệp vận tải khách gặp nhiều khó khăn.

Ông Đoàn Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Huế, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Thừa Thiên Huế cho biết, giá xăng dầu đồng loạt tăng giá vừa qua đã làm cho các phương tiện taxi trên địa bàn rơi vào thế khó.

Trong bối cảnh phương tiện mới hoạt động trở lại khoảng 50% do ảnh hưởng Covid-19 phức tạp kéo dài, người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng thì chỉ cần nhích tăng giá lại lo lượng khách sẽ càng ít hơn.

Hơn nữa, theo ông Quang, hiện cũng chưa biết xăng sẽ tăng bao nhiêu nữa hoặc sẽ giảm như thế nào, nên phía doanh nghiệp cũng đang “nghe ngóng”, vì mỗi lần điều chỉnh giá tăng, giảm phải làm các thủ tục đăng ký xin điều chỉnh giá cước, rồi phải lập trình lại rất phiền, rất phức tạp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.